Bắc Kinh đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngoại giao ở châu Phi trong bối cảnh gần đây, nhiều người châu Phi ở Quảng Châu báo cáo tình trạng bị chủ nhà đuổi khỏi căn hộ đang thuê, bị xa lánh và phân biệt đối xử nơi công cộng. Sinh viên và công dân châu Phi tại TP này tuần trước buộc phải xét nghiệm virus Covid-19 và tự cách ly 14 ngày, bất kể lịch sử đi lại của họ gần đây ra sao, trong bối cảnh Trung Quốc lo ngại các ca nhiễm bệnh “nhập khẩu”.
Một số đại sứ châu Phi tại Trung Quốc đã gửi thư cho Ngoại trưởng Vương Nghị với mong muốn giải quyết các lo ngại về phân biệt chủng tộc với công dân của họ. Các đại sứ cho rằng trong bối cảnh Trung Quốc cơ bản đã kiểm soát được dịch Covid-19 ở Vũ Hán và giờ đang lo các ca bệnh nhập khẩu, thì những cáo buộc kỳ thị như trên sẽ tạo ra ấn tượng sai lệch là người châu Phi đem virus vào Trung Quốc.
Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình |
Tại châu Phi, các chính phủ, cơ quan truyền thông và công dân đã phản ứng giận dữ khi video người châu Phi bị cảnh sát quấy rối, ngủ trên đường phố hoặc bị nhốt vào nhà của họ khi bị cách ly tràn lan trên mạng.
Cuối tuần trước, trang nhất của tờ báo lớn nhất Kenya đặt tiêu đề “người Kenya ở Trung Quốc: Giải cứu chúng tôi khỏi địa ngục", trong khi một thàn viên quốc hội nước này kêu gọi các công dân Trung Quốc rời khỏi Kenya ngay lập tức. Các đài truyền hình ở Uganda, Nam Phi và Nigeria cũng phát những video cho thấy người châu Phi bị đối xử phân biệt. những câu chuyện về sự ngược đãi.
Vụ việc làm suy yếu các nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc ở châu Phi. Trong những năm gần đây, các quốc gia châu Phi đã trở thành đối tác thương mại và ngoại giao quan trọng đối với Bắc Kinh, với kim ngạch thương mại của Trung Quốc với châu Phi cán mốc 208 tỷ USD vào năm 2019, theo số liệu chính thức từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Trong một tuyên bố được công bố hôm 12/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phủ nhận việc Trung Quốc đối xử phân biệt với công dân nước ngoài tại đây.
Khẳng định Trung Quốc vẫn đang đứng trước rủi ro từ các ca nhiễm “nhập khẩu” trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn thế giới, tuy nhiên ông Triệu cũng cho rằng: “Mọi công dân nước ngoài được đối xử bình đẳng. Chúng tôi không đối xử phân biệt và cũng không khoan dung đối với sự phân biệt đối xử", ông này nói thêm.
Kỳ thị và bài ngoại trở thành vấn đề được quan tâm từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Người Trung Quốc nói riêng và người châu Á nói chung từng bị kỳ thị ở châu Âu và Mỹ vì bị xem như nguồn lây lan dịch bệnh.