Trường... tự lập!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm học 2021- 2022 đang dần khép lại theo cái rực rỡ của sắc phượng và bằng lăng. Thế là em theo anh, chú theo cháu - cả mấy đứa trẻ quanh xóm tôi đều dừng sự học hành lại ở cấp THCS…

Là vùng ngoại ô, nhưng từ nhà ra phố cũng dăm cây số, ấy thế nhưng trẻ con ở đây chẳng mấy đứa ham học. Xuân Thu nhị kỳ, mỗi lần đi họp phụ huynh, mấy đám trẻ của một dòng họ (lớn nhất nhì xóm tôi) luôn được điểm danh.

Nhưng theo cách nói của bố mẹ chúng, đó là “bêu danh”, bởi những “thành tích” như nói chuyện riêng trong lớp, tụ tập “băng đảng” đánh nhau, trốn học… Mà hình như đã trở thành quy luật, với bất kỳ đứa trẻ nào, lười học sẽ dẫn đến dốt nát - chán và bỏ học khi độ đương tuổi cắp sách đến trường.

Đối với đám trẻ làng tôi, dù kỳ thi vào lớp 10 còn hơn một tháng mới diễn ra nhưng tương lai của chúng nó gần như đã được… định đoạt. Điều này từ thầy cô và bố mẹ chúng nó cũng đã lường trước. Vậy nên mới có chuyện thật mà như bịa rằng, trong lúc trà dư tửu hậu, bác An hỏi cụ Ngải: Năm nay thằng Tùng cháu ông thi vào trường A, B hay dân lập? Rít hơi thuốc lào xong, cụ Ngãi thở dài, từ mấy chục năm qua, tính trên đầu ngón tay, cả họ nhà tôi cũng chỉ có cu Thắng là vào được cái trường B.

Còn lại cả chục “suất đinh” đến cái tốt nghiệp cơ sở còn chật vật; nói gì đến cấp 3 hay cấp 4! Nó (cu Tùng) là đích tôn, nên tôi cũng kỳ vọng, nhưng càng kỳ vọng thì chỉ tổ thất vọng thôi. Chả hiểu nó học hành kiểu gì mà hết lớp 9, cái bảng cửu chương còn chưa thông; thế thì chỉ còn nước thi vào trường… tự lập!

Lời nói của cụ Ngãi quả tình đã phản ánh đầy đủ “bức tranh học tập” của đám con cháu trong họ, đó là ham chơi, lười học, thích tụ tập quấy phá. “Nhất quỷ, nhì ma, thứ 3 học trò”, thì đâu cũng vậy. Không phải vơ đũa cả nắm, nhưng mới tí tuổi đầu, đám con cháu cụ Ngải đã… thành thạo các “ngón” của đám thanh niên.

Chữ Việt còn ngô ngọng nhưng quân bài chắn thì đọc vanh vách; mới 14, 15 tuổi đầu nhưng lắm đứa đã có “bồ”… Thế nhưng “một bộ phận không nhỏ” bố mẹ chúng lại không lấy làm phiền lòng vì điều đó.

Mỗi lúc được hỏi đến, câu trả lời nhận được đều là cái lắc đầu: Rồi chúng nó cũng giống chúng tôi thôi; hết trung học cơ sở, ở nhà mấy năm, đến tuổi thì con trai vào bộ đội, con gái đi công nhân, thêm vài năm nữa dựng vợ gả chồng, cho êm chuyện.

Của đáng tội, trong xóm cũng có vài trung niên - tuy học hành chẳng ra gì, nhưng do chịu khó làm lụng, cày sâu cuốc bẫm nên kinh tế cũng dư dả. Tuy nhiên, số này tính ra chưa hết số ngón trên một bàn tay, đa phần còn lại đều vá vai giật gấu. Sau nhiều năm lưu ban vì sự học được ví như hũ nút, Kiên “liều” dừng lại ở lớp 6. Học thì vô đối về dốt, nhưng y lại nổi tiếng trong làng ngoài xã về khoản nghịch ngợm quấy phá.

Sau mấy năm lông bông, khi y phát vãng đi Nam, dân làng ai cũng thở phào như trút được một món của nợ. Bẵng đi cả chục năm, mới đây Kiên “liều” về làng tậu đất, xây nhà, mua xe hơi, khiến dân làng “lác mắt”.

Từ khi trở về làng, Kiên “liều” như thay tâm đổi tính, khiến làng trong, xóm ngoài càng nể trọng. Và cái quan niệm “thằng dốt lắm tiền” càng được dân làng đem ra bàn tán. Họ coi Kiên “liều” như một tấm gương để đám trẻ “noi” theo. “Đấy cứ nom vào ông Kiên kia kìa, chỉ học trường… tự lập mà giàu ú”. Với đà này đám trẻ xóm tôi lại có thêm tấm liếp để soi vào!