70 năm giải phóng Thủ đô

Trường chuyên đào tạo lệch hướng?

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Trường chuyên chỉ tạo ra sản phẩm “gà nòi”, học sinh (HS) chỉ học để thi các giải quốc gia quốc tế... là những ý kiến được đưa ra tại Hội nghị sơ kết thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2016 – 2017 do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 29/9.

Đào tạo toàn diện
Bà Lê Thị Oanh - Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Nội - Asmterdam cho rằng, dư luận đang "kết tội" trường chuyên chỉ tạo ra "gà nòi", nhưng thực tế, các trường đang trong quá trình đổi mới. “Trường chuyên cần trở thành mô hình giáo dục chất lượng cao, cơ bản, toàn diện, tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực tế HS trường chuyên hiện nay đang nhận được sự đánh giá cao của các trường đại học nổi tiếng thế giới. Thậm chí, HS chuyên được coi là mục tiêu cạnh tranh của các trường quốc tế" - bà Oanh nhấn mạnh.

Học sinh trường Hà Nội - Amsterdam trong giờ thực hành hóa học. Ảnh: Thu Anh

Tuy nhiên, chính thói quen báo cáo về số giải thưởng, huy chương trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, số thủ khoa, tỷ lệ tốt nghiệp THPT... hay nói cách khác là chỉ nêu ra giá trị gia tăng của trường, nên dư luận xã hội không thể hình dung đầy đủ các hoạt động của nhà trường.
Đồng quan điểm, ông Vũ Đức Thọ - Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) cũng cho rằng, nhiều người đang hiểu sai về hệ thống đào tạo trường chuyên. “Những trường chuyên đào tạo ra HS giỏi, nhưng giỏi không phải chỉ một môn mà giỏi toàn diện. Bởi những HS đã giỏi thì cái gì các em cũng muốn tìm hiểu. Cơ bản là trường có định hướng HS đáp ứng yêu cầu hay không mà thôi. Ngoài việc đào tạo mũi nhọn, các trường chuyên cũng rất chú trọng hướng tới việc đào tạo HS phát triển toàn diện, điều này thể hiện rõ nhất ở việc trường quan tâm nhất đến đào tạo ngoại ngữ cho HS, một điểm được xác định là điểm yếu của đa số HS hiện nay" - ông Thọ chia sẻ.
Các trường như THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) hiện rất chú trọng tới vai trò giáo dục kỹ năng sống cho HS, bởi HS giỏi kiến thức lại thiếu kỹ năng sống thì sẽ là những "sản phẩm khiếm khuyết". Hạn chế này khiến HS chuyên khi "vào đời" không thể phát huy hết khả năng chuyên môn của mình.
Phù hợp đào tạo chất lượng cao
Tuy nhiên, trước vấn đề đào tạo trong các trường chuyên hiện nay, một số ý kiến cho rằng, có sự lệch hướng giữa đào tạo nhân tài với việc đào tạo toàn diện các đội tuyển dự thi quốc tế. So sánh với mục tiêu ban đầu mà cố Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Tạ Quang Bửu đặt ra khi xây dựng mô hình chuyên Toán nói riêng, hệ chuyên nói chung là đào tạo nhân tài trở thành các nhà nghiên cứu khoa học thì hiện nay, mục tiêu đào tạo chuyên đã thay đổi. Phần lớn các trường chuyên đều tuyển hàng nghìn chỉ tiêu và mục tiêu nhiều khi chỉ tập trung cho các kỳ thi quốc gia, quốc tế.
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Lê Thống Nhất – Tổng Giám đốc BIGSCHOOL cho rằng, mục tiêu đạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế không sai nhưng chỉ phù hợp với mô hình đào tạo chất lượng cao. Còn với trường chuyên thì cần hướng tới những mục tiêu xa hơn, không đơn giản chỉ là vào được đại học mà còn là hướng nghiệp, đi vào nghiên cứu khoa học cơ bản, sáng tạo để trở thành nguồn nhân lực mũi nhọn. “Để làm được việc này, chương trình đào tạo của các trường THPT chuyên phải giảm bớt chương trình phổ thông đại trà, tăng cường chương trình chuyên riêng biệt dành cho những đối tượng HS có năng khiếu đặc biệt. HS đặc biệt cần có cơ chế đặc biệt, có thể được "đi tắt" để đạt được mục tiêu đúng với năng lực. Có như vậy Việt Nam mới có những nhà khoa học, nhà nghiên cứu tầm cỡ quốc gia, quốc tế chứ không chỉ dừng lại ở những tấm huy chương” - ông Nhất khẳng định.
Cũng theo ông Nhất, để đào tạo ra một nhân tài, điều quan trọng đối với các trường là tăng cường cho HS tập nghiên cứu khoa học và tiếp cận sớm với các nhà khoa học. Tuy nhiên, việc cân đối giữa đào tạo nhân tài với việc theo đuổi các kỳ thi trong nước, quốc tế là khó cho các trường chuyên hiện nay.