KTĐT - Đó là cái giá mà người nghèo Trung Quốc đang phải trả cho một tương lai hàm lượng carbon thấp. Các nguyên tố đất hiếm đóng vai trò cơ bản cho cho nhiều công nghệ “xanh” thế hệ nối tiếp.
Ngay bên ngoài Bao Đầu, Nội Mông - thành phố công nghiệp bị ô nhiễm nặng nề - vây quanh bởi những làn khói đặc, có một cái hồ không tên.
Một gia đình câu cá trên dòng sông ô nhiễm gần Bao Đầu. Chiết xuất kim loại đất hiếm đang phá huỷ môi trường đại lục (Ảnh timesonline) |
Vào thời điểm này trong năm, hồ trơ đáy với những lớp bùn rắn. Trong mùa hè, người dân địa phương nói, nó là lớp chất lỏng màu đỏ đặc sệt, nơi những nguyên tố đất hiếm độc hại từ mỏ khai thác cách đó hơn 160km được tích trữ cho quá trình gia công.
Chất lỏng rò rỉ từ hồ làm nhiễm độc đất trồng xung quanh. “Mùa màng không thể phát triển sau khi nước ngầm vào những cánh đồng”, Vương Thôn Cương, một nông dân cho biết. Hội đồng địa phương đã trả cho dân làng tiền bồi thường vì thu nhập giảm sút. “Họ kiểm tra nước của chúng tôi và kết luận, cả người lẫn động vật đều không nên uống nước, cũng không nên sử dụng trong tưới tiêu”.
Đó là cái giá mà người nghèo Trung Quốc đang phải trả cho một tương lai hàm lượng carbon thấp. Các nguyên tố đất hiếm đóng vai trò cơ bản cho cho nhiều công nghệ “xanh” thế hệ nối tiếp. Kim loại đất hiếm được dùng trong hàng loạt ứng dụng ngày càng quan trọng trong công nghệ và quốc phòng. Những kim loại này, ngày nay được dùng trong các sản phẩm thương mại như máy điện thoại di động, máy nghe nhạc iPod, sẽ gia tăng giá trị trong những năm sắp tới vì chúng rất thiết yếu trong hàng loạt ứng dụng sử dụng năng lượng hiệu quả, từ xe hơi hybrid (vừa dùng xăng vừa dùng điện), cho tới các tuốc-bin gió.
Ở những xưởng làm việc nhỏ gần Bao Đầu, công nhân không mặc quần áo bảo hộ đang trông coi những bể lớn chứa axit và nhiều hoá chất khác, hơi bốc cao từ các ống dẫn han gỉ khi họ quấy lên và đóng bao các túi chất độc hại dạng bột hoặc lỏng, đưa các nguyên tố đất hiếm vào hợp chất và tiếp tục chế biến thành pin, nam châm. Không mang mặt nạ, họ hít trực tiếp thứ không khí nặng mùi và đầy bụi, cầm các loại hoá chất không cần găng tay.
Trả giá
Cách đó hàng nghìn km, tại tỉnh Giang Tây, quá trình chiết xuất còn nguy hiểm hơn. Các công xưởng tạm bợ rải khắp những ngọn đồi xanh nơi axit được bơm vào đất. Tháng 9 năm ngoái, dân làng ở huyện Pitou đã chặn các xe tải chở hoá chất và phản đối hội đồng địa phương, bởi đất đai đồng ruộng của họ bị phá huỷ.
“Chúng tôi trồng lúa nhưng không thể thu hoạch được bất cứ thứ gì”, một phụ nữ cho biết “Cây quả không đơm hoa kết trái, cá chết nổi trên sông. Chúng tôi từng giặt giũ ở sông và thấy có nhiều loại cá bơi tung tăng, nhưng giờ thì không còn gì cả. Thậm chí đến cỏ cũng lụi tàn”.
Về lý thuyết, các nhà máy gây ô nhiễm đã bị đóng cửa, nhưng dân làng phản ánh vẫn thấy chúng hoạt động ban đêm, với nhân viên bảo vệ có vũ trang.
Hơn hai thập niên với những quy định môi trường lỏng lẻo, và chi phí lao động thấp khiến ngành công nghiệp khai thác Trung Quốc có những lợi thế mà không quốc gia nào có thể cạnh tranh được. Gìơ đây, thế giới đã chứng kiến một nền kinh tế mới trên cơ sở nguồn năng lượng phục hồi, Trung Quốc sản xuất hơn 95% nguồn cung đất hiếm.
Nhu cầu toàn cầu dự kiến đạt 140.000 tấn trong năm tới. Nhưng trong tháng 8, Bắc Kinh đã rung hồi chuông báo động cho thị trường khi đe doạ sẽ hạn chế hạn ngạch xuất khẩu xuống còn 35.000 tấn/năm trong sáu năm tới.
Công nhân khai thác mỏ đất hiếm ở Trung Quốc (Ảnh Foreign Policy) |
Tại một hội nghị về đất hiếm ở Hong Kong tháng trước đã nổ ra cuộc tranh luận giữa các nhà điều hành về sự độc quyền của Trung Quốc trong lĩnh vực này. “Nếu mục tiêu là sản xuất xe hybrid để làm giảm sự phụ thuộc của chúng tôi vào nguồn dầu mỏ nước ngoài, và chúng tôi lại cần tới nguồn kim loại đất hiếm của người Trung Quốc thì có khác nào, chúng tôi đang chuyển dịch sự phụ thuộc vào một nhà cung cấp khác?”, Mark Smith, giám đốc điều hành Molycorp Minerals, một hãng khai mỏ Mỹ nói.
“Sẽ xảy ra việc khan hiếm trầm trọng kim loại đất hiếm trên thế giới và mọi chính sách năng lượng sạch là không thể thực thi”, ông cảnh báo.
Tham vọng chiếm lĩnh thị trường
Chuẩn bị khai thác một mỏ đất hiếm theo chuẩn môi trường phương Tây là rất đắt đỏ. Theo Dudley Kingsnorth, một chuyên gia người Australia, chi phí khai thác của Trung Quốc chỉ bằng 1/3 một phần do chuẩn an toàn lỏng lẻo. “Tôi nghĩ sẽ mất ít nhất 10 năm nữa trước khi Trung Quốc đáp ứng quy định của chúng tôi”, ông nhấn mạnh. “Những nhà sản xuất tivi và ô tô sẽ chịu áp lực rất lớn vì họ không muốn các nhà hoạt động biểu tình phản đối, nói những gì chúng ta đang làm là phá huỷ môi trường ở Trung Quốc”.
Tại Bao Đầu, một khu công nghiệp khai thác đất hiếm trị giá nhiều triệu USD đang trong quá trình xây dựng. Trên bức tường có khẩu hiệu rõ ràng rằng: “Nỗ lực hết mình, trở thành nhà lãnh đạo thế giới trong công nghiệp đất hiếm”.
Triệu Chính Kỳ, Chủ tịch Học viên Nghiên cứu Đất hiếm Bao Đầu nói: “Những vấn đề môi trường phát sinh bao gồm việc thải các nguyên tố độc hại như flo và sulphur, nước thải chứa quá nhiều axit và phóng xạ”.
Bằng việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm dạng thô, Trung Quốc hy vọng sẽ thu hút các nhà sản xuất và thuyết phục họ chuyển giao công nghệ. “Trung Quốc có 1,3 tỉ dân, chúng tôi không thể tiếp tục cung cấp cho thế giới nguồn đất hiếm giống như từng làm trước đây”, Triệu khẳng định.
Cách đây hơn một thập niên, để thâu tóm thị trường đất hiếm. Bắc Kinh cho các công ty quốc doanh vay vốn ưu đãi để phát triển và khai thác các vùng giàu nguồn kim loại này. Nhờ giá lao động rẻ, quy định về môi trường lỏng lẻo và các tiêu chuẩn hoàn nguyên kém cỏi, các mỏ của Trung Quốc có thể sản xuất ra kim loại đất hiếm với giá thấp hơn rất nhiều so với các đối thủ cạnh tranh – kết quả là họ loại nhiều đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường.
Ngoài ra, Trung Quốc còn dần dần cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm. Và gần đây áp lực còn tăng cao hơn khi bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã phát hành sách trắng, đề xuất giảm mạnh hơn nữa việc xuất khẩu kim loại đất hiếm – thậm chí ngừng hẳn việc xuất khẩu.
Vào năm 1987, khi kim loại đất hiếm bắt đầu được sử dụng trong máy tính và các thiết bị điện tử khác, thời điểm rất lâu khi làn sóng công nghệ xanh bùng nổ, lãnh đạo Trung Quốc bây giờ là ông Đặng Tiểu Bình đã tuyên bố: “Trung Đông có dầu, nhưng Trung Quốc có đất hiếm”.