Đóng cửa phiên giao dịch chứng khoán ngày 14/9, VN-Index giảm 7,63 điểm (0,61%) về 1.240,77 điểm, HNX-Index giảm 2,17 điểm (0,77%) xuống 279,42 điểm, UPCoM-Index giảm 0,23 điểm (0,26%) còn 90,16 điểm.
Thanh khoản phiên này khá hơn 2 phiên đầu tuần, với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 16,7 nghìn tỷ đồng; tương đương hơn 722 triệu cổ phiếu được nhà đầu tư trao tay.
Bộ 3 “ông lớn” SAB, VNM và GAS là những cổ phiếu tác động tiêu cực nhất lên thị trường, khi lấy đi của VN-Index lần lượt 1; 0,87 và 0,8 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng chìm trong sắc đỏ khi CTG, TCB, BID, VCI đều góp phần kéo tụt chỉ số.
Tương tự, nhóm hoá chất phân bón phiên hôm qua không mấy tích cực, sắc đỏ bao trùm hầu hết mã cổ phiếu. Trong phiên này nổi lên là nhóm ngành đầu tư công, dầu khí, chứng khoán, thép... Phản ứng yếu hơn là nhóm phân đạm, ngân hàng, điện, nước, bất động sản...
Với sự tích cực đến từ SSI, nhóm cổ phiếu chứng khoán có một phiên giao dịch khởi sắc. Đà tăng nhóm này được thúc đẩy bởi HCM (+5,84%), FTS (+3,55%), VCI (+3,08%)... Hàng loạt cổ phiếu khác tăng điểm khoảng 1,3% đến 2,7% như APS, SSI, BVS, MBS, PSI, VIG... Bên cạnh đó, SSI và VND cũng góp mặt vào top 5 mã có giá trị giao dịch cao nhất phiên.
Đáng chú ý, điểm sáng trong phiên này phải kể đến cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) khi tăng rực rỡ hết biên độ. Đây là mã “công thần” của thị trường khi mang lại cho VN-Index hơn 0,7 điểm.
Chốt phiên, EIB tăng 6,96% giá trị lên mốc 33.050 đồng/cổ phiếu. Điều đáng nói, toàn phiên có tới hơn 2,6 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, đến hết phiên vẫn còn dư mua hơn 236 nghìn cổ phiếu trong khi không hề có dư bán.
Có thể thấy, phiên giao dịch ngày 14/9 là phiên giao dịch với thanh khoản tăng đột biến của EIB. Trung bình mỗi phiên thường chỉ khoảng 300 nghìn cổ phiếu được giao dịch. Hiện EIB đã tăng mạnh khi tính chung qua 1 tháng giữ được đà tăng 10,35%.
Liên quan đến mã cổ phiếu này, mới đây, Eximbank vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 2.459 tỷ đồng. Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 lần 2 của Eximbank hồi tháng 5 đã thông qua phương án phát hành gần 246 triệu cp để trả cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 20% (cổ đông sở hữu 100 cp sẽ nhận được 20 cp mới). Nguồn thực hiện từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ của năm 2017 - 2018 - 2019 - 2020 - 2021.
Lợi nhuận chưa phân phối lũy kế tính đến năm 2021 sau khi trích lập các quỹ là gần 2.937 tỷ đồng, dự kiến chia cổ tức gần 2.459 tỷ đồng. Lợi nhuận chưa phân phối còn lại sau khi chia cổ tức dự kiến là gần 478 tỷ đồng, được giữ lại để củng cố và nâng cao năng lực tài chính của Ngân hàng.
Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của Eximbank sẽ tăng từ 12.355 tỷ đồng lên 14.814 tỷ đồng.
Số vốn điều lệ tăng thêm dự kiến được Eximbank đầu tư vào cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ và mở rộng hoạt động kinh doanh.
Vốn điều lệ của Eximbank đứng yên ở con số 12.355 tỷ đồng từ năm 2011 đến nay. Và sau khi Đại hội đồng cổ đông bị hoãn nhiều lần mới tổ chức được vào tháng 5/2022 thì kế hoạch tăng vốn điều lệ của nhà băng này mới được triển khai.
Dự báo về phiên giao dịch chứng khoán ngày 15/9, nhiều nhận định cho rằng thị trường có thể hồi phục và VN-Index kiểm định vùng kháng cự gần nhất 1.255 - 1.260 điểm.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) nhận định, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn chưa nên mua mới trong giai đoạn này, điểm sáng là lực cầu giá thấp có dấu hiệu gia tăng và VN-Index vẫn giữ được mức hỗ trợ 1.240 điểm.
Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tăng nhẹ, nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn còn bi quan với xu hướng hiện tại. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp ở mức 30 - 35% danh mục và hạn chế mua mới giai đoạn này.