Đất trồng rau có nhưng thiếu nhà ănTheo kế hoạch, tháng 11 này, trường Tiểu học Phương Trung II, huyện Thanh Oai sẽ được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Ngôi trường vừa được TP đầu tư xây dựng khang trang có đầy đủ phòng học, phòng chuyên môn, bể bơi và nhà đa năng. Sân trường rộng rãi, được thiết kế nhiều ô đất để trồng hoa. Ngoài ra, trường còn có cả diện tích để trồng rau xanh khi nhà trường tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh.
Thế nhưng, cô Nguyễn Thị Kim Phúc – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, dù rất muốn tổ chức hoạt động này, nhưng trường không thể thay đổi chức năng lớp học hay phòng làm việc thành nơi nấu ăn và nhà ăn vì liên quan đến khâu khử mùi. “Ngân sách có hạn trong khi rất nhiều trường khác cần được đầu tư nên huyện Thanh Oai chưa thể cấp kinh phí cho trường tổ chức bữa ăn bán trú. Xã hội hóa hoạt động này cũng không đơn giản khi đời sống người dân ở đây chưa cao, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn” – bà Phúc cho hay.
Theo khảo sát của phóng viên, ở một số trường tiểu học vùng ngoại thành có diện tích đất rộng để thiết kế khu vực trồng rau sạch phục vụ bữa ăn trưa. Nhưng, khó khăn các trường gặp phải là được xây dựng từ lâu, trong thiết kế không có nhà bếp và phòng ăn tập thể. Vì thế, để đáp ứng nhu cầu của học sinh ăn trưa, có trường phải đặt cơm hộp, rất lo ngại vấn đề ATTP. “Chúng tôi rất muốn tổ chức bữa ăn nhằm tạo điều kiện cho các con được giao lưu, trao đổi bài và nghỉ ngơi trước khi bước vào ca học buổi chiều. Về phía phụ huynh, hàng ngày không phải lo thu xếp công việc, tất tả đến trường đón con về nhà ăn trưa. Nhưng, cơ sở vật chất nhà trường đang xuống cấp nên mong muốn này đành gác lại” – Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Văn (huyện Thanh Oai) Nguyễn Thị Quỳnh Hoa cho biết.Nan giải chọn nhà cung cấp thực phẩmĐể đáp ứng yêu cầu về dinh dưỡng và ATTP trong mỗi khẩu phần ăn, theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, các trường tổ chức bữa ăn bán trú phải lấy thực phẩm ở những cơ sở có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ chủ trương mới, vẫn có nhiều phụ huynh băn khoăn về chất lượng, giá cả khẩu phần ăn.Nhiều phụ huynh ở trường Mầm non (MN) Phù Lưu, trường MN Đông Lỗ và trường MN Cao Thành (huyện Ứng Hoà) muốn lấy rau, thịt của người dân địa phương vì biết rõ đảm bảo an toàn. Cụ thể, tại trường MN Đông Lỗ đã xảy ra chuyện phụ huynh cho con nghỉ học để phản đối trường mua phẩm của Công ty H.H. Khi nhà trường quay lại lấy sản phẩm của người dân, phụ huynh mới cho con trở lại trường học. Bà Tạ Thị Vân – Hiệu trưởng nhà trường giải thích: Phụ huynh không đồng tình vì giá sản phẩm của công ty quá cao, chênh tới 19 giá so với người dân địa phương bán mà không biết có đảm bảo ATTP hay không.Cũng vì phụ huynh chưa thật sự yên tâm với sản phẩm của công ty, nên trường MN Thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) quyết định lấy thực phẩm theo 2 nguồn (Công ty H.H và cơ sở nhỏ lẻ có giấy chứng nhận ATTP). Theo ông Bùi Thanh Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT Ứng Hòa, trên địa bàn có 100% trường MN (30 trường) thực hiện bữa ăn bán trú và 2 trường tiểu học mua cơm hộp cho học sinh. "Thực hiện sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, chúng tôi đã làm việc với các công ty cung cấp thực phẩm và giới thiệu cho Hiệu trưởng nhà trường quyết định. Dù còn những khó khăn, nhưng chúng tôi cố gắng tìm giải pháp để bữa ăn học đường đảm bảo an toàn và dinh dưỡng” - ông Sơn nói.
"Hàng năm, ngoài kiểm tra thực hiện nội dung năm học, Sở GD&ĐT và Sở Y tế thường xuyên phối hợp triển khai công tác phòng, chống dịch và ATTP trường học. Trong đó, yêu cầu các nhà trường tổ chức bếp ăn bán trú phải có đầy đủ hồ sơ, pháp lý của cơ sở: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP... Đối với nhà trường, khu vực sơ chế, chế biến thực phẩm bảo đảm sạch, cách biệt với nguồn ô nhiễm; bữa ăn phải cân đối đủ dinh dưỡng cho học sinh... Làm sao vừa phải đủ dinh dưỡng và đảm bảo không xảy ra ngộ độc thực phẩm." - Ông Phạm Ngọc Tuấn – Trưởng Phòng Chính trị Tư tưởng (Sở GD&ĐT Hà Nội) |