Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trường đại học có cần cơ quan chủ quản?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi không có cơ quan chủ quản, cụ thể là Bộ GD&ĐT, trường đại học (ĐH) sẽ được tự chủ trong các chiến lược phát triển. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng mong muốn nhận được quyền tự chủ "toàn phần" này.

Chủ động hoàn toàn

Với quan điểm khi hội nhập quốc tế, chắc chắn sẽ phải đi theo những điểm chung mà nhiều nước đang làm, GS Nguyễn Văn Hùng – nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng đồng tình với việc trường ĐH không cần có cơ quan chủ quản. Bởi như vậy sẽ tạo tính độc lập, khách quan, tự chủ, cạnh tranh công bằng cũng như trách nhiệm. Không có cơ quan chủ quản, trường ĐH sẽ hoạt động giống DN; khi đó, Bộ GD&ĐT sẽ soạn thảo chính sách, ban hành điều lệ, quản lý, giám sát. “Hiện nay, có trường trực thuộc Bộ Công Thương, trường của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam… được hưởng mức đầu tư khác nhau, chính sách không giống nhau sẽ tạo ra sự không nhất quán. Trong khi đó, trường tư thục lại phải bỏ vốn ra đầu tư từ đầu” - ông Hùng phân tích.
Sinh viên đại học Sư phạm Hà Nội trên giảng đường. 	Ảnh: Công Hùng
Sinh viên đại học Sư phạm Hà Nội trên giảng đường. Ảnh: Công Hùng
Biết rằng khi không có cơ quan chủ quản, trường ĐH có nhiều thuận lợi trong hoạt động phát triển. Thế nhưng, nhiều lãnh đạo các trường lại chưa muốn nhận quyền đó, bởi từ trước đến nay có cơ quan chủ quản chỉ đạo hoạt động chuyên môn. Hơn nữa, khi hiệu trưởng trường ĐH được cơ quan cấp trên ra quyết định bổ nhiệm và công nhận, uy tín sẽ khác. PGS.TS Dương Văn Sao - nguyên Hiệu trưởng ĐH Công đoàn, bày tỏ: “Không có chủ quản thì không ai quản lý các trường, sẽ dẫn đến hoạt động lộn xộn. Việc đào tạo phải theo định hướng của cơ quan cấp trên, trước tiên là cho nhu cầu của xã hội thuộc lĩnh vực nhà trường đang đi theo. Còn nếu không, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo ngành y thì sẽ ra sao?”. Đây cũng là quan điểm của một số chuyên gia, dù cho trong các trường ĐH hiện nay đều có hội đồng trường để họp bàn và có những chiến lược đầu tư cũng như hoạt động đào tạo. “Hội đồng trường hoạt động theo kiểu hình thức. Dù có hội đồng trường thì vẫn phải có cơ quan cấp trên để trực tiếp chỉ đạo và ra quyết định bổ nhiệm” – ông Sao khẳng định.

Khó khăn trường đi đầu

ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội là trường công lập duy nhất trong cả nước hoạt động theo mô hình không có cơ quan chủ quản là Bộ GD&ĐT. Chia sẻ về những khó khăn khi đối diện những vấn đề mà các văn bản Nhà nước đã quy định, TS Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Khi đi làm dấu, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan tiếp nhận thường yêu cầu có cơ quan chủ quản để in ở vành ngoài của dấu. Do trong quyết định thành lập trường không ghi rõ trường thuộc cơ quan chủ quản nào, nên cơ quan làm dấu thường yêu cầu trường phải xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng mới chấp nhận. Việc này khiến kéo dài thời gian làm thủ tục hành chính. Luật Giáo dục ĐH quy định cơ quan chủ quản phải có một thành viên tham gia hội đồng trường, vì vậy khi không có cơ quan chủ quản thì trường không thể thực hiện được nội dung này. Không những thế, Luật Giáo dục ĐH còn quy định Chủ tịch hội đồng trường do thủ trưởng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm. Hơn nữa, Nghị định 16/2005/NĐ-CP của Chính phủ có quy định về việc hội đồng quản lý của trường phải do cơ quan có thẩm quyền thành lập đơn vị bổ nhiệm. Như vậy, vai trò của bộ chủ quản trong việc quyết định bộ máy nhân sự của trường vẫn khá rõ, kể cả khi đã tự chủ.

ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội mới thực hiện theo mô hình không có cơ quan chủ quản chưa đầy 9 tháng, nên không lường hết các phát sinh trong quá trình hoạt động. Song, ngần ấy thời gian đã đủ để trường nhận ra những vướng mắc. Cụ thể là trường có thẩm quyền quyết định đầu tư bằng nguồn tự có hay không - trước đây quyền này thuộc cơ quan chủ quản. Rồi các công việc như đăng ký đặt hàng đào tạo với Nhà nước, đầu mối tập hợp đề xuất về đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ… trước đây đều gửi về cơ quan chủ quản để xét duyệt hoặc đấu thầu triển khai, thì sắp tới sẽ thực hiện như thế nào? Thế nên, chẳng riêng gì ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, mà các trường chưa thực hiện tự chủ đều mong muốn có hướng dẫn cũng như điều chỉnh các quy định trong Luật Giáo dục ĐH, Điều lệ trường ĐH cho phù hợp.