Sự trở lại với những giá trị cốt lõi của nhân loại
Đặc trưng mô hình giáo dục khai phóng là đào tạo linh hoạt, chú trọng cả chiều rộng và chiều sâu của môn học, khuyến khích các môn liên ngành, tăng cường khả năng lựa chọn cho sinh viên. Lợi ích của mô hình giáo dục này là tư duy mở, khả năng thích nghi cao và cách nhìn vấn đề toàn diện, nhiều khía cạnh. Từ một ngành, sinh viên có thể làm rất nhiều nghề, một nghề có thể đến từ nhiều ngành học khác nhau.
Trường ĐH Thủ đô Hà Nội xác định đào tạo trình độ ĐH theo mô hình giáo dục khai phóng bởi đây là xu hướng trở lại với những giá trị cốt lõi của nhân loại, đề cao tính nhân văn, tinh thần dân chủ trong cải cách, canh tân giáo dục. Xu hướng giáo dục khai phóng tạo sự thay đổi trong tư duy về chức năng của trường ĐH.
Sinh viên trường Đại học Thủ đô Hà Nội được học thực hành tại trường theo hướng ứng dụng nghề nghiệp. Ảnh: HNMU. |
Theo đó, trường ĐH không thuần túy là môi trường học thuật hàn lâm mà phải gắn kết nhiều hơn nữa với cộng đồng và thực tiễn phát triển của xã hội. Khi đào tạo theo mô hình này, hoạt động của trường ĐH sẽ thông thoáng, cởi mở hơn, làm tiền đề cho tự chủ ĐH những năm tiếp theo, tạo bước chuyển quan trọng trong hoạt động phát triển chương trình đào tạo của nhà trường.
Với mô hình giáo dục khai phóng, nhà trường đào tạo hai giai đoạn nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức nền rộng, kết hợp với các kiến thức liên ngành để có cơ sở lựa chọn ngành và phát triển các kiến thức ngành một cách sâu sắc. Từ đó, nhà trường cũng cần thay đổi tư duy về đối tượng, chương trình đào tạo, giúp người học phát huy tối đa năng lực, sở thích và nguyện vọng cá nhân trong lựa chọn ngành nghề. Đặc biệt, trường ĐH Thủ đô Hà Nội muốn khẳng định hơn nữa vị thế của mình, muốn có những tác động hữu ích đến hệ thống giáo dục ĐH quốc gia thì cần có sản phẩm đào tạo mang tính khác biệt và có nhiều ưu thế.
Sinh viên học một ngành, làm nhiều nghề
Theo TS. Đỗ Hồng Cường - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủ đô Hà Nội, “người Việt Nam thường nghĩ rằng giữa ngành với nghề là quan hệ “một – một”, nghĩa là học một ngành và ra làm chỉ một ngành đó. Tuy nhiên, giáo dục khai phóng góp phần phá vỡ mối quan hệ “một – một” đó. Từ một ngành, sinh viên có thể làm rất nhiều nghề, một nghề có thể đến từ nhiều ngành học khác nhau. Trường ĐH Thủ đô đxây dựng chương trình đào tạo theo tinh thần khai phóng với 2 giai đoạn đào tạo. Đó là những bước chuẩn bị cho sinh viên thích ứng thật tốt những thay đổi trong môi trường công việc đầy biến động.
Trường ĐH Thủ đô Hà Nội là một trong số ít các trường ĐH tại Việt Nam đang thực hiện đào tạo theo tinh thần giáo dục khai phóng mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên. Ảnh: HNMU. |
Để thực hiện đào tạo ĐH theo tinh thần giáo dục khai phóng, theo PGS.TS. Bùi Văn Quân - nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Thủ đô Hà Nội, nhà trường cần xây dựng một đề án “Phát triển chương trình đào tạo trình độ ĐH theo định hướng giáo dục khai phóng” nhằm đặt ra lộ trình và mục tiêu thực hiện. Trong đó, chương trình đào tạo được thực hiện theo khung lí thuyết: Giáo dục cơ bản, hướng nghiệp và giáo dục chuyên nghiệp, nghề nghiệp.
Giai đoạn giáo dục cơ bản, hướng nghiệp có thời lượng không quá 1,5 năm đào tạo để sinh viên có kiến thức nền rộng, kiến thức nhóm ngành hữu ích làm điểm tựa cho phát triển giá trị sống, giá trị nghề nghiệp, năng lực sáng tạo, thích ứng, có nhiều điều kiện thuận lợi học tập chuyên sâu, hình thành, phát triển các kĩ năng bậc cao.
Giai đoạn giáo dục chuyên nghiệp, nghề nghiệp với thời lượng không quá 2,5 năm đào tạo nhằm mục tiêu hình thành năng lực nghề nghiệp, phát triển các kĩ năng bậc cao đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và nhà tuyển dụng.
“Từ ý tưởng của giáo dục khai phóng và những bài học rút ra về đào tạo hai giai đoạn của giáo dục ĐH Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn đào tạo đại cương cũng như thực tiễn và bối cảnh phát triển của trường, tôi tin tưởng và hy vọng trường ĐH Thủ đô Hà Nội hoàn toàn có cơ sở để tổ chức đào tạo theo tinh thần của giáo dục khai phóng”, PGS. TS Bùi Văn Quân nhận định.