Trung Quốc và Mỹ sẽ tổ chức thượng đỉnh riêng trong khuôn khổ COP28?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu cũng như nỗ lực cải thiện quan hệ song phương, cả Bắc Kinh và Washington đang gấp rút chuẩn bị cho các cuộc gặp bên lề trước thềm COP28.

Một quan chức môi trường Trung Quốc cho biết trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP28), Washington và Bắc Kinh sẽ tổ chức thượng đỉnh chung về ứng phó với khí nhà kính metan (CH4) và những khí không phải carbon dioxide (CO2), nhằm tăng cường hợp tác giữa hai bên trong ứng phó trước những nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.

Trả lời hãng tin The Pape, Xia Yingxian, giám đốc biến đổi khí hậu của Bộ môi trường và là phó trưởng phái đoàn Trung Quốc tại COP28, cho biết nước này hy vọng sẽ hợp tác với các quốc gia khác để thực hiện thành công việc đánh giá những tiến bộ của giải pháp chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Trung Quốc đang không ngừng phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: SCMP
Trung Quốc đang không ngừng phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: SCMP

Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thông báo rằng Phó Thủ tướng Đinh Tiết Tường sẽ đến Dubai để dự thượng đỉnh về khí hậu từ ngày 30/11 đến 2/12. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ninh, sự tham gia của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cho thấy quyết tâm của nước này trong phòng chống biến đổi khí hậu.

Hợp tác về biến đổi khí hậu sẽ là một trong những lĩnh vực quan trọng mà cả Trung Quốc và Mỹ mong muốn hướng tới nhằm cải thiện mối quan hệ hai bên.

Thậm chí, ngay trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Washington hồi đầu tháng này, hai nước đã thống nhất sẽ tăng cường hợp tác để ứng phó với tình trạng nóng lên toàn cầu trong Tuyên bố Sunnylands về tăng cường hợp tác để giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Theo thỏa thuận này, hai quốc gia phát thải carbon hàng đầu thế giới cam kết sẽ đưa khí CH4 vào kế hoạch cắt giảm thải vào năm 2035, lần đầu tiên Bắc Kinh đưa ra cam kết này – và hợp tác để kiểm soát lượng thải khí nhà kính ngoài khí CO2, cũng như hạn chế tình trạng mất rừng và ô nhiễm nhựa.

Ông cũng tiết lộ thêm rằng Trung Quốc đã thực hiện một loạt các biện pháp để giải quyết biến đổi khí hậu, như công bố mục tiêu trung hòa carbon, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu trong công nghiệp, năng lượng, giao thông, và phát triển trồng rừng.

“Năm 2022, Trung Quốc đã giảm mức phát thải carbon xuống hơn 51% so với 2005, khi năng lượng phi hóa thạch chiếm đến 17,5% mức tiêu thụ năng lượng. Không những vậy, số lượng phương tiện sử dụng các nguồn năng lượng xanh tại quốc gia tỷ dân đã lên đến 16,2 triệu.” – Ông Xia cho biết

Về việc hợp tác quốc tế, vị giám đốc này cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác với các quốc gia Nam bán cầu, giúp họ xây dựng những khu vực carbon thấp và các dự án thiết khác để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về phía Mỹ, sau khi kết thúc cuộc đàm phán với người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa, đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Mỹ John Kerry cho biết Bắc Kinh thực sự nghiêm túc với các kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như mở rộng quy mô năng lượng sạch.

Ông cũng cho biết rằng mặc dù có hệ thống điện chủ yếu sử dụng than, Trung Quốc đang không ngừng xây dựng các nhà máy năng lượng tái tạo, với số lượng nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cộng lại. Hiện, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về lĩnh vực này, ông nhận định.