Trường "hot" dành từ 50% chỉ tiêu xét học bạ và điểm tốt nghiệp THPT

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Với các thí sinh không có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, nhất là thí sinh vùng nông thôn, thông tin một số trường đại học “hot” dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT rất đáng được mong đợi.

Học viện Tài chính: Ít nhất 50% chỉ tiêu xét tuyển thẳng và xét tuyển học sinh giỏi ở bậc THPT

Trong phương án tuyển sinh ĐH chính quy năm 2022 vừa công bố, Học viện Tài chính sẽ tuyển 4000 chỉ tiêu theo 5 phương thức là: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, xét tuyển học sinh giỏi ở bậc THPT, xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế, xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2022.

Sinh viên Học viện Tài chính (Ảnh: FB nhà trường)
Sinh viên Học viện Tài chính (Ảnh: FB nhà trường)

Trường cũng nhấn mạnh: Chỉ tiêu cho xét tuyển thẳng và xét tuyển học sinh giỏi ở bậc THPT chiếm ít nhất bằng 50%; xét tuyển dựa vào kết quả đánh giá năng lực 5%, số còn lại xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và xét tuyển kết hợp. 

Đối với phương thức xét tuyển học sinh giỏi bậc THPT, Học viện Tài chính sẽ xét tuyển học sinh giỏi 3 năm bậc THPT, trong đó kết quả học tập năm lớp 12 của mỗi môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển không dưới 7,0. Học sinh giỏi 2 năm hoặc học sinh giỏi lớp 12 sẽ có kèm điều kiện phải đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc TƯ của một trong các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học, tiếng Anh, Ngữ văn hoặc Chứng chỉ quốc tế IELTS tối thiểu 5.5 điểm, TOEFL iBT 55 điểm, SAT 1050/1600, ACT từ 22 điểm. Thời gian đăng ký xét tuyển thẳng học sinh giỏi của Học viện Tài chính dự kiến từ 28/5 – 08/6/2022.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền: 70% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT.

Cụ thể, năm 2022, Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến tuyển sinh theo 3 phương thức: Xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT (70% chỉ tiêu), Xét tuyển học bạ (20% chỉ tiêu), Xét tuyển kết hợp (10% chỉ tiêu).

Điểm mới trong tuyển sinh của Học viện năm nay là không tổ chức kỳ thi năng khiếu đối với nhóm ngành Báo chí (bao gồm các chuyên ngành: Báo in, Ảnh báo chí, Báo phát thanh, Báo truyền hình, Quay phim truyền hình, Báo mạng điện tử, Báo truyền hình).

Đối với phương thức xét tuyển kết hợp vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẽ xét tuyển đối với thí sinh có chứng chỉ quốc tế môn Tiếng Anh tương đương IELTS 6.5 trở lên, học lực 7.0 trở lên, hạnh kiểm tốt 5 kỳ học bậc THPT (không tính học kỳ 2 năm lớp 12). Thí sinh xét tuyển các chương trình báo chí cần có điểm trung bình chung 5 học kỳ môn Ngữ văn THPT (không tính học kỳ 2 năm lớp 12) đạt tối thiểu 6.5 trở lên.

Trường hợp thí sinh có mức điểm chứng chỉ bằng nhau cuối danh sách sẽ xét theo tiêu chí phụ là điểm trung bình chung học tập 5 kỳ bậc THPT.

ĐH Thương mại: Dành 45-50% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Trong phương án tuyển sinh năm 2022, ĐH Thương mại dự kiến xét tuyển 4.150 chỉ tiêu với 5 phương thức: Phương thức 1 (Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT và quy định của trường); phương thức 2 (Xét tuyển kết hợp); phương thức 3 (Xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT (học bạ) đối với thí sinh là học sinh các trường THPT chuyên toàn quốc hoặc học sinh các trường THPT trọng điểm quốc gia) ; phương thức 4 (Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2022); phương thức 5 (xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2022, theo từng tổ hợp bài thi/môn thi); trong đó trường phân bổ chỉ tiêu xét tuyển cao nhất cho phương thức 5 với 45-50% tổng chỉ tiêu.

ĐH Y Hà Nội: Phương thức chính là xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT

Thời điểm hiện tại, ĐH Y Hà Nội chưa chính thức công bố phương án tuyển sinh năm 2022 nhưng theo GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng nhà trường thì năm 2022, trường dự kiến vẫn xác định phương thức tuyển sinh chính là xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Nói về vấn đề đa dạng phương thức xét tuyển ĐH, CĐ năm 2022, các đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng: Dù có khoảng 20 phương thức xét tuyển nhưng các trường chủ yếu vẫn tập trung vào một số phương thức truyền thống như: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét tuyển thẳng… Khi tất cả các trường đưa thêm nhiều phương thức tuyển sinh, cuối cùng vẫn chỉ chọn từng đó thí sinh; bởi vậy, cần cân nhắc kỹ lưỡng khi thêm phương thức mới. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần