Truy xuất nguồn gốc nông sản: Doanh nghiệp, người tiêu dùng hưởng lợi

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm kiểm soát nguồn gốc xuất xứ nông sản trên địa bàn TP, ngành nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ các DN, hợp tác xã (HTX) triển khai, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản. Hoạt động này không chỉ tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý Nhà nước giám sát chất lượng mà người tiêu dùng và DN cũng đều hưởng lợi vì nguồn gốc sản phẩm được minh bạch.

Thành viên HTX bưởi Núi Bé (huyện Chương Mỹ) dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Ảnh: Ánh Ngọc
Nhiều lợi ích
Sau hơn 2 năm thực hiện Kế hoạch số 02/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về duy trì, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản trên địa bàn TP, đến nay hệ thống đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý, duy trì hệ thống quản lý cho 2.746 cơ sở là các HTX, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông sản. Đồng thời, đã cấp 7.771 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản đủ tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm lên hệ thống (tăng 543 mã sản phẩm so với cuối năm 2019). Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đã hỗ trợ 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP hoàn thiện cây quản trị trên hệ thống. Một số huyện như Chương Mỹ, Đông Anh, Mê Linh, Phúc Thọ, Ba Vì… đã chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản trên địa bàn để tích hợp trên hệ thống chung toàn TP.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, việc thực hiện phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thời gian qua đã giúp DN và người tiêu dùng cùng ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trên thị trường. Qua đánh giá từ các cơ sở, sản phẩm nông nghiệp sản xuất an toàn theo chuỗi có tem nhãn đều bán được giá cao hơn sản phẩm sản xuất truyền thống 10 - 30%. Mặt khác, hệ thống điện tử (www.hn.check.vn, check.gov.vn) ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi, từng bước nâng cao năng lực cho người dân, DN trong sản xuất, cung ứng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng. Đặc biệt, người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh truy xuất được ngày, tháng sản xuất, hạn sử dụng và nguồn gốc của các mặt hàng nên yên tâm về chất lượng.

Kiểm soát chặt an toàn thực phẩm

Tuy nhiên, quá trình vận hành, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản còn gặp không ít khó khăn. Hiện nay, do sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún nên việc gắn tem nhãn hàng hóa mới dừng lại ở mức cung cấp thông tin đơn giản, chưa cập nhật đầy đủ thông tin, chủ thể DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, số lượng sản phẩm được gắn tem còn ít so với sản lượng, chủng loại nông sản và nhu cầu thực tế của người tiêu dùng. Khó nhất là nông dân thực hiện ghi nhật ký sản xuất bằng giấy, sau đó nhập lên hệ thống. Do đó, một số hộ dân còn chưa chấp hành quy định, gây khó khăn cho HTX, DN trong quản lý thông tin.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, thực hiện chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020, cuối năm 2020 sẽ có 100% chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản thực phẩm ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR code. Để đạt mục tiêu này, Sở NN&PTNT hỗ trợ DN nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia liên kết, hợp tác trong sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản ứng dụng mã QR code trong truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

Mặt khác, Sở tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm thông qua các biện pháp gắn tem truy xuất nguồn gốc khi sản phẩm lưu thông trên thị trường. Cùng với đó, Sở hướng dẫn, phối hợp với các địa phương kiểm tra tại cơ sở về quản lý chất lượng trong sản xuất, kinh doanh nông sản. Tiếp tục thực hiện hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, kết nối cung - cầu sản phẩm của Hà Nội và các tỉnh, TP; đẩy mạnh phát triển chợ thương mại điện tử (chonhaminh.gov.vn) để quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn theo chuỗi.