70 năm giải phóng Thủ đô

Truy “thủ phạm” gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 4/4, Sở TN&MT Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Quản lý chất lượng môi trường không khí”. Nội dung hội thảo xoay quanh vấn đê ô nhiễm môi trường không khí Thủ đô và các giải pháp khắc phục.

Điểm nóng và “thủ phạm”
Tại hội thảo, “thủ phạm” gây ô nhiễm môi trường không khí Thủ đô được chỉ “đích danh” gồm: Hoạt động giao thông (phát thải khí CO, VOC và NO2), sản xuất công nghiệp, xây dựng (thải ra khói, bụi, khí SO2, CO), sản xuất nông nghiệp (phát sinh khí CO2, CH4, NH3, trong chăn nuôi), bụi, CO2, CO, Nox (đốt rơm rạ). Hoạt động của các làng nghề phát sinh ra bụi, khí SO2, NO2, CO, hơi axit. Chôn lấp và xử lý rác thải rắn là tác nhân gây ô nhiễm bụi, CH4, CO2, Amoni…
 Khí thải từ xe gắn máy ngày càng làm cho môi trường không khí bức bối (ảnh chụp tại ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Láng Thượng)
Theo kết quả quan trắc không khí tại các trục giao thông (giai đoạn 2011 – 2014 và 2015 – 2016), tại hầu hết các vị trí quan trắc đều có hàm lượng benzen vượt Quy chuẩn Việt Nam (QCVN – 06: 2009/BTNMT) từ 1,2 – 2,5 lần. Về độ ồn, đa số các điểm quan trắc đều vượt QCVN, trong đó “nổi cộm” là quận Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy….Các vị trí có nồng độ chất ô nhiễm cao là: Bến xe Mỹ Đình, ngã tư Cổ Nhuế, bến xe Nước Ngầm, chân cầu vượt Phạm Văn Đồng…Môi trường không khí tại 8 khu công nghiệp, 22 cụm làng nghề, cụm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề… thất thường và đáng phải cải thiện.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên thì nhiều, nhưng chủ yếu là do tốc độ đô thị hóa nhanh, hạ tầng thiếu đồng bộ, quản lý trật tự xây dựng chưa chặt chẽ. Tốc độ gia tăng phương tiện giao thông nhanh, hạ tầng chưa đáp ứng kịp, phương tiện cũ nát nhiều. Kiểm soát nguồn thải công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu công cụ hỗ trợ hoạt động kiểm soát, hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ, nhận thức về môi trường chưa cao…
Giải pháp trước mắt…
Theo bà LưuThanh Chi – Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội, thời gian tới, Sở TN&MT Hà Nội tiếp tục hợp tác với tổ chức AirParif (Cộng hòa Pháp) triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu, đánh giá hiện trạng môi trường không khí Hà Nội do chính phủ Pháp tài trợ. Kiểm soát chặt về các biện pháp bảo vệ môi trường, giảm bụi, khí thải tại các công trường xây dựng ở khu vực nội thành. Xử phạt nặng với các hành vi vi phạm về môi trường. Tăng cường thanh tra, giám sát việc xử lý ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh ,dịch vụ. Tiếp tục đầu tư xây dựng các điểm tập kết để trung chuyển đất, phế thải xây dựng trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Tích cực triển khai các dự án quan trắc tự động (nước, khí thải) tại cá khu vực trọng yếu, nhằm phục vụ công tác dự báo, cảnh báo sớm cho cơ quan quản lý và người dân về các hiện tượng ô nhiễm môi trường cục bộ tại từng khu vực.
Tại hội nghị sáng 4/4, đã có nhiều ý kiến đóng góp làm trong lành bầu không khí Thủ đô
Đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc (TQT) không khí tự động (2 trạm cố định, 8 trạm cảm biến), số liệu quan trắc không khí sẽ được cập nhật 24/24 giờ tại cổng thông tin của UBND TP. Hoàn thiện trung tâm truyền nhận, xử lý dữ liệu từ các TQT tự động, chuyển về đầu mối quản lý Nhà nước là Sở TN&MT. Giám sát và bắt buộc các chủ dự án, cơ sở phát sinh chất thải quy mô lớn phải lắp đặt các TQT trắc tự động và truyền số liệu về Sở TN&MT để theo dõi, giám sát. Phối hợp với Cục Đăng kiểm trong việc đăng kiểm mới và định kỳ với các phương tiện cơ giới. Xây dựng lộ trình thực hiện áp dụng khí thải mức 4 và 5 (Euro 4 và Euro5) trên địa bàn Hà Nội…
“Tiếp cận đồng lợi ích” - Kế sách lâu dài
Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Dương Tùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) nói: Ô nhiễm không khí là vấn đê nan giải của Hà Nội và các TP lớn hiện nay. “Theo số liệu quan trắc ở trạm Nguyễn Văn Cừ, từ sáng tới giờ (lúc 9 h30, sáng 4/4) là tốt, nhưng từ giờ tới trưa, tới chiều chưa biết sẽ như thế nào”, ông Tùng ví dụ. Vấn đề ô nhiễm bụi ở các TP lớn ở Châu Á đã được cảnh báo từ mấy năm nay. Tại hội nghị Lagos (Thụy Sỹ) năm ngoái, Việt Nam đứng thứ 10 (từ dưới lên) về ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí ở Hà Nội chưa đến mức như Bắc Kinh, nhưng các chỉ số ô nhiễm ngày càng tăng. Vì vậy cần nâng cao ý thức của người dân và sự tham gia của các tổ chức kinh tế vì một mình cơ quan chức năng cũng khó xoay chuyển – ông Tùng nói tiếp.
Theo GS – TS Nghiêm Trọng Dũng (Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường – ĐHBK Hà Nội): Để giám sát chất lượng không khí xung quanh (AQM) trên Thế giới, cơ quan Nhà nước người ta phải khu biệt – tập trung vào nguồn thải và chất gây ô nhiễm chính để xử lý, các vấn đề còn lại phải có sự tiếp sức của cộng đồng. Ví dụ khi Thái Lan loại bỏ xăng pha chì (1996), loại bỏ baby taxi ở Dhaka (Băng la đét - 2003), xăng pha chì ở Việt Nam (2001)…tình hình ô nhiễm không khí đã được cải thiện rõ rệt. Vì vậy chúng ta cần mở rộng khung pháp lý về AQM, bao gồm các bên liên quan như: Công cụ kinh tế, nhu cầu và quy hoạch giao thông, lồng ghép AQM vào quy hoạch sử dụng đất, thắt chặt tiêu – quy chuẩn về nguyên liệu, phương tiện giao thông, nâng cao ý thức người tham gia giao thông. “Nói tóm lại nên chữa căn nguyên chứ không chữa triệu chứng”, GS – TS Nghiêm Trọng Dũng nói tiếp. Ở Việt Nam, làm công tác môi trường hiện tại chỉ có cơ quan Nhà nước. Nhưng giờ đây “Tất cả chúng ta đều trên một con thuyền – Tất cả đều phải chung tay vì môi trường không khí Thủ đô trong sạch”, GS Nghiêm Trọng Dũng nhấn mạnh. “Giống như ở Luân Đôn, trong giờ cao điểm, nếu anh muốn đi xe vào trung tâm thì phải bỏ thêm tiền”, GS Dũng ví dụ thêm…