Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truy thu thuế, siết chi tiêu công để tăng lương

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều ngày 3/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015, dự toán NSNN và phương án phân bổ NS T.Ư năm 2016.

Một trong những nội dung được các đại biểu và cử tri quan tâm đó là có điều chỉnh tăng lương cho cán bộ, công chức trong năm 2016 hay không trong bối cảnh NS ngày càng eo hẹp.

“DN làm được không lẽ Chính phủ thì không”

Sau 3 năm liên tục lương cơ sở được duy trì ở mức 1.150.000 đồng/tháng, mới đây, báo cáo của Chính phủ cho biết, chưa có điều kiện tăng lương cơ bản cho cán bộ công chức trong khu vực Nhà nước trong năm tới. Một trong những lý do khiến Chính phủ xin hoãn vụ tăng lương đó là NS quá eo hẹp. “Mức lương hiện tại mới chỉ đáp ứng được 60 – 70% nhu cầu cuộc sống của người lao động. Dứt khoát phải thực hiện việc nâng lương cơ sở theo đúng lộ trình. Khi năng suất lao động tăng lên thì tiền lương nhất thiết phải tăng theo để tiền lương đúng với ý nghĩa của nó - là đòn bẩy để tăng năng suất lao động” - ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nêu vấn đề.
Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Tùng (đoàn Đồng Nai) phát biểu ý kiến. 	Ảnh:  TTXVN
Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Tùng (đoàn Đồng Nai) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
ĐB Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đoàn Đồng Nai) chia sẻ, Luật Lao động quy định lương tối thiểu phải đáp ứng đời sống tối thiểu. Vừa rồi Hội đồng tiền lương Quốc gia bàn lên bàn xuống, cân nhắc lên xuống cuối cùng đã thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4 %. Mức tăng này DN thực hiện được thì không lý do gì Chính phủ không thực hiện được. “Chính phủ cần cố gắng giảm chi tối đa, làm sao không tăng chi thường xuyên, để tăng lương cho cán bộ công chức”. Ông cho biết sẽ ủng hộ tăng lương và đề nghị mức tăng tối thiểu cũng phải 5%.

Cho rằng tăng lương là cần thiết và cấp bách nhưng cân đối khó khăn không thể đi vay để trả lương được. “Lấy nguồn đâu để chi?” - ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi. Ông cảm thấy hiện nay về chi tiêu NS "Bộ Tài chính đang khổ sở theo kiểu giật gấu vá vai”, vấn đề quan trọng nhất phải xem lại cân đối thu - chi, giảm cho được chi thường xuyên, trong đó có cải cách hành chính hành tiết kiệm, chống lãng phí và giảm những công trình đầu tư dàn trải. Trong các giải pháp giảm chi cũng cần rà soát lại dự toán công trình, cắt giảm chi những khoản đã được kiểm toán Nhà nước kiến nghị. Theo số liệu ĐB đưa ra, năm 2014 chỉ thực hiện kiến nghị giảm chi của KTNN đạt 66% và 9 tháng đầu năm nay mới đạt 27,2%.

Chia sẻ bên lề hành lang Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – NS của Quốc hội cho biết, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội cho phép báo cáo việc này vào tháng 3/2016. Tuy nhiên, để cắt giảm chi tiêu, Ủy ban Tài chính – NS đã đề xuất đưa vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ngay ở kỳ họp này là sẽ giao cho Chính phủ thực hiện việc khoán xe công cho một số chức danh. “Hiện Chính phủ cũng đã có phương án với một số chức danh có tiêu chuẩn đưa đón bằng xe công thì sẽ khoán đưa vào lương. Cách làm này sẽ giảm chi phí, giảm biên chế hợp đồng lái xe, tính trên cơ sở chi phí với việc khoán thì sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều” - ông Hiển đánh giá.

Tăng nguồn qua thu hồi nợ, chống gian lận thuế

Theo các ĐB, giá dầu giảm nên ảnh hưởng NS, gây khó khăn cân đối các nguồn khác. Bên cạnh giảm chi, Chính phủ cần tăng cường quản lý, khai thác từ các nguồn thu, đặc biệt chống thất thu, nợ đọng thuế để bù đắp. “Hiện nay nợ đọng thuế lên tới 76.000 tỷ đồng, trong số đó một nửa có khả năng thu cần phải giải quyết triệt để” - ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) chỉ ra. Ngoài ra, theo ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (Thái Nguyên) Bộ Tài chính cần tập trung vào thanh tra chống chuyển giá, số liệu của Tổng Cục thuế mới đây cho thấy, trung bình mỗi vụ việc chuyển giá phát hiện, DN phải giảm lỗ 300 tỷ đồng và buộc truy thu nộp NS hơn 20 tỷ đồng, từ quý IV/2013 có 29 vụ việc đã hoàn thành.

Đối với chính sách thực hiện thuế VAT, nếu tính sơ bộ hàng năm Nhà nước cũng thất thu hàng chục ngàn tỷ đồng. Chính sách cho DN tự in hóa đơn còn nhiều lỗ hổng, dẫn đến tình trạng buôn bán hóa đơn, nợ đọng thuế lớn. Thành lập DN quá dễ dãi, nợ thuế bị thu hồi hóa đơn vẫn có thể thành lập DN khác. Đây là một điều nguy hiểm gây thất thu NSNN. “Luật thuế xây dựng làm sao để các thành phần kinh tế không thể lợi dụng kẽ hở gian lận, trốn thuế” - ĐB Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.