“...Bao giờ cho đến mùa thuTrái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm ...” – Nguyễn Duy
Ai cũng có một thời tuổi thơ, dù là ai, thế hệ nào thì chắc rằng trong ký ức vẫn lưu giữ vẹn nguyên hình ảnh của những mùa trăng tháng Tám, những thú vui của trẻ em mỗi dịp Trung thu. Với thế hệ 7x, ký ức về Trung thu là những kỷ niệm của thời gian ba mươi năm có lẻ.
Khác với bây giờ, Trung thu của thế hệ 7x không có nhiều đồ chơi, không có đèn màu nhấp nháy, không có đồ chơi chạy pin hay điều khiển từ xa. Chỉ có những thứ đơn giản, mộc mạc mà đa phần là tự làm lấy như đèn ông sao, đèn cù, mũ miện, trống ếch. Ai sang lắm thì có được cái đầu sư tử. Vậy mà, những đêm trăng Trung thu ấy lại là cả một sự háo hức, mong chờ của lũ trẻ từ trước đó hàng tháng trời.
Năm nào cũng thế, gần đến Trung thu, bọn trẻ cùng xóm rủ nhau đi chợ để ngắm đồ chơi. Các cửa hàng, phố chợ gần đến rằm tháng Tám cũng chỉ bày bán những đồ chơi truyền thống. Những chiếc đèn ông sao, đèn cù, đèn kéo quân bọc giấy bóng kính xanh đỏ có một sự cuốn hút đến kỳ lạ.
Ngoài những đồ chơi truyền thống làm thủ công, mơ ước hồi ấy của đám con trai là được sở hữu một khẩu súng phun nước, đứa nào có một khẩu súng phun nước to thì được cả bọn ngưỡng mộ lắm.
Nhưng có lẽ để lại trong ký ức nhiều nhất lại là những trò chơi, những hoạt động của bọn trẻ diễn ra trước đó cả tháng trời. Cũng lạ một điều là những trò chơi đó ai ai cũng chơi, năm nào cũng y như thế mà đứa nào cũng thấy háo hức.
Hồi đó, với bọn con gái thì niềm đam mê bất tận có lẽ là những quả thị thơm phức. Cả bọn cần mẫn đan những chiếc túi bằng sợi len để “rọ” quả thị, treo lên cửa sổ, ngắm chán chê rồi đến hôm Trung thu thì mang ra nắn cho thật mềm, đứa nào cũng học nhau làm thế.
Trước Trung thu cả tháng, đám trẻ bảo nhau ăn bưởi thì phải giữ lại hạt, bóc vỏ, xâu vào một sợi dây thép rồi phơi khô để đến đêm trông trăng phá cỗ thì mang ra đốt. Cứ gần đến trung thu là trên dây phơi quần áo có những dây hạt bưởi xen kẽ, những hôm trời mưa không kịp cất, xâu hạt bưởi mốc xanh mốc đỏ, cả bọn lại tiếc ngẩn tiếc ngơ.
Gần đến ngày Trung thu, bọn con trai thì hì hục làm mặt nạ còn bọn con gái thì làm mũ miện. Những tờ báo cũ, những tờ giấy bạc trong vỏ bao thuốc lá được tích cóp từ đầu năm được đem ra sử dụng. Bọn con trai làm mặt nạ thì lấy giấy báo cũ ngâm nước cho mềm rồi bồi từng lớp một thành cái mặt nạ, sau đó đem phơi khô và vẽ lên đó những ông Địa, chú Cuội. Còn bọn con gái thì lấy bìa sách cũ và giấy bạc, giấy màu, cắt cắt dán dán để làm mũ miện, đêm Trung thu mang ra đội, đứa nào nhìn cũng xinh như công chúa.
Vui nhất mỗi dịp Trung thu là đêm “phá cỗ - trông trăng”. Xóm nào cũng tổ chức một “mâm cỗ” cho bọn trẻ vui chơi. Cỗ Trung thu hồi ấy cũng đơn giản, chỉ có bưởi, hồng, thêm cái bánh nướng, bánh dẻo. Những chuỗi hạt bưởi phơi khô trước cả tháng giờ mới đem ra đốt, tỏa mùi thơm cay cay, ánh sáng xanh lét, nổ tí tách nghe rất vui tai.
Phá cỗ xong là đến phần vui chơi của đám trẻ. Cả bọn kéo nhau rước đèn, múa sư tử quanh xóm. Bọn con trai thì đeo mặt nạ làm trò, bọn con gái thì đội mũ miện. Đèn ông sao, đèn cù, đèn lồng tỏa ánh sáng xanh đỏ tím vàng lung linh. Tiếng trống ếch, tiếng cười nói hò reo vui vẻ rộn ràng khắp xóm.
Ngày nay, Tết trung thu có nhiều thay đổi, những đồ chơi giờ đã phong phú và hiện đại hơn rất nhiều. Các hoạt động dành cho bọn trẻ đón Trung thu cũng rất đa dạng, nhưng vẫn như thiếu thiếu một cái gì đó... Có lẽ, đó chính là không khí cộng đồng của xóm làng mà giờ đã gần như không còn.
Với thế hệ 7x, đến nay cũng đã hơn ba mươi năm, những câu chuyện, những trò chơi Trung thu ngày ấy dù chỉ còn trong ký ức nhưng vẫn gợi cảm giác da diết, bâng khuâng mỗi khi nhớ về.