Trung Tú - đất Anh hùng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa), mảnh đất anh hùng từng chứng kiến bao tội ác của thực dân, đế quốc xâm lược.

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, người dân Trung Tú hôm nay đang ra sức sản xuất xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp.

Vùng quê dũng cảm, kiên cường

Trong cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1939 - 1945, cùng với Trầm Lộng, Tảo Khê, Kim Châm…, Trung Tú đã trở thành trung tâm cách mạng của huyện Ứng Hòa. Trong khó khăn, tinh thần yêu nước của Nhân dân Trung Tú được tiếp thêm sức mạnh sau sự kiện tự vệ Ứng Hòa đánh Nhật ở Trạch Xá vào ngày 10/8/1945. Đây là mốc son báo hiệu thời cơ cách mạng đang chín muồi. Lúc đó, một không khí cách mạng sục sôi khắp các xóm làng.

Dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, mà trực tiếp là đồng chí Đỗ Mười, Nhân dân Trung Tú đã vùng lên giành chính quyền. Tinh thần cách mạng càng lên cao khi Nhân dân nô nức may sắm cờ đỏ Sao Vàng, kẻ khẩu hiệu chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa. Sáng 22/8/1945, Xứ ủy phát động khởi nghĩa diễn ra đồng loạt và giành thắng lợi trong toàn tổng.
Đường làng, ngõ xóm ở Trung Tú được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp.
Đường làng, ngõ xóm ở Trung Tú được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp.
Là một trong hai người chứng kiến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám còn sống đến nay, cụ Chu Duy Tuất (95 tuổi) hồi tưởng về cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại đình làng Quảng Tái với cờ đỏ Sao Vàng tung bay phấp phới, có tự vệ võ trang với gươm giáo chỉnh tề đứng bảo vệ... Rồi, có cả lễ chào cờ và nghi lễ bắn súng, tiếp đến là những tiếng hô vang động đất trời "Việt Minh muôn năm!", "Việt Nam độc lập muôn năm!"

Sau khi giành độc lập, ngay trong tháng 9/1945, hưởng ứng "Tuần lễ vàng", Nhân dân Trung Tú đã ủng hộ nhiều vàng bạc, của cải cho Chính phủ lâm thời. Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "chống giặc đói, giặc dốt", xã đã tiết kiệm được hàng tạ gạo cứu đói đồng bào. Đêm đêm, khắp xóm làng vang lên tiếng học i tờ từ các lớp "Bình dân học vụ". Chính tại nơi đây, tháng 11/1947, các giáo viên của trường Cán bộ Lê Hồng Phong đã tổ chức lớp bồi dưỡng chính trị cho 36 đồng chí chi ủy viên của Chi bộ tổng Đạo Tú.

Năm 1948, các cơ quan, đơn vị và bộ đội về trú chân trên địa bàn xã đã được Nhân dân đón tiếp nồng hậu. Khi chiến trường ngày càng mở rộng ra xung quanh Hà Nội, đình Quảng Tái đã trở thành địa điểm cứu chữa thương binh. Hội giúp binh sĩ bị nạn ở các thôn được thành lập, tích cực giúp đỡ thương binh như con cái trong nhà, từ chăm sóc vết thương đến lo từng bát cháo, giặt giũ, khâu vá quần áo… Năm nay dù đã bước sang tuổi 90 nhưng cụ Chu Duy Can, ở thôn Dũng Cảm vẫn nhớ như in những hình ảnh đẹp đẽ đó, cụ nói: "Tình quân dân được thắt chặt, gắn bó như cá với nước vậy".

Ngày 19/6/1951, thực dân Pháp mở trận càn phá hoại, tàn sát dã man Nhân dân Trung Tú và các xã thuộc khu Cháy. Dù vậy, tinh thần chiến đấu của quân và dân khu Cháy không hề lay chuyển. Được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư động viên, khen ngợi, khí thế cách mạng ở Trung Tú càng thêm sôi nổi, phong trào cách mạng ngày càng lớn mạnh.

Hoạt động cách mạng nổi bật nhất ở Trung Tú phải kể đến là phong trào "rào làng kháng chiến". Các hàng rào bằng tre dựng kiên cố quanh làng như một bức tường vững chắc. Các lối đi trong xóm, ngoài vườn đều có hố chông đào sâu, ngụy trang cẩn thận. Hệ thống hầm bí mật ở các thôn cũng nhanh chóng được hình thành để bảo vệ cán bộ, du kích, cất giấu của cải, vũ khí trong điều kiện địch càn quét chiếm đóng. Việc vận động thanh niên nhập ngũ được đẩy mạnh, chính quyền cách mạng và các đoàn thể tiếp tục được củng cố. Các đoàn thể cứu quốc vừa phát triển thêm hội viên, vừa đẩy mạnh các hoạt động kháng chiến. Hội Phụ nữ phục vụ hậu cần tại chỗ; Hội Phụ lão thành lập đội Bạch đầu quân vót chông gài bẫy; Hội Mẹ chiến sĩ nhận thêm bộ đội về đỡ đầu, chăm sóc lúc ốm đau…

Trong những năm giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, Trung Tú lại tiếp đón các cơ quan, đơn vị, bộ đội sơ tán gồm: Bộ Thủy lợi, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Đoàn lái xe 559… Khi đế quốc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, Trung Tú lại dồn sức cho nhiệm vụ trọng tâm là phát triển sản xuất, chi viện tối đa cho miền Nam ruột thịt, cùng Nhân dân miền Bắc  khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Chỉ tính riêng từ năm 1973 - 4/1975, Trung Tú đã tiến hành 8 đợt giao quân cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Diện mạo mới

Chiến tranh đã lùi xa nhưng người dân Trung Tú vẫn luôn ghi nhớ, cái giá của độc lập, tự do hôm nay là sự đánh đổi biết bao mồ hôi, xương máu của thế hệ cha anh đi trước. Tinh thần đó tạo nên sức mạnh vô song, là động lực to lớn để người dân Trung Tú vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương trong thời kỳ đổi mới. Những thửa ruộng năm xưa "đồng trắng, nước trong" nay đã được thay thế bằng những ô thửa lớn. Những vùng lầy lội đã được cải tạo thành những ao hồ nuôi trồng thủy sản (NTTS) vuông vắn, những vườn tạp được quy hoạch trồng cây ăn quả…

Ông Quách Văn Mạng - Chủ tịch UBND xã Trung Tú cho biết, từ năm 2006, Trung Tú đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa. Đồng thời, xã tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó mũi nhọn là phát triển NTTS và trồng lúa hàng hóa.

Ông Mạng cho rằng, sự thay đổi ở vùng trũng này không chỉ về vóc dáng, sự bung ra của những mô hình, mà được thể hiện qua chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng đắn. Điều đáng mừng là sau chuyển đổi, giá trị sản xuất đã tăng lên rõ rệt, bình quân đạt từ 180 - 200 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, toàn xã có hơn 200ha lúa hàng hóa, gần 200ha NTTS. Trung Tú đã trở thành vùng trọng điểm NTTS của Thủ đô, với sản lượng cung cấp ra thị trường 600 tấn mỗi năm.

Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, người dân Trung Tú còn tích cực duy trì, phát triển các nghề phụ để tăng thu nhập như đan chũm (vó), mộc dân dụng, may công nghiệp... Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 26,2 triệu đồng/năm. Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến sự nghiệp giáo dục của Trung Tú. Từ năm 1995 đến nay, Trung Tú luôn là đơn vị đi đầu trong toàn huyện về thành tích giáo dục. Tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường ĐH, CĐ của xã luôn đứng trong tốp đầu của huyện. Và năm 2014, Trung Tú được TP công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống của người dân được nâng cao, diện mạo nông thôn đang khởi sắc từng ngày.
Với những thành tích, đóng góp to lớn, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Nhân dân và cán bộ xã Trung Tú nhiều huân, huy chương cao quý. Tháng 4/2015, Trung Tú được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.            

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần