Tất bật chuẩn bị
Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại một số tuyến phố tập trung nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống trên địa bàn quận Ba Đình, Cầu Giấy cho thấy, nhiều cửa hàng đang tất bật lau chùi bàn ghế, nấu ăn chờ giờ bán trở lại vào trưa 16/9.
Chị Hoa - chủ cửa hàng kinh doanh bún chả 150 Ngọc Khánh (Ba Đình) chia sẻ, hơn 50 ngày thực hiện giãn cách xã hội phòng chống Covid-19 cửa hàng phải đóng cửa dừng kinh doanh đã khiến kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Vì vậy trước thông tin UBND TP Hà Nội cho phép được mở lại quán bán mang về tôi rất vui mừng. Ngay trong đêm 15/9 tôi cùng những nhân viên đã dọn dẹp, lau chùi nồi niêu, vỉ nướng thịt. Sáng nay đã dậy sớm đi chợ Thành Công mua nguyên liệu gồm bún, thịt, rau xanh về sơ chế chuẩn bị bán hàng từ 12 giờ trưa 16/9''.
Cách nhà hàng của chị Hoa không xa là quán miến, cháo lươn 451 Đê La Thành cũng đang tất bật dọn dẹp đồ đạc, sơ chế nguyên liệu chuẩn bị mở cửa bán hàng cho khách. Chủ cửa hàng cho biết để có đủ nguyên liệu phục vụ nhu cầu khách hàng, ngay từ tối 15/9 đã đề nghị các đầu mối chuyển thực phẩm cho cửa hàng.
Tương tự, các cửa hàng kinh doanh ăn uống trên đường Đê La Thành, Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy) cũng đang tất bật dọn dẹp, chuẩn bị nguyên liệu, món ăn, nước sát khuẩn khi được phép bán trở lại vào 12 giờ trưa 16/9. Ai cũng mong sớm được mở cửa trở lại kinh doanh bình thường để bù đắp cho những ngày phải dừng hoạt động do Covid-19, đồng thời có thêm nguồn thu nhập hàng ngày.
Để đảm bảo phòng chống dịch, các hộ kinh doanh đều ký cam kết chỉ được phép bán hàng mang về; không tổ chức tụ tập đông người tại các khu vực mua, bán, luôn tuân thủ những quy định, phòng, chống dịch theo thông điệp 5K của Bộ Y tế. “Ngoài việc dọn dẹp, chuẩn bị nguyên liệu, cửa hàng còn trang bị nước sát khuẩn, khai báo y tế, mã QR code... để khách hàng khai báo đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 theo đúng quy định của UBND TP Hà Nội”, chị Huyền - chủ cửa hàng kinh doanh hải sản trên đường Nguyễn Phong Sắc khẳng định.
Còn những băn khoăn
Trái ngược với sự tất bật của một số cửa hàng ăn uống, nhiều chủ cửa hàng vẫn trong tình trạng "ngóng" tình hình để quyết định đã mở cửa hay chưa.
Anh Tuấn - chủ cửa hàng bún dọc mùng chân giò, miến lươn trên đường Đê La Thành cho biết, mặc dù UBND TP đã cho phép từ 16/9 được mở bán mang về nhưng anh vẫn chưa mở cửa hoạt động. Nguyên nhân là do không chủ động được nguồn thực phẩm tươi sống nên cửa hàng vẫn chưa sẵn sàng mở bán.
Hiện nay, Hà Nội quy định 1 tuần chỉ được đi chợ 2 lần, nên việc tìm nguyên liệu tươi ngon về chế biến cũng không dễ. Đồng thời giá một số nguyên liệu đầu vào như lươn, rau xanh tăng giá, khan hiếm do việc vận chuyển thực phẩm gặp khó khăn. Nguyên nhân là bởi theo quy định những tiểu thương từ các “vùng xanh” sau khi đưa hàng vào “vùng đỏ” sẽ không được quay về, trong khi nguồn thực phẩm của cửa hàng chủ yếu do các huyện ngoại thành cung ứng. “Việc nguyên liệu khan hiếm, tăng giá sẽ kéo theo giá bán ra của các món ăn sẽ lên theo, do vậy phải đợi thêm từ 1 - 2 tuần nữa để theo dõi biến động giá cả và lượng nguyên liệu thịt, hải sản, rau xanh mới quyết định ngày mở hàng”, anh Tuấn nói.
Cùng ý kiến, nhiều chủ cửa hàng ăn uống phản ánh, hiện phải có giấy đi đường, điều này khiến người tiêu dùng không thể đến cửa hàng mua mang về. Ngoài ra do dịch Covid-19 hầu hết nhân viên đã nghỉ việc về quê, trong khi các ứng dụng giao hàng đều chưa nhận đơn giao các đồ ăn được chế biến sẵn.
Lý giải việc chưa nhận các đơn hàng giao đồ ăn chế biến sẵn, anh Sơn - một shipper cho biết, hiện những người vận chuyển, giao nhận hàng hóa bằng xe mô tô, xe hai bánh đã được cấp giấy đi đường có nhận diện đang “vướng” quy định không được không làm thêm bên ngoài, không nhận chuyển hàng của các nhóm giao hàng trên ứng dụng mạng xã hội... Điều này khiến việc vận chuyển tới các quận Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Xuân… gặp nhiều khó khăn.
Trước những phản ánh về vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn thông tin, sau khi UBND TP Hà Nội quyết định nới lỏng một số hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn, việc kiểm tra, kiểm soát giấy đi đường sẽ được điều chỉnh theo hướng thuận tiện hơn cho người dân.
Cụ thể người dân khi di chuyển trong các khu vực vùng xanh gồm 19 quận, huyện, thị xã trong trạng thái bình thường mới theo đánh giá của Sở Y tế sẽ không phải xuất trình giấy đi đường. Với người dân ở “vùng đỏ” vẫn phải tuân thủ nghiêm quy định giãn cách theo Chỉ thị 16, chỉ ra đường khi thật cần thiết và phải có giấy đi đường theo quy định.