“Điểm sáng” của ngành giáo dục Thủ đô
Từ khi còn mang tên PTCS Nghĩa Đô B rồi đổi thành THCS Nghĩa Tân (năm 1997) như ngày nay, ngôi trường 30 năm tuổi này đã không ngừng phát triển cả về quy mô, chất lượng dạy và học. Ngày đầu thành lập vào năm 1987, trường mới có 13 lớp với 459 học sinh (HS), đến nay, trường là cái nôi đào tạo và bồi dưỡng nhân cách cho gần 2.500 HS và rất nhiều lứa học sinh đã trưởng thành trở thành những công dân tốt cho Thủ đô và đất nước.
|
Toàn cảnh trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng |
Thời gian đầu thành lập, đời sống giáo viên gặp nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực không ngừng của cán bộ giáo viên, trường THCS Nghĩa Tân luôn là địa chỉ mà HS mong muốn được học tập và rèn luyện. Chính vì vậy, trường THCS Nghĩa Tân đã được quận Cầu Giấy đầu tư với số vốn hơn 300 tỷ đồng để xây dựng lại và trở thành ngôi trường đạt chuẩn khu vực Đông Nam Á về chất lượng cơ sở vật chất. Những phòng học đầy đủ tiện nghi của trường thực sự đang là “niềm mơ ước” của không ít HS.
Đội ngũ giáo viên của trường ngày càng được trẻ hóa và có tư duy đổi mới. Từ chỗ chỉ có 45 giáo viên, nay trường đã có 112 giáo viên, đạt chuẩn 100% và trên chuẩn 89%. Với những thành tích đã đạt được trong suốt 30 năm qua, trường THCS đã trở thành “điểm sáng” của ngành giáo dục Thủ đô. Trong năm học 2016 – 2017, trường có 53% HS đạt học lực Giỏi; trong đó, HS của trường đạt 5 giải cấp Quốc gia trong các môn: Tin học trẻ, Toán, Tiếng Anh, Vật lí qua mạng…
Chia sẻ cảm xúc về ngôi trường mình đã gắn bó, nguyên Hiệu trưởng nhà trường Lê Thị Trình cho rằng: “Nếu không có sự đoàn kết thì không có THCS Nghĩa Tân của ngày hôm nay. Tuy tóc đã bạc nhưng trái tim tôi vẫn luôn sắt son tình yêu trường”.
Nhân rộng những ý tưởng mới, cách làm hayHiện nay, các thầy cô giáo trường THCS Nghĩa Tân đã và đang tìm tòi, sáng tạo, áp dụng nhiều ý tưởng hay trong dạy và học. Với quan điểm hiểu để sẻ chia, ngay trong buổi họp phụ huynh (PH) đầu năm học, PH được biết, được chia sẻ nhiều hơn thông qua “những mảnh giấy biết nói”. Cô giáo sẽ cho HS viết những lời cảm ơn, xin lỗi, mong ước, hứa hẹn vào một phong bì mà không cần ghi tên. Hay các em sẽ được viết tên mình lên các tờ bìa mang tên “Bảng ghi nhận những điều tốt”, chuyển đến tay từng bạn trong lớp để các bạn viết về những điều tốt mà thấy ở bạn mình, hoặc khuyên bạn nên và không nên làm gì. Đến buổi họp PH, cô giáo sẽ gửi lại cho PH, để qua đó PH hiểu con mình hơn.
|
Tiết học tiếng Anh của học sinh trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Ảnh: Công Hùng |
Bên cạnh đó, các thầy cô giáo còn “thổi luồng gió mới” vào các giờ sinh hoạt lớp. Thay vì nghe phê bình, viết kiểm điểm hay ngồi làm bài tập môn khác… HS được chơi trò chơi, đóng kịch và bình luận về những tình huống thực tế theo các chủ đề gần gũi với các em… Để giảm áp lực cho HS, nhà trường còn lồng ghép các hoạt động trải nghiệm sáng tạo vào chương trình dạy học, giúp HS rèn luyện được kỹ năng sống và bồi đắp cho các em tình yêu thương trong cuộc sống.
Cô Nguyễn Mỹ Hảo – Hiệu trưởng trường THCS Nghĩa Tân cho biết: “Nhà trường luôn nỗ lực đổi mới trong phương pháp dạy học, nên những ý tưởng mới của giáo viên mà tạo hứng thú học tập cho HS thì nhà trường rất ủng hộ”. Với vai trò là người kết nối, cô Hiệu trưởng đã tìm nhiều cách để gợi mở giáo viên chia sẻ kinh nghiệm, trong đó đã chủ động dùng mạng xã hội để kết nối các ý tưởng mới của giáo viên, tạo ra những hiệu quả không ngờ. Điển hình là những ý tưởng được áp dụng trong các buổi họp PH đã nhận được sự phản hồi tích cực từ phía PH và HS. Họ đều hy vọng nhà trường sẽ tiếp tục duy trì và phát huy những cách làm mới, để các em HS thật sự cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Trong 30 năm, THCS Nghĩa Tân đã đạt được nhiều thành tích nổi bật như: Huân chương Lao động hạng Ba năm 2007; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2005, năm 2012; Trường THCS đầu tiên của quận Cầu Giấy đạt chuẩn Quốc gia năm 2005; Cờ đơn vị thi đua xuất sắc của UBND TP năm 2004 – 2005, năm 2008 – 2009, năm 2016 – 2017. |