Trường quay Cổ Loa: Tìm lời giải cho bài toán sinh lời

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau 5 năm phục hồi, cải tạo với kinh phí đầu tư 108 tỷ đồng, Trường quay Cổ Loa đã có diện mạo mới và bước đầu khai thác du lịch. Mấy ngày gần đây, dư luận lại ồn ào chuyện trường quay cho thuê để tổ chức đám cưới.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, lãnh đạo Trường quay Cổ Loa khẳng định: Chưa có một đám cưới nào được tổ chức tại đây.

 Từ bỏ hoang đến khôi phục

Trường quay Cổ Loa được hình thành từ những năm sau 1960, từng là "kinh đô điện ảnh" của Việt Nam. Thời điểm đó, Cổ Loa có đầy đủ từ bối cảnh, phòng dựng tới phòng in tráng, lồng tiếng. Lúc ấy, nơi đây là cái nôi của nhiều bộ phim nổi tiếng Việt Nam. Nhưng sau đó, vì nhiều nguyên nhân, trường quay bị bỏ hoang. Năm 2008, nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Cổ Loa lại được quy hoạch để xây dựng trường quay cho những phim cổ trang. Nhiều phim đã được quay ở đây như phim truyền hình "Thái sư Trần Thủ Độ", hay phim điện ảnh "Thiên mệnh anh hùng"…

Trường quay Cổ Loa: Tìm lời giải cho bài toán sinh lời - Ảnh 1

Một phần bối cảnh bộ phim " Thái sư Trần Thủ Độ" vẫn còn nguyên vẹn tại Trường quay Cổ Loa. Ảnh:Quang Lê

 Được biết, tổng diện tích Trường quay Cổ Loa đã cải tạo là 15ha. Trong đó, trường quay nội cảnh rộng 400m2 trước đây đã được nâng cấp thành trường quay hiện đại với hệ thống đèn treo, ghi hình, âm thanh đồng bộ. Hai dãy nhà cũ được nâng cấp thành nhà công vụ có khu phụ trợ với các phòng hoá trang, phục trang... với tổng diện tích khoảng 300m2, và trường quay dưới nước, trường quay ngoại cảnh (thành cổ, phố cổ Hà Nội), phòng thu âm... Thời gian gần đây, hầu như ngày nào cũng có đoàn làm phim tới quay. Hiện, các cán bộ ở đây đang tất bật hỗ trợ việc dựng bối cảnh cho 2 bộ phim lớn, trong đó có một bộ phim của Mông Cổ dự kiến công chiếu tại Việt Nam.

Kết hợp điện ảnh với du lịch

Từ tháng 3/2013, lãnh đạo trường quay đã phối hợp với Phòng VHTT&DL huyện Đông Anh triển khai các tour du lịch trên địa bàn huyện, trong đó, Trường quay Cổ Loa là một điểm đến. Đây cũng là trường quay đầu tiên của Việt Nam kết hợp điện ảnh với du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng. Dự kiến, chi phí cho 100 người vào tham quan trường quay với các dịch vụ: Giới thiệu về trường quay, mặc thử quần áo của vua, quan nơi thiết triều, khu sinh thái, xem các trích đoạn phim, các tiết mục hát múa... từ 15 - 20 triệu đồng, tức mỗi người mất không quá 200.000 đồng. "Phía trường quay đang xem xét việc đáp ứng cho những cặp vợ chồng có nhu cầu tổ chức đám cưới vàng, cưới bạc, hay đám cưới theo kiểu cung đình, thực hiện video clip tại trường quay. Nhưng đó mới chỉ là ý tưởng, hiện chưa có một đám cưới nào được tổ chức tại đây" - ông Phan Văn Hòa - Giám đốc Trường quay Cổ Loa cho biết.

Có thể nói, ngoài phục vụ những bộ phim lịch sử, việc thu hút du khách đến tham quan Trường quay Cổ Loa vừa đỡ lãng phí, vừa có thêm nguồn kinh phí để tái đầu tư, đồng thời góp phần giáo dục lịch sử một cách sinh động, hấp dẫn. Nhưng hiện tại, vấn đề làm sao để giữ lại bối cảnh phim sau khi quay lại đang là một bài toán khó. Bởi, bối cảnh các dự án phim lịch sử chủ yếu làm từ xốp (vì kinh phí có hạn) nên tuổi thọ không cao. Trong khi đó, việc dỡ, cất các vật liệu này lại không "nằm trong tay" trường quay nên qua thời gian, bối cảnh bị hỏng, không giữ được nguyên trạng để phục vụ cho mô hình kết hợp điện ảnh với du lịch. Như một cán bộ phòng Kế hoạch & Xúc tiến đầu tư, Trường quay Cổ Loa cho biết: "Nếu xây bối cảnh bền vững sử dụng lâu dài thì tốn kém và cần đầu tư số tiền lớn hoặc phải xã hội hóa. Đã rất nhiều lần, phía trường quay muốn hợp tác với các nhà làm phim xây dựng bối cảnh chắc chắn, nhưng vì không có kinh phí nên... lực bất tòng tâm".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần