Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trường đại học dễ xét tuyển

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm thi THPT quốc gia, các chuyên gia tuyển sinh nhận định sẽ thuận lợi cho công tác tuyển sinh đại học (ĐH), nhất là những trường top trên không dùng đến tiêu chí phụ.

 Thí sinh trao đổi bài sau kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Hải Linh
Điểm chuẩn sẽ giảm từ 0,5 - 2,5 điểm
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nhận xét, đề thi năm nay có sự phân hóa tốt, vùng điểm cao có rất ít thí sinh (TS). Đại bộ phận điểm thi các môn tập trung trong khoảng 4 – 6 điểm (trừ môn Lịch sử và Tiếng Anh). Từ điểm trung bình trở lên, điểm thi phân hóa rất rõ, tạo thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ xét tuyển.

Nhiều năm làm công tác tuyển sinh, PGS.TS Lê Hữu Lập – Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông phân tích: Năm nay, số bài thi môn Toán, Lý, Hóa, Sinh đạt điểm 7, 8, 9, 10 ít hơn năm 2017, nên điểm chuẩn của các trường ĐH top đầu sẽ hạ từ 1,5 - 2,5 điểm tùy theo khối, ngành. Phổ điểm các bài/môn thi cho thấy, số bài thi đạt điểm 5 trở lên ít hơn năm trước không quá nhiều, vì thế điểm chuẩn của các trường top giữa thấp hơn năm ngoái từ 0,5 - 1,5 điểm.
Với điểm thi môn Lịch sử, Tiếng Anh thấp, nhiều người cho rằng, tổ hợp có 1 trong 2 môn này điểm chuẩn không thể cao, nhưng ông Lập không đồng tình. Bởi vì có điểm thi 2 môn khác trong tổ hợp sẽ bù trừ nhau. Khi thấy điểm thi khối mình đăng ký có môn Lịch sử hay Tiếng Anh thấp, TS sẽ điều chỉnh khối và đăng ký tổ hợp khác dự phòng. Hơn nữa, các trường lấy điểm từ trên cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu, thì chưa chắc điểm trúng tuyển của các khối có môn Lịch sử, Tiếng Anh đã giảm sâu. “Với phổ điểm thi năm nay, trường top trên vẫn dễ tuyển, bởi TS có điểm cao đều muốn đăng ký xét tuyển vào những trường lấy điểm chuẩn cao” - ông Lập nói.

Đa dạng ngưỡng điểm nhận hồ sơ

ĐH Ngoại thương đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển cho các ngành ĐH ở 3 cơ sở của trường. Theo đó, trường tuyển 3.070 chỉ tiêu từ kết quả thi THPT quốc gia năm 2018, với mức điểm nhận hồ sơ 20,5 áp dụng cho cơ sở Hà Nội và cơ sở II TP Hồ Chí Minh. Riêng cơ sở Quảng Ninh điểm nhận hồ sơ chỉ là 17. Trong khi đó, Học viện Chính sách và phát triển quy định hình thức xét tuyển kết hợp: TS có 3 môn/bài thi THPT quốc gia năm 2018, trong đó có môn Toán và 2 môn/bài thi trong tổ hợp xét tuyển của Học viện đạt 20 điểm trở lên mới được nộp hồ sơ. Về xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2018, Học viện xét tuyển theo ngành, lấy từ trên cao xuống thấp, không phân biệt thứ tự, nguyện vọng và không quy định chênh lệch điểm xét tuyển giữa các tổ hợp. Học viện sử dụng môn Toán làm tiêu chí phụ trong trường hợp có nhiều TS cùng mức điểm xét tuyển.

Do năm nay Bộ GD&ĐT không quy định ngưỡng điểm sàn chung cho các trường, vì thế, tại thời điểm này nhiều trường ĐH khác cũng bắt đầu thông báo mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển rất chênh lệch. Chẳng hạn Học viện Nông nghiệp Việt Nam quy định mức điểm nhận hồ sơ cho 13 ngành là 15 điểm và có tới 29 ngành ngưỡng điểm xuống tới 13. ĐH Văn hóa Hà Nội cũng xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2018 và lấy điểm từ 15 trở lên.
Riêng ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ngưỡng điểm nhận hồ sơ rất thấp. Với chỉ tiêu xét tuyển 2.440, nhà trường xét tuyển 4 tổ hợp (A00, A01, B00, D01) theo 2 phương thức. Đối với phương thức sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, điểm xét tuyển của TS không thấp hơn 12. Điểm xét tuyển của TS được xét từ trên cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu theo từng ngành đào tạo. Trường hợp nhiều TS có tổng điểm 3 môn bằng nhau trong cùng tổ hợp thì điểm xét tuyển sẽ lấy từ trên cao xuống thấp của môn Toán.

Với những quy định mức điểm nhận hồ sơ của các trường quá chênh lệch, có thể làm TS bị ngợp. Vì thế, từ mức điểm mình đạt được, các em cần cân nhắc kỹ để chọn ngành, trường phù hợp mới cơ hội trúng tuyển trong đợt xét đầu tiên.