Trường chuẩn quốc gia có nguy cơ “rớt chuẩn”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Hà Nội quyết tâm đẩy mạnh đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia (CQG) để đảm bảo giáo dục toàn diện, song đa số các quận, huyện đều đang đối mặt với nguy cơ "rớt chuẩn".

Không chỉ khó khăn về quỹ đất, sức tăng dân số, kinh phí… nhiều nơi còn đầu tư chưa đúng hướng, khiến việc xây dựng trường CQG không đạt chỉ tiêu đề ra.

 
 Giờ học toán của học sinh trường THCS Lê Quý Đôn, một trong những ngôi trường đạt chuẩn quốc gia tại quận Cầu Giấy.     Ảnh: Phạm Hùng
Giờ học toán của học sinh trường THCS Lê Quý Đôn, một trong những ngôi trường đạt chuẩn quốc gia tại quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng
 
Buổi làm việc mới đây nhất về tiến độ xây dựng trường đạt CQG ở Hà Nội cho thấy, các quận, huyện đã dành mối quan tâm đặc biệt cho việc này. Điển hình là quận Hà Đông, ngoài đầu tư cho các trường hàng tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, còn đầu tư cho mỗi trường 120 triệu đồng để mua sắm các trang thiết bị khác. Hay như quận Long Biên, bà Lưu Thị Bích Hằng - Trưởng Phòng GD&ĐT quận cho biết: "Để đạt được tỷ lệ hơn 76% chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 là do công tác đầu tư "ra tấm ra món". Đặc biệt, phòng GD&ĐT đã làm tốt công tác điều tra, rà soát sĩ số các cháu đến tuổi đi học, từ đó tham mưu cho UBND quận để mở rộng trường, xây thêm phòng học đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn, đồng thời giữ vững kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn hàng năm". 

Tuy nhiên, đây là những đơn vị có đủ điều kiện về quỹ đất, kinh phí, còn phần đông các quận, huyện (đặc biệt là các quận nội thành) đều gặp khó trong hành trình xây dựng trường CQG. Ngay như huyện Thanh Trì - một huyện ngoại thành không quá khó khăn về quỹ đất, thì lại phải đối mặt với tốc độ đô thị hóa nhanh. Ông Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì chia sẻ: "Hiện Thanh Trì có 3 khu đô thị (KĐT), tương đương với 3 xã. Riêng KĐT Đại Thanh đã có khoảng 20.000 dân khiến lượng HS tăng, gây áp lực cho các trường học". 

Điều đáng nói là bên cạnh việc phấn đấu đạt chỉ tiêu xây dựng trường CQG mới, Hà Nội lại đang gặp khó khăn với việc các trường đạt chuẩn từ 2009 về trước, khi hết hạn phải công nhận lại nhưng không đủ tiêu chí. Lý giải vấn đề này, lãnh đạo các trường cho rằng, do xuất phát điểm cơ sở hạ tầng kém, nhiều điểm trường manh mún, ngân sách hạn chế. Một nguyên nhân khác khiến nhiều trường "rớt chuẩn" là do không duy trì được điều kiện phòng học như ở thời điểm công nhận chuẩn. Ông Trần Công Thành - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phú Xuyên thừa nhận, huyện có 12 trường chuẩn trước năm 2009, hiện đã được công nhận lại 6 trường, còn 6 trường chưa được công nhận lại vì phải bổ sung, sửa chữa các hạng mục. Huyện Đan Phượng cũng có 23 trường trong diện phải công nhận lại chuẩn, nhưng còn 9 trường còn lại phải chờ đầu tư bổ sung do xuống cấp. 

Vậy là nguy cơ "rớt chuẩn" đang ngày một lớn trong hành trình xây dựng trường CQG ở Hà Nội. Cơ chế đặc thù cho những vùng, huyện có tỷ lệ trường CQG thấp, hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị cho các trường là điều mà lãnh đạo các phòng GD&ĐT chờ đợi để xóa bỏ nguy cơ "rớt chuẩn" trước mắt. Đặc biệt, những quận, huyện có các phường, xã nằm ngoài đê như quận Tây Hồ, huyện Gia Lâm, huyện Thanh Trì… còn đề xuất có hướng dẫn, cơ chế để khắc phục được vướng mắc từ Luật Đê điều để tiếp tục xây dựng trường CQG nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. 

Phải nói rằng, mong mỏi cơ chế đặc thù là điều "có lý" của các địa phương mà không phải đến thời điểm này mới được đề xuất ra. Vậy thì, trong quyết tâm đầu tư xây dựng trường CQG, Hà Nội có nên dành mối quan tâm nhiều hơn đến những kiến nghị này từ cơ sở.