Địa chỉ đỏ Cùng với xã Trầm Lộng, Hòa Xá, Phù Lưu… xã Trung Tú cũng là trung tâm cách mạng, địa chỉ đỏ của huyện Ứng Hòa trong những năm kháng chiến. Đầu tiên phải kể đến sự kiện tự vệ Ứng Hòa đánh Nhật ở Trạch Xá vào ngày 10/8/1945, đây được coi là mốc son báo hiệu thời cơ cách mạng đang chín muồi, khí thế sục sôi chiến đấu bảo vệ quê hương diễn ra khắp các xóm làng Trung Tú.
Dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp đó là đồng chí Đỗ Mười, toàn thể người dân Trung Tú một lòng vùng lên giành chính quyền. Tinh thần cách mạng ngày càng lên cao khi Nhân dân ra sức cắt may cờ đỏ Sao Vàng, chuẩn bị khẩu hiệu cho ngày khởi nghĩa. Sáng 22/8/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ phát động khởi nghĩa diễn ra đồng loạt và giành thắng lợi trong toàn tổng.
Sau ngày giành độc lập, đầu tháng 9/1945, hưởng ứng lời kêu gọi “Tuần lễ vàng”, Nhân dân Trung Tú đã đồng lòng ủng hộ vàng bạc, của cải cho Chính phủ lâm thời. Tiếp đó, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “chống giặc đói, giặc dốt”, Nhân dân toàn xã đã tiết kiệm gạo cứu đói đồng bào; mỗi khi đêm xuống, xóm làng văng vẳng tiếng dạy chữ từ các lớp “Bình dân học vụ”. Chính nơi đây, tháng 11/1947, các giáo viên Trường cán bộ Lê Hồng Phong đã tổ chức lớp bồi dưỡng chính trị cho 36 đồng chí của Chi bộ tổng Đạo Tú.
Nhiều tuyến đường giao thông tại các xứ đồng tại xã Trung Tú vừa được chính quyền các cấp huyện Ứng Hòa quan tâm đầu tư xây dựng, giúp người dân đi lại thuận tiện |
Khi chiến tranh ngày càng mở rộng ra các vùng xung quanh Hà Nội, nhiều đơn vị bộ đội đã về nghỉ trú chân tại địa phương trước khi di chuyển sang địa bàn khác. Thời gian đình Quảng Tái trở thành địa điểm cứu chữa thương binh, người dân nơi đây mỗi người một tay chăm sóc, băng bó vết thương, lo từng bát cháo, hũ gạo, khâu vá, giặt giũ quần áo cho bộ đội, tình quân dân được thắt chặt, gắn bó keo sơn. Đi đầu trong sản xuấtPhát huy truyền thống quê hương cách mạng và lợi thế của vùng chiêm trũng, năm 1997, người dân Trung Tú đã thực hiện dồn điền đổi thửa, nhờ đó nhiều ô thửa nhỏ trở thành thửa lớn giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế. Nhờ sự đồng lòng, quyết tâm thực hiện, đến nay đã giúp toàn xã có 308ha nuôi trồng thủy sản, trong đó hàng trăm hộ chuyên canh lúa, cá, vịt, riêng sản lượng cá đạt gần 1.500 tấn/năm. Về Trung Tú hôm nay bất kỳ ai cũng thấy rõ sự đổi thay vùng quê cách mạng năm xưa.
Người dân xã Trung Tú chuẩn bị cá giống cho vụ chăn nuôi mới |
Những chiến sĩ Công an huyện Ứng Hòa giúp người dân xã Trung Tú thu hoạch sen trong những ngày giãn cách |
Từ những địa phương này đã tạo thành phong trào làm kinh tế trang trại chuyên canh và đa canh của Ứng Hòa được nhân rộng rồi lan tỏa thành hình mẫu để địa phương khác học tập. Trong số các xã này của huyện, Trung Tú được coi là một trong những địa chỉ cách mạng kiên cường thời kỳ kháng chiến và cũng là xã năng động, sáng tạo trong làm kinh tế, đây là niềm tự hào của vùng quê cách mạng năm xưa.