Trường hợp nào được thay thế tạm giam bằng bảo lãnh, đặt tiền?

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trả lời về việc thay thế tạm giam bằng bảo lãnh và đặt tiền, Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho biết, theo quy định pháp luật, biện pháp bảo lãnh đặt tiền được thực hiện thay thế cho tạm giam, với những điều kiện chặt chẽ về quy trình, tiêu chí, sự xác nhận của chính quyền…

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 21, chiều 20/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát.

Thận trọng trong quyết định hình thức bảo lãnh hoặc đặt tiền

Đặt câu hỏi chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho rằng, việc thay thế hình thức tạm giam bằng bảo lãnh và đặt tiền cần phải đảm bảo căn cứ theo quy định pháp luật, tuy nhiên trong thực tế vẫn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho rằng, việc thay thế hình thức tạm giam bằng bảo lãnh và đặt tiền trong thực tế vẫn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho rằng, việc thay thế hình thức tạm giam bằng bảo lãnh và đặt tiền trong thực tế vẫn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng

Qua việc đánh giá sự cấp thiết của việc áp dụng việc pháp tạm giam trong từng trường hợp cụ thể, với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp, đại biểu đề nghị Viện trưởng Viện KSND Tối cao đánh giá việc áp dụng các biện pháp này thời gian qua như thế nào?

Trả lời câu hỏi về việc thay thế tạm giam bằng bảo lãnh và đặt tiền, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, theo quy định của pháp luật, biện pháp bảo lãnh đặt tiền được thực hiện thay thế cho tạm giam, với những điều kiện chặt chẽ về quy trình, tiêu chí, điều kiện, sự xác nhận của chính quyền. Căn cứ quy định của pháp luật, cơ quan tố tụng cần thận trọng, khách quan trong việc xem xét, quyết định việc áp dụng hình thức bảo lãnh hoặc đặt tiền để đảm bảo việc thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, biện pháp bảo lãnh đặt tiền được thực hiện thay thế cho tạm giam, với những điều kiện chặt chẽ về quy trình, tiêu chí, điều kiện, sự xác nhận của chính quyền
Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, biện pháp bảo lãnh đặt tiền được thực hiện thay thế cho tạm giam, với những điều kiện chặt chẽ về quy trình, tiêu chí, điều kiện, sự xác nhận của chính quyền

Với các trường hợp thực hiện bảo lãnh nhưng sau đó đối tượng bỏ trốn hoặc phạm tội khác, cần lưu ý làm rõ quy trình xem xét, quyết định, thực hiện có đúng quy định của pháp luật hay không, xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, tùy theo mức độ vi phạm mà có hình thức xử lý nghiêm minh đúng theo quy định của pháp luật.

Về giải pháp hạn chế trả hồ sơ điều tra bổ sung, đây cũng là một chế định được quy định trong luật tố tụng hình sự để kiểm soát oan sai, hạn chế bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, cần có kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện này để đảm bảo không xảy ra tình trạng lạm dụng. Thực tế, với các vụ án lớn, việc trả hồ sơ điều tra bổ sung là biện pháp kỹ thuật để đảm bảo công tác điều tra được diễn ra kỹ càng, toàn diện, đúng người, đúng tội. Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng, không nên coi việc này như một hạn chế, tuy nhiên cũng phải đảm bảo việc áp dụng thực hiện ở tỷ lệ, mức độ phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm bày tỏ nhất trí với ý kiến của Viện trưởng Viện KSND Tối cao về cơ chế đặt tiền, bảo lãnh.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm bày tỏ nhất trí với ý kiến của Viện trưởng Viện KSND Tối cao về cơ chế đặt tiền, bảo lãnh.

Về cơ chế đặt tiền, bảo lãnh, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhất trí với ý kiến của Viện trưởng Viện KSND Tối cao, theo đó, việc thực hiện cơ chế này nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn, các yêu cầu của pháp luật, nâng cao hiệu quả xử lý các vụ việc.

Đào tạo điều tra viên đáp ứng yêu cầu công việc

Trả lời câu hỏi của các đại biểu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, thời gian tới, Viện KSND sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp như: Yêu cầu điều tra viên, cơ quan điều tra giữ vững phẩm chất nghề nghiệp, xác định danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất; cần tập trung đào tạo dài hạn, ngắn hạn đội ngũ điều tra viên đáp ứng yêu cầu công việc đề ra.

Quang cảnh phiên chất vấn.
Quang cảnh phiên chất vấn.

Theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí, đầu vào của cán bộ Viện KSND Tối cao không đồng bộ, chủ yếu kiểm sát viên chuyển sang điều tra viên (trải qua kỳ thi); có một số cán bộ của ngành công an chuyển sang nhưng chất lượng cũng không đồng đều do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ, Viện vừa tiến hành đào tạo, phân công đào tạo, giao việc để đáp ứng được yêu cầu công việc.

Với các chỉ tiêu Quốc hội giao, có 3 năm vượt chỉ tiêu, 4 năm không đạt chỉ tiêu về tỷ lệ giải quyết nguồn tin về tội phạm. Vì vậy, một trong những giải pháp đặt ra là yêu cầu điều tra viên phải giữ gìn phẩm chất, nếu không sẽ ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của ngành

Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí khẳng định, điều quan trọng là Viện kiểm sát không chạy theo số lượng mà tập trung vào điều tra các vụ án đã xác định, án trọng điểm; còn thụ lý tin báo do diện rộng trên phạm vi cả nước, do thiếu nhân lực nên thời gian tới sẽ giao một số kiểm sát viên thuộc Viện kiểm sát cấp tỉnh tiếp nhận, phân loại đơn và khi có căn cứ sẽ chuyển về cho cơ quan điều tra tối cao.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra chéo các vụ án tạm đình chỉ, quy trách nhiệm rõ ràng để có phương án giải quyết, phát huy vai trò trách nhiệm người đứng đầu. Các giải pháp này phải thực hiện đồng bộ để có thể đạt được hiệu quả trong thực tiễn.

Về việc hoàn thiện thể chế, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, ngành kiểm sát mong rất nhiều vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, sớm giải thích, hướng dẫn các quy định của pháp luật.

Thời gian qua, có những vụ việc nghiêm trọng do một số đơn vị, cơ quan áp dụng văn bản quy phạm pháp luật có mâu thuẫn với quy định của luật, dẫn đến sai phạm gây ảnh hưởng lớn. Do vậy, cần thường xuyên và liên tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đặc biệt trong bối cảnh thực tế đời sống diễn biến rất nhanh và đa dạng.