Trước vòng tranh luận trực tiếp, bà Le Pen bất ngờ dẫn đầu

Hà Phương (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ứng cử viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen tiếp tục nhận được nhiều sự ủng hộ của dân chúng.

Theo kết quả cuộc thăm dò gần đây cho thấy, có tới 27,5% số người được hỏi nghĩ ứng cử viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen – lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) sẽ giành chiến thắng trong vòng bầu cử đầu tiên diễn ra vào ngày 23/4 tới, tăng 2,5% so với cuộc thăm dò trước đó.

 Ứng cử viên tổng thống Pháp Marine Le Pen – lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN).

Bên cạnh đó, ứng cử viên tự do Emmanuel Macron – cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp đứng ở vị trí thứ 2 với 21%, giảm 1% so với cuộc thăm dò trước đó. Tiếp theo là ứng cử viên Francois Fillon – cựu Thủ tướng Pháp với 19%. Như vậy với kết quả thăm dò gần đây nhất cho thấy, bà Marine Le Pen có thể đối mặt với ứng viên Emmanuel Macron hoặc Francois Fillon.

Trong trường hợp đối mặt với ông Macron - cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp ở vòng 2, thì bà Le Pen có thể nhận được 42% số lượng phiếu bầu so với 58% của ông Macron. Còn lại, nếu đối đầu với ông Fillon – cựu Thủ tướng Pháp và hiện đang lâm vào vụ bê bối “trả lương khống” cho vợ và con trai, bà Marine Le Pen có thể chiến thắng ở vòng 2 với tỷ lệ phiếu 56% trên 44%.

Theo kế hoạch vào ngày 20/3, 5 ứng cử viên dẫn đầu các cuộc thăm dò trong cuộc đua vào Điện Elysée sẽ tranh luận trực tiếp trên Kênh truyền hình tư nhân Pháp TF1. Các ứng cử viên này gồm: cựu Thủ tướng Francois Fillon - đại diện cánh hữu; cựu Bộ trưởng Giáo dục Benoit Hamon - đại diện cánh tả; bà Marine Le Pen – lãnh đạo đảng FN; ứng cử viên tự do - cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron và Nhà lãnh đạo phong trào cực tả “Nước Pháp bất khuất” Jean-Luc Melenchon.

Lãnh đạo TF1 cho biết hình thức cuộc tranh luận sẽ khác với các cuộc tranh luận trong khuôn khổ vòng bầu cử sơ bộ của cánh hữu và cánh tả diễn ra trước đây. Trong khi đó, Kênh truyền hình quốc gia Pháp France Televisions sẽ tổ chức tranh luận vào ngày 20/4, 3 ngày trước bầu cử tổng thống vòng 1.

Trước đó, Kênh truyền hình quốc gia Pháp France Televisions đã đề nghị TF1 phối hợp tổ chức cuộc tranh luận nói trên vào ngày 23/3, nhưng lãnh đạo TF1 từ chối. Điều này cho thấy không chỉ các ứng cử viên tổng thống tăng tốc trong cuộc đua, mà các kênh truyền hình cũng cạnh tranh nhau tổ chức các sự kiện quan trọng, nhằm thu hút sự quan tâm của cử tri.

Theo Luật Hiện đại hóa các cuộc bầu cử được thông qua tháng 4/2016, cùng các hướng dẫn cụ thể của Hội đồng cấp cao Pháp về nghe nhìn (CSA), trong 2 tuần cuối trước bầu cử, quy định về bình đẳng thời gian phát biểu cho các ứng cử viên không còn hiệu lực. Thay vào đó, các kênh truyền hình có thể dành nhiều thời gian hơn cho ứng cử viên nặng ký để họ có thêm cơ hội thuyết phục cử tri về chương trình tranh cử của mình. Thời gian phát biểu sẽ tỉ lệ với ảnh hưởng và sức nặng chính trị mà ứng cử viên đó có được, thể hiện qua các cuộc khảo sát và thăm dò.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần