Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trường Sa trong trái tim lính đảo

Bài, ảnh: Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa tháng 4, may mắn được tham gia Đoàn công tác của TP Hà Nội đi tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ tại quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, chúng tôi ấn tượng mạnh với bản lĩnh kiên cường của người lính nơi đảo xa.

Cả một Trường Sa in khắc trong trái tim những người lính đảo bởi tình đồng chí, đồng đội như ruột thịt, tình quân dân gắn bó keo sơn.
Nơi lính đảo trưởng thành
Mỗi ngày, khi mặt trời bắt đầu phủ lớp ánh vàng chan hòa lên khắp đại dương bao la, là lúc đoàn chúng tôi rời tàu HQ-571 của Vùng 4 Hải quân để đến với các đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn. Gặp Thượng úy Ngô Văn Bun – Chính trị viên đảo Cô Lin vào một ngày sóng yên, biển lặng, nhưng dưới cái nắng như đổ lửa, mồ hôi vẫn nhễ nhại trên gương mặt người cán bộ đảo chìm.
 Các đại biểu dâng vòng hoa tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại đảo Cô Lin.
Anh tâm sự: “Do đặc thù là đơn vị độc lập, xa đất liền nên các cán bộ, chiến sĩ trên đảo như một gia đình mà người chỉ huy như người anh cả, bộ đội thường nhìn vào để noi theo. Những lần vào nhiệm vụ phải thức thâu đêm nhưng tôi vẫn chủ động dậy sớm để đôn đốc và thực hiện các chế độ cùng đơn vị”.
Chia sẻ cảm nghĩ về người cán bộ của đảo, chiến sĩ Nguyễn Nhật Thuận, đảo Cô Lin xúc động kể: “Có lần tôi ốm, anh Bun tự tay nấu cháo, chăm tôi như em ruột. Anh Bun thường đi ngủ muộn hơn để kiểm tra, đắp chăn, vén màn cho từng người. Những ngày lễ, Tết, anh ấy thường điện vào đất liền hỏi thăm sức khỏe và chúc mừng gia đình, thân nhân chiến sĩ”. Câu chuyện của Thượng úy Ngô Văn Bun cho chúng tôi hình dung về một người anh cả ấm áp, bao dung trong gia đình nề nếp và tràn ngập tình yêu thương.
Quả thực, nếu không có những người anh cả nghiêm khắc và tình cảm như thế, thì bao thế hệ chiến sĩ Trường Sa sẽ chẳng thể trưởng thành. Như câu chuyện của chàng binh nhất Phan Văn Việt, đảo Sinh Tồn kể với chúng tôi: “Mặc dù, khi ở nhà, tôi được bố mẹ nuông chiều không khác gì “công tử bột”, vậy mà chỉ sau ít ngày công tác tại đây, được sự chỉ bảo của những người anh, tôi đã biết làm tất cả, từ giặt giũ quần áo cho đến nấu cơm, rửa bát, chăn nuôi gia súc, trồng rau… Rồi cả những đêm vui sướng vì được thức trắng canh gác cho đồng đội ngon giấc”.
 Chiến sĩ Huỳnh Hoàng Việt chăm chú cún trên đảo Đá Lớn C. 
Còn người, còn đảo
Chỉ còn vài tháng nữa, chiến sĩ Huỳnh Hoàng Việt sẽ hết thời gian làm nhiệm vụ tại đảo Đá Lớn C. Chàng binh nhất tâm sự: “Nếu phải rời xa Đá Lớn C, tôi sẽ buồn lắm vì không còn được nghe tiếng sóng rì rầm vỗ bờ mỗi khi bình minh thức giấc. Nhớ lắm cả vườn rau xanh biếc như những đứa em thơ tôi và đồng đội nâng niu, chăm bón mỗi buổi chiều. Còn cả anh đảo trưởng đáng kính huấn luyện kỹ năng, kỹ thuật chiến đấu, dạy chúng tôi cách sống ở đời…”.
Riêng với chiến sĩ Bùi Duy Quang, đảo Đá Thị, anh nhớ nhất hình ảnh những con sóng bạc đầu hung hãn ở nơi đây. Anh kể, Đá Thị là đảo phía Bắc Trường Sa, quanh năm oằn mình trước những con sóng dữ. Mùa biển động, nhìn ra tứ phía chỉ thấy những con sóng lớn tung bọt trắng xóa cùng những tiếng gầm gào suốt đêm ngày.
Việc bảo quản vũ khí, trồng rau trở nên khó khăn gấp bội. Mỗi khi có những cơn bão lớn là tàu thuyền phải dừng ra khơi, thuyền đánh cá cũng phải nhanh chóng vào bờ trú ẩn. “Trải qua những gian nan, vất vả mới thấu hiểu được những giá trị tuyệt vời của cuộc sống với những tháng ngày đầy ắp tình cảm thiêng liêng cùng các đồng đội. Anh em từ nhiều miền quê, mỗi người một hoàn cảnh nhưng luôn sống chan hòa như ruột thịt một nhà” - chiến sĩ Bùi Duy Quang nói.
 Các em nhỏ đảo Song Tử Tây biểu diễn văn nghệ cùng Đội Văn nghệ xung kích trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.
Giữa đảo chìm, con người dường như càng nhỏ bé, nhưng trái tim lại to lớn không ngờ. Ở nơi đây, không có sự ganh đua, chỉ có tình cảm trân quý. Tình đồng chí, đồng đội thân thiết, gắn bó keo sơn để cùng nhau đêm ngày chắc tay súng bảo vệ biển đảo, quê hương đất nước. Trong những câu chuyện với các chiến sĩ nơi đây, ai ai cũng thể hiện quyết tâm sắt đá: “Còn người, còn đảo”.
Trường Sa những ngày tháng 4 lịch sử, sau 44 năm quần đảo hoàn toàn giải phóng, mỗi đảo được khoác lên mình chiếc áo mới tươi xanh, khang trang, hiện đại. Những hàng cây phong ba, bão táp vươn mình trong nắng gió, tràn trề sức sống phủ bóng mát che chở cho các chiến sĩ chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Nắng pha lê rải đều trong vắt và tinh khiết lên biển đảo. Biển bỗng dưng trở nên dịu dàng và thân thiện đến lạ kỳ. Tháng Tư ở Trường Sa khiến lòng người đầy ắp xúc cảm.