Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Huy cho biết, nhà trường đang phấn đấu trở thành trường đào tạo chất lượng cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế.Hợp tác sâu rộng với doanh nghiệp
Với bề dày truyền thống đào tạo nghề kỹ thuật 45 năm, đến nay nhà trường đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?
- CĐN Công nghiệp Hà Nội là trường của UBND TP Hà Nội. Trong 45 năm qua, trường đã nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư cũng như tạo điều kiện của TP. Bởi vậy, từ một trường Đào tạo Công nhân kỹ thuật Cơ khí – Điện Hà Nội, đến nay đã phát triển thành trường CĐN Công nghiệp Hà Nội.
Trong đào tạo nghề, hoạt động hợp tác với DN là vô cùng quan trọng để tạo điều kiện cho người học có kỹ năng, việc làm khi tốt nghiệp. Bởi vậy, nhiều năm qua, nhà trường đã đẩy mạnh nội dung này và đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ việc làm và quan hệ với DN với mạng lưới gần 300 công ty. Từ hoạt động phối hợp với DN, đã nâng tỷ lệ HS, SV của trường có việc làm lên tới 80% sau 6 tháng tốt nghiệp. Một số nghề Cơ khí, Cắt gọt kim loại, Cơ điện tử tỷ lệ HS, SV có việc làm đạt 100%, thậm chí không đủ đáp ứng nhu cầu DN.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, trường CĐN Công nghiệp Hà Nội đã tận dụng lợi thế này thế nào?
- Hiện nay, nhà trường đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào quá trình đào tạo từ quản lý hồ sơ của HS, SV, biểu điểm chấm điểm đến các bài giảng điện tử. Đồng thời, trang bị nhiều phòng máy công nghệ cao như CNC, Cơ điện tử mới phục vụ cho đào tạo nghề. Hướng đến đào tạo chất lượng cao đạt trình độ khu vực và quốc tế, chúng tôi đang đào tạo 2 nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN là Điện tử công nghiệp, Cắt gọt kim loại.
Trường cũng thí điểm đào tạo 3 nghề theo chương trình của Đức là Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Cơ điện tử và Công nghệ Ô tô với thiết kế chương trình có tỷ lệ 30% thời lượng học lý thuyết ở trường và 70% thực hành ở DN.
Sau khi hoàn thành chương trình, SV được nhận 2 bằng (1 bằng của Việt Nam và 1 bằng theo chương trình nước ngoài). Do được trang bị kỹ năng tay nghề cao, khả năng ngoại ngữ nên SV có cơ hội việc làm rất tốt ở trong và ngoài nước. Đơn cử, mới đây, nhà trường tổ chức hội thảo với các DN Đức và họ đã đặt hàng tuyển dụng SV các lớp chất lượng cao.
Hướng tới đào tạo nghề chất lượng cao
Đào tạo chất lượng cao và đẩy mạnh hợp tác quốc tế là xu hướng nhà trường sẽ thực hiện trong giai đoạn tới?
- Trong xu thế phát triển, trường CĐN Công nghiệp Hà Nội phải định hướng đào tạo chất lượng cao. Muốn có nguồn nhân lực giá trị trên trường quốc tế, phải trang bị cho HS, SV kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn công nghệ. Qua đó, cũng để HS, SV thể hiện bản thân trước đấu trường quốc tế về đào tạo nghề. Vì thế, nhà trường đã có nhiều HS, SV tham gia cuộc thi tay nghề cấp ASEAN, thế giới đạt giải. Trường cũng là một trong những trung tâm đào tạo và luyện thi tay nghề ASEAN và quốc tế.
Từ nhiều năm nay, trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhà trường đặc biệt hướng tới các mối quan hệ quốc tế. Các đối tác đến từ Australia, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc... đã cùng trường xây dựng những chương trình đào tạo phù hợp, cung cấp những thiết bị công nghệ mới và hỗ trợ rất nhiều trong đào tạo nghề.
Trong hoạt động đào tạo nghề, nguồn tuyển đầu vào đóng vai trò quan trọng nhưng hiện nay nhiều trường đang gặp khó khăn. Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội giải bài toán này thế nào?
- Ngoài nguồn HS học hết lớp 12 đi học nghề, chúng tôi còn đối tượng tốt nghiệp THCS. Đặc biệt, hiện nay, thực hiện chủ trương của Nhà nước, HS học hết lớp 9 đi học văn hóa và học nghề đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyển sinh. Tận dụng điều đó, chúng tôi phối hợp với các trung tâm GDNN - GDTX để quảng bá đào tạo nghề. Kết quả cho thấy rất khả quan: 2019 là năm đầu tiên nhà trường tuyển sinh theo mô hình 9+ nhưng đã có hơn 200 em đăng ký học. Trong năm học 2019 – 2020 nhà trường đã tuyển sinh đạt 120% chỉ tiêu so với kế hoạch. Năm nay, số lượng HS có điểm cao đỗ đại học nhưng đăng ký học nghề ở trường cũng chiếm rất nhiều.
Với bề dày truyền thống trong đào tạo Cơ khí, Điện – Điện tử, CNTT, trong giai đoạn tới, nhà trường sẽ phát huy điểm mạnh đồng thời tìm thêm phương án, hướng đi mới để hội nhập quốc tế. Hiện chúng tôi đang xây dựng lại các chương trình, trong đó đặc biệt chú ý trang bị kỹ năng mềm và đào tạo ngoại ngữ để HS, SV tiếp cận nhanh nhất với chương trình quốc tế.
Xin cảm ơn ông!