Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về thực trạng này, PGS.TS Mạc Văn Tiến - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề cho rằng, để trường nghề nâng chất lượng phải có “lực đẩy” và “lực hút”.
Đổi mới đồng bộ
Quý III/2015, cả nước có 225.500 người tốt nghiệp đại học (ĐH) trở lên và gần 220.000 người có trình độ từ trung cấp đến cao đẳng (CĐ) nghề thất nghiệp. Theo ông, vì sao lại có tình trạng thừa “thày” và thừa “thợ”, trong khi nhiều DN đang thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật?
- Chính xác là hiện nay trên thị trường lao động nước ta đang thiếu cả “thày” và “thợ”. Nhưng đúng là chúng ta đang thừa cả “thày” vì “thày” không biết làm việc (đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), 60% sinh viên tốt nghiệp không làm được việc đúng với trình độ đào tạo), và thừa cả “thợ” vì không có kỹ năng nghề phù hợp với yêu cầu DN. Đó là do chất lượng đào tạo của hệ thống quốc dân còn quá thấp. Hội nghị T.Ư lần thứ 8 (Khóa XI) đã chỉ rõ, đào tạo còn mang nặng tính hàn lâm, thiếu kỹ năng thực hành và chưa gắn với DN. Chính vì vậy mới có nghịch lý đào tạo ra nhiều kỹ sư, cử nhân, công nhân kỹ thuật, nhưng DN vẫn “khát” lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật.
Phải chăng các trường trung cấp và CĐ nghề đào tạo chưa theo kịp nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động, mặc dù đã được Nhà nước đầu tư?
- Đúng vậy! Thời gian qua, Nhà nước có nhiều chính sách phát triển đào tạo nghề, các trường nghề được đầu tư mạnh và thực tế nhiều lao động có trình độ trung cấp, CĐ phát huy được kiến thức, kỹ năng khi làm việc tại DN. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của DN và thị trường lao động, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và hội nhập hiện nay.
Một số trường nghề đã đầu tư trang thiết bị phục vụ giảng dạy nhưng vẫn không thu hút được người học?
- Để thu hút học sinh vào học nghề cần phải đổi mới đồng bộ và mạnh mẽ. Về phía các trường nghề, phải nâng cao chất lượng đào tạo; chương trình đào tạo cần linh hoạt, thích ứng được sự thay đổi của thị trường lao động. Về phía các cơ quan Chính phủ, cần đổi mới mạnh các cơ chế chính sách có liên quan. Không chỉ là chính sách cho đào tạo nghề mà thay đổi cả trong tuyển dụng, sử dụng lao động qua đào tạo nghề. Ví dụ, tuyển theo kỹ năng làm việc thực tiễn của ứng viên thay vì dựa vào bằng cấp. Chính sách tiền lương cũng phải gắn với kết quả làm việc.
Giải quyết 3 nhóm vấn đề
Thực tế, các trường ĐH đang tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo, lấy điểm tuyển đầu vào thấp, theo ông, liệu các trường trung cấp, CĐ nghề có tồn tại được?
- Thế thì sẽ không còn người vào học ở các trường nghề. Ví dụ, mỗi năm cả nước có khoảng 900.000 đến 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT; các trường ĐH, CĐ tuyển 800.000, chỉ còn 100.000 - 200.000 em có thể vào học nghề. Đó là chưa kể những người trượt ĐH, CĐ sẽ đợi sang năm thi lại. Khi đã không có hoặc quá ít người học, đương nhiên các trường nghề sẽ phải giải thể hoặc sống “thoi thóp”, lại phải tìm cách liên danh, liên kết đào tạo. Như thế, họ làm “rối” hệ thống và cơ cấu đào tạo, và lại rơi vào vòng luẩn quẩn: Đào tạo ĐH thừa - thất nghiệp, trong khi DN cần công nhân có kỹ năng lại không có.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT nên phân luồng thế nào để số học sinh tốt nghiệp THCS và THPT đi học nghề tăng?
- Tôi cho rằng, cần phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, chứ không chỉ cải cách chương trình giáo dục phổ thông. Theo tôi, có 3 nhóm vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất, cần tạo “lực đẩy” mạnh mẽ, bao gồm thiết kế chương trình phổ thông có tính “tạo luồng” ngay từ đầu trên cơ sở tạo cho người học nhận biết được mình phù hợp đi theo luồng hàn lâm hay kỹ thuật. Cùng với đó là minh bạch trong đánh giá kết quả học tập học sinh. Chương trình đào tạo của cả hệ thống giáo dục phải được thiết kế khoa học, tường minh, đặc biệt phải liên thông được từ “luồng” nọ sang “luồng” kia, giống như hệ thống giao thông quốc gia. Thứ hai, về “lực hút” chính là chất lượng đào tạo của hệ thống trường nghề. Người học trong trường nghề cần được trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp thông thạo và kỹ năng mềm làm việc trong môi trường đa văn hóa. Và thứ ba, cần có các chính sách sử dụng lao động sau đào tạo để tạo “lực hút” học sinh theo học trường nghề.
Xin cảm ơn ông!