Trường công không phải lựa chọn duy nhất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự kiến ngày mai (24/6), thí sinh (TS) sẽ biết kết quả thi vào lớp 10 THPT năm học 2015 - 2016, qua đó có thể dự đoán có vào được trường công lập đã đăng ký hay không.

Sức ép trường công đang đè nặng tâm lý phụ huynh và học sinh, song các chuyên gia giáo dục cho rằng, vào trường công không phải là lựa chọn duy nhất, bởi hiện nay có nhiều mô hình học tập khác phù hợp với nhu cầu, năng lực của TS.

Khống chế nguyện vọng 3

Lo lắng, bồn chồn, đứng ngồi không yên là tâm trạng của khá nhiều phụ huynh có con thi vào lớp 10 năm nay. Bởi đề phòng trượt nguyện vọng 1 (NV1), hầu hết TS, phụ huynh đã chọn các trường top dưới có mức tuyển thấp hẳn để đăng ký NV2. Tuy nhiên, lượng hồ sơ vào các trường này không hề nhỏ bởi nhiều người có cùng lựa chọn như vậy. Bên cạnh đó, điều kiện trúng tuyển NV2 yêu cầu kết quả thi của TS phải cao hơn điểm chuẩn vào trường đăng ký 1,5 điểm cũng là thách thức không nhỏ đối với các TS.
Thí sinh dự thi tuyển sinh lớp 10  tại trường THPT Việt Đức. 	Ảnh: Quý Trung
Thí sinh dự thi tuyển sinh lớp 10 tại trường THPT Việt Đức. Ảnh: Quý Trung
Ngoài NV1 và NV2, để xét tuyển vào NV3, ông Ngô Văn Chất - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, sẽ khống chế TS trúng tuyển NV3, chỉ xét tuyển số lượng nhất định và ưu tiên những TS có điểm xét tuyển cao nhưng không trúng tuyển NV1, NV2. “Những TS muốn dự tuyển theo NV3 phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất 2 điểm. Việc duy trì cách thức này được kỳ vọng không chỉ nhằm bảo đảm quyền lợi về học tập cho TS trên địa bàn, hạn chế tình trạng xáo trộn trong quá trình tuyển sinh mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn tuyển cho các trường THPT trên địa bàn TP những năm tới” – ông Chất khẳng định.

Còn nhiều cơ hội học tập khác

Theo kế hoạch, thời gian nhận hồ sơ trúng tuyển của các trường THPT ngoài công lập (NCL), trung tâm giáo dục thường xuyên từ 27/6 đến 20/7. Nhưng đến thời điểm này, một số trường NCL ở Hà Nội đã “quá tải” hồ sơ gấp nhiều lần so với chỉ tiêu được giao như trường THPT Lương Thế Vinh, Nguyễn Siêu, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phan Huy Chú...

Rút kinh nghiệm năm học trước, 20 trường NCL, công lập tự chủ tài chính tuyển quá chỉ tiêu, năm nay  Sở GD&ĐT cho phép một số trường được tuyển sinh vượt chỉ tiêu so với tỷ lệ quy định. Theo đó, các trường được giao chỉ tiêu từ 5 lớp trở xuống được phép tuyển vượt từ 10 - 20% chỉ tiêu, các trường được giao chỉ tiêu từ 6 lớp trở lên được phép tuyển vượt không quá 10%. Tuy nhiên, để được tuyển vượt chỉ tiêu, các trường này phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, các yếu tố phục vụ trong dạy và học. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh, sẽ chú trọng nâng cao chất lượng các trường NCL bằng biện pháp kiểm tra chặt chẽ cơ sở vật chất, đồng thời kiểm tra kỹ cơ sở hai của các trường để giao chỉ tiêu. Ông Thống cũng cho biết, không chỉ những TS trượt các NV, mà cả TS vì lý do nào đó, không tham dự kỳ thi hoặc dự thi không đủ môn trong kỳ thi ngày 11/6 vừa qua vẫn còn nhiều cơ hội học tập tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Theo đó, học sinh có thể học chương trình THPT tại các trung tâm giáo dục thường xuyên - chương trình học 11 môn với các hoạt động giáo dục như tại các trường THPT khác. Sau khi kết thúc 3 năm học, các em được cấp bằng THPT. Bên cạnh đó, TS còn có thể đăng ký dự tuyển tại các trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc hệ giáo dục thường xuyên tại các trung tâm giáo dục thường xuyên.   

Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT còn yêu cầu các trường phải tạo thuận lợi tối đa cho TS nếu TS đã nộp hồ sơ trúng tuyển, nhưng lại có nhu cầu nhập học ở trường khác trên địa bàn TP hoặc sang tỉnh, TP khác. Đặc biệt, trong thời gian tuyển sinh lớp 10, các nhà trường tuyệt đối không được thu bất cứ khoản đóng góp nào của TS, phụ huynh, kể cả việc tổ chức bán hồ sơ. Các trường NCL phải công khai mức học phí và các khoản thu cả năm học tại địa điểm tuyển sinh để phụ huynh, TS biết, thực hiện và cùng giám sát.