Trùng tu di tích huyện Mê Linh: Trăn trở bài toán vốn

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Huyện Mê Linh có 161 di tích, trong đó có 1 di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt là đền Hai Bà Trưng, 25 di tích Quốc gia và 48 di tích cấp tỉnh, TP. Trải qua thăng trầm lịch sử, nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng và cần được trùng tu. Tuy nhiên, nguồn vốn đang là rào cản lớn đối với công tác này.

Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của các di tích lịch sử văn hóa, việc quản lý, bảo tồn các di tích đã được huyện Mê Linh hết sức chú trọng. Bằng các nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, xã hội hóa, nhiều di tích trên địa bàn đã, đang được trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp như: Chùa Diên Phúc (xã Văn Khê), chùa Liên Hoa (xã Liên Mạc), chùa Linh Cảnh (xã Thạch Đà)…
 Đình Đại Bái là một trong 5 di tích lịch sử văn hóa cần được tu bổ cấp thiết của huyện Mê Linh.
Tuy nhiên, hiện vẫn có rất nhiều di tích, trong đó có 5 di tích lịch sử cấp Quốc gia và tỉnh, TP trên địa bàn huyện Mê Linh đang xuống cấp nghiêm trọng, chưa được tôn tạo. Đơn cử như đình Bạch Trữ (xã Tiến Thắng), được xây dựng từ thời Hai Bà Trưng, thờ Thiên Tiên Mỵ Nương - con gái Hùng Vương thứ 18, và Thành hoàng làng Cống Sơn - vị tướng tài ba đã có công giúp Hai Bà Trưng đánh giặc. Đình được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1993. Đến nay, toàn bộ phần mái đình đã bị mối mọt; các cấu kiện gỗ bị mục rỗng; sân, tường bao cũng bị hư hỏng nặng…

Bên cạnh di tích đình Bạch Trữ, 4 di tích khác cần được bảo tồn cấp thiết gồm: Di tích cấp Quốc gia đình Phú Mỹ (xã Tự Lập), và 3 di tích cấp TP: Đình Đại Bái (xã Đại Thịnh), đền Hồ Đề (xã Tráng Việt), đền Đinh Nguyễn (xã Tiến Thịnh). Đây đều là những công trình được xây dựng từ khoảng thế kỷ XVIII. Đến nay, hệ thống tường bao hầu hết bị rêu mốc, bong rộp. Cột, xà bị mục hỏng. Nền nhà lát nhiều loại gạch, chắp vá, sai quy cách kiến trúc cổ. Cấu kiện gỗ được Nhân dân bắt vít đóng nẹp, ke thép, thay thế bằng gỗ tạp kích thước nhỏ, đến nay đang bị mục hỏng, không đảm bảo mỹ thuật...

5 di tích cần được tu bổ cấp thiết trên đã được UBND huyện Mê Linh đánh giá, báo cáo Sở VH&TT Hà Nội tham mưu UBND TP Hà Nội phê duyệt hỗ trợ đầu tư. Nguyên nhân là bởi khả năng cân đối vốn của địa phương rất hạn chế. Đơn cử như đối với đình Đại Bái và đình Bạch Trữ, khả năng cân đối vốn của huyện chỉ đạt khoảng 20% tổng kinh phí trùng tu. Đối với đền Hồ Đề và đền Đinh Nguyên, khả năng cân đối vốn chỉ đạt khoảng 5% tổng mức đầu tư. Trong khi đó, đối với đình Phú Mỹ, huyện Mê Linh thậm chí còn... không cân đối được vốn đầu tư!

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, việc trùng tu, tôn tạo các di tích bị xuống cấp có ý nghĩa rất quan trọng. Trong bối cảnh ngân sách địa phương có hạn, huyện đã có văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội trước mắt quan tâm, hỗ trợ tổng kinh phí khoảng 76,6 tỷ đồng để thực hiện tu bổ 5 di tích nêu trên. Bên cạnh mục tiêu bảo tồn giá trị các di tích lịch sử văn hóa, điều này còn nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tâm linh của các tầng lớp Nhân dân địa phương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần