Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hoàng Thị Hòa cho biết, trong 10 năm qua, Trung tâm đã đề xuất bổ sung được các giống cây trồng mới như lúa, lạc, đậu tương... vào cơ cấu giống của thành phố. Đồng thời duy trì giống gốc, sản xuất được các giống cây trồng cấp siêu nguyên chủng, nguyên chủng và xác nhận cung ứng cho sản xuất đại trà, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân. Đặc biệt, từ hiệu quả của chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, diện tích sản xuất lúa chất lượng cao tại Hà Nội đã không ngừng mở rộng qua các năm. Tại một số huyện đã tạo thành vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, đặc sản như: Huyện Đông Anh có giống nếp cái Hoa vàng, huyện Thanh Oai giống Bắc Thơm số 7...
Bên cạnh đó, đề án phát triển cây ăn quả cũng đã góp phần tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, giá thành hạ, nâng cao tính cạnh tranh và không ngừng nâng cao thu nhập cho người sản xuất, tạo ra phong trào phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả ở các huyện ngoại thành Hà Nội. Điển hình như: Bưởi ở Trần Phú, thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ), cam canh ở Kim An (huyện Thanh Oai), nhãn ở Đại Thành (huyện Quốc Oai)... Ngoài ra, nhờ việc chuyển giao thiết bị kỹ thuật từ năm 2012 - 2018 đã giúp bà con ở vùng sản xuất chè giảm bớt công chăm sóc, thu hoạch, vận động xây dựng sản xuất theo quy trình VietGAP, góp phần tạo sản phẩm chè an toàn cho người tiêu dùng.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả nhưng theo bà Hoàng Thị Hòa, việc phát triển cây trồng trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều hạn chế. Việc tìm hiểu, cập nhật các thông tin về tiến bộ khoa học kỹ thuật, các văn bản quản lý, chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của một số cán bộ còn hạn chế. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện công tác, cơ giới hóa chưa được đầu tư ngang tầm... Vì vậy, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ cập nhật, áp dụng nhanh những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng khoa học công nghệ về giống cây trồng để khảo nghiệm, thực nghiệm, chọn lọc, thuần chủng các giống cây trồng có năng suất, chất lượng phục vụ cho việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng. Từng bước góp phần đẩy nhanh cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ hội nhập kinh tế khu vực, quốc tế.Đồng thời, Trung tâm sẽ phấn đấu xây dựng được nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao, phấn đấu đạt 250 - 300 triệu đồng/ha canh tác năm; tiêu biểu đạt 800-900 triệu đồng/ha canh tác năm và tăng cường xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, phát triển chuỗi hàng hóa nông sản an toàn, chất lượng cao tại Hà Nội. Chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quản lý, công nghệ tiên tiến cho nông dân ngoại thành để phát triển sản xuất hàng hóa nông sản chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng nền nông nghiệp đô thị sinh thái, cảnh quan xanh, sạch đẹp, bền vững.Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định, Trung tâm Phát triển cây trồng là đơn vị chủ lực trong lĩnh vực cung cấp giống cây trồng chất lượng cao và phát triển sản xuất hàng hóa nông sản bền vững. Qua đó, góp phần quan trọng trong phát triển và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Thủ đô. Ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh, thời gian tới, Trung tâm cần sớm ổn định tổ chức, bộ máy sau sát nhập (hợp nhất với 2 đơn vị thành Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội) để đảm bảo đoàn kết, tập trung sức mạnh thực hiện phát triển nông nghiệp trên 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đáp ứng yêu cầu của thành phố, ngành nông nghiệp Thủ đô. Bên cạnh đó, nâng cao công tác đào tạo, tuyển chọn cán bộ, nhân tài để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới của Trung tâm. Đặc biệt là, chú trọng công tác chuyển giao nhanh các tiến bộ KHKT, quản lý mới, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng cũng như nâng cao hiệu quả của các chương trình, dự án, mô hình. Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Trung tâm phát triển cây trồng Hà Nội.