Bằng sự tận tâm, trách nhiệm, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội đã giúp các nạn nhân của bạo lực tin tưởng, mạnh dạn chia sẻ, được nâng cao hiểu biết, lòng tự tin, sự tự trọng, tự xây dựng được kế hoạch an toàn cho bản thân để phòng chống bạo lực.
Những con số báo động
Theo một số nghiên cứu, thống kê cấp quốc gia cho thấy, tại Việt Nam có 58% phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 60 đã từng kết hôn cho biết từng bị bạo lực do chồng hoặc bạn tình gây ra ít nhất một lần. Trong khoảng thời gian từ 2005 - 2009, gần 6.000 phụ nữ và trẻ em được xác định là nạn nhân của mua bán người tại Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công an năm 2013, từ năm 2012 đến quý I/2013, đã có 550 vụ mua bán người được phát hiện với 1.080 nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái.
Hội nghị trang bị phổ biến kiến thức về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cho trẻ em tại huyện Quốc Oai. |
Ước tính Việt Nam có khoảng 300.000 phụ nữ mại dâm, người bán dâm do bị cưỡng ép, lôi kéo hay tự nguyện phải đối mặt với nguy cơ bạo lực do sự kỳ thị, tính không chính thức và phi pháp của hoạt động này. Trong 5 năm (từ 2008 đến 2012) có 5.960 vụ lạm dụng tình dục trẻ em gái và cưỡng hiếp phụ nữ được phát hiện trên toàn quốc. Mối lo ngại lớn nhất là tình trạng lạm dụng và bạo lực tình dục đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái ngày càng có nguy cơ gia tăng...
Trước tình hình đó, ngày 25/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu tổng quát là phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội cho đối tượng yếu thế theo hướng hội nhập quốc tế; tạo môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh cho trẻ em; giảm khoảng cách giới trong những lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao; nâng cao chất lượng, hiệu quả cai nghiện ma túy, tuyên truyền phòng, chống mại dâm, hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội, hướng tới mục tiêu công bằng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Một trong những nội dung quan trọng của chương trình là cung cấp dịch vụ phòng chống bạo lực trên cơ sở giới nhằm hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Hiệu quả thiết thực
Với chủ trương đó, năm 2018, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội trở thành 1 trong 8 đơn vị của cả nước được Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐTB&XH lựa chọn để triển khai “Mô hình ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” trong 3 năm (2018 - 2020). Mục tiêu của mô hình là cung cấp dịch vụ xã hội ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nhằm giảm thiểu hậu quả của hành vi bạo lực, phòng tránh hành vi bạo lực tiếp tục xảy ra.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội Vũ Thị Minh Tuyết, các hoạt động chính của mô hình tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ xã hội cho đối tượng là nạn nhân và nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới, người gây bạo lực và có nguy cơ gây bạo lực trên cơ sở giới, các dịch vụ cho cộng đồng, hỗ trợ chăm sóc nạn nhân tại cơ sở y tế, sử dụng đường dây nóng và cơ chế phối hợp liên ngành trong giải quyết bạo lực trên cơ sở giới để kết nối dịch vụ, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân và can thiệp, xử lý phù hợp người gây bạo lực.
Cụ thể, với đối tượng là người bị bạo lực và người có nguy cơ bị bạo lực, các hoạt động hỗ trợ bao gồm dịch vụ an toàn, y tế, tư vấn hỗ trợ tâm lý, trợ giúp pháp lý, cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản về ngăn ngừa, ứng phó với các hình thức của bạo lực trên cơ sở giới, liên kết hỗ trợ học nghề... Đối với người gây bạo lực hoặc có nguy cơ gây bạo lực, các hoạt động hỗ trợ bao gồm tư vấn hỗ trợ tâm lý, pháp lý, tập huấn nâng cao kỹ năng sống, liên kết giới thiệu việc làm, hỗ trợ cai nghiện rượu và các chất kích thích...
Kết quả, Trung tâm đã tổ chức 17 cuộc phổ biến kiến thức và kỹ năng phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cho 930 người lớn và trẻ em trên địa bàn huyện Ứng Hòa và xã Đại Thành, huyện Quốc Oai; biên soạn nội dung, in ấn và cấp phát 10.000 tờ rơi về phòng chống bạo lực gia đình; tư vấn cho 20 nạn nhân và người có nguy cơ bị bạo lực; tập huấn cho 20 cán bộ trung tâm nhằm nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
Chia sẻ với phóng viên, chị Lê Anh Trang - Phòng Tư vấn & Trợ giúp đối tượng (Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội) cho biết: Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai mô hình cũng gặp phải một số khó khăn nhất định liên quan đến công tác tư vấn cá nhân cho nạn nhân và người có nguy cơ bị bạo lực.
Nạn nhân gặp phải nhiều hình thức bạo lực trong đời như bạo lực thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế, đều phải trải qua cảm giác đau đớn, cảm xúc tủi nhục, xấu hổ... nhưng hầu hết trong buổi tham vấn đầu tiên, nạn nhân rất e dè khi chia sẻ về tình trạng bạo lực của mình, có người phủ nhận việc bị bạo lực. Một số người cho rằng việc bị bạo lực là do lỗi của mình hoặc sẽ không thể giữ gìn hạnh phúc gia đình, thể diện của con cái, của chồng, của dòng họ nếu lên tiếng về bạo lực...
Thông qua nhiều lần tư vấn, các nạn nhân đã tin tưởng, mạnh dạn chia sẻ, được cán bộ tư vấn cung cấp kiến thức về bạo lực và kỹ năng phòng chống bạo lực. Qua tham vấn, hầu hết nạn nhân không còn ngại ngùng, xấu hổ khi nói về bạo lực giới, được nâng cao hiểu biết, lòng tự tin, sự tự trọng, tự xây dựng được kế hoạch an toàn cho bản thân để phòng chống bạo lực.
Để việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội được hiệu quả, Trung tâm nhận thấy việc nâng cao năng lực cho cán bộ là việc hết sức cần thiết. Vì vậy, Trung tâm luôn dành một phần kinh phí đầu tư vào việc tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực. Sau tập huấn, các cán bộ thu nhận được nhiều kiến thức quan trọng như vấn đề bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, đặc điểm tâm lý của nạn nhân bị bạo lực, chu trình của bạo lực, yếu tố nguy cơ dẫn đến bạo lực, bộ công cụ đánh giá...
Qua 2 năm triển khai mô hình, trung tâm đã tăng cường được các hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng và cá nhân nạn nhân bị bạo lực, trở thành điểm đến tin cậy để tư vấn, tham vấn về bạo lực giới, tiếp tục góp phần vào đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn TP Hà Nội.
Năm 2019, Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Hà Nội tiếp tục tổ chức 14 hội nghị nâng cao kiến thức, kỹ năng cho 1.120 người lớn và trẻ em tại huyện Phú Xuyên và huyện Quốc Oai; in ấn 9.500 tờ rơi về chủ đề phòng chống bạo lực trên cơ sở giới được cấp phát vào Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực giới (từ 15/11 - 15/12 hàng năm); tư vấn, tham vấn 20 nạn nhân và người có nguy cơ bị bạo lực với 304 lượt tư vấn; tổ chức tập huấn về quy trình tham vấn cho nạn nhân bị bạo lực cho 20 cán bộ trung tâm nhằm tiếp tục nâng cao trình độ, kỹ năng cung cấp dịch vụ xã hội cho nhóm đối tượng này. |