Truyền cảm hứng tạo động lực cho người dân vào quá trình chuyển đổi số

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chiều 21/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Cùng dự tại điểm cầu Chính phủ có Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng - Bộ trưởng Công an Tô Lâm; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Quốc hội và địa phương.

Chủ trì tại điểm cầu TP Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải; cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành của TP.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Cấp trên 70,2 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân

Báo cáo tại hội nghị cho biết, kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” đã hoàn thành 67/77 nhiệm vụ theo lộ trình Đề án và 200/216 nhiệm vụ thuộc các chỉ thị, nghị quyết, công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Về hoàn thiện thể chế, đến nay đã hoàn thành 5/5 văn bản pháp luật theo lộ trình Đề án 06, gồm 1 Luật; 2 Nghị định, 2 Thông tư… tạo hành lang pháp lý để triển khai các nhiệm vụ quan trọng của Đề án 06.

Về thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, đã hoàn thành, cung cấp 25/25 dịch vụ công theo Đề án số 06 và 13/28 dịch vụ công theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong đó, 23/25 dịch vụ công thiết yếu đã được thực hiện toàn trình. Năm 2023, tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến tại các địa phương đạt 58,2% (cao hơn chỉ tiêu 40%); tại các bộ, ngành đạt 31,7% (chưa đạt chỉ tiêu 40%). Nhiều thủ tục hành chính có tỷ lệ người dân trực tuyến cao như: Thông báo lưu trú (97%), Đăng ký cấp biển số xe ô tô lần đầu (80,5%); Cấp hộ chiếu phổ thông (90,28%)... Việc thực hiện các dịch vụ công thiết yếu hàng năm đã tiết kiệm cho Nhà nước 2.505 tỷ đồng.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Chính phủ. 
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Chính phủ. 

Đối với phát triển kinh tế - xã hội, nhiều lĩnh vực tiếp tục tiếp tục đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, như an sinh xã hội (đã có 51/63 địa phương thực hiện chi trả qua tài khoản cho 340.177 người với số tiền hơn 674,3 tỷ đồng); lĩnh vực bảo hiểm (64% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, tăng 3% so với năm 2022); lĩnh vực y tế (có 87.9% bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế triển khai thanh toán không dùng tiền mặt); lĩnh vực Tài chính (tỷ lệ thu ngân sách nhà nước bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt 99,84%)...

Bộ Công an đã cấp trên 70,2 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân (vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao), hoàn thành cấp hơn 84,7 triệu CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện trên toàn quốc, duy trì dữ liệu dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”. Triển khai các tiện ích trên ứng dụng VnelD vượt chỉ tiêu đề ra, trong đó có những nội dung mang lại nhiều tiện ích cho người dân như: Sử dụng tài khoản VNeID đăng nhập Cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai dịch vụ công thông báo lưu trú; tích hợp thẻ căn cước công dân, thông tin cư trú của công dân; tích hợp ví điện tử lên tài khoản VneID; tích hợp dữ liệu giấy phép lái xe, thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, triển khai Sổ sức khỏe điện tử thí điểm tại thành phố Hà Nội... 

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an đã kết nối với 15 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương. Tiếp nhận trên 1,3 tỷ yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính và làm sạch dữ liệu, tiết kiệm trên 500 tỷ đồng cho các bộ, ngành, địa phương.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, phân tích, đánh giá thực chất tình hình, trung thực, khách quan, có minh chứng bằng số liệu cụ thể những kết quả đạt được trong 2 năm qua. Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo của đơn vị, địa phương mình.

Hà Nội đề xuất triển khai thí điểm xây dựng khung kiến trúc, quy chuẩn hệ thống camera giám sát

Thảo luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh một số kinh nghiệm của TP Hà Nội trong thực hiện đề án 06. Trong đó, thành phố “Thi đua nước rút 60 ngày, đêm” thực hiện nhiệm vụ tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, hoàn thiện quy trình điện tử để cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP. Đến nay cơ bản các nhiệm vụ đã được hoàn thành; chuẩn hóa quy trình điện tử của 1.893/1.893 thủ tục hành chính; hoàn thành khai báo, kiểm thử và tiếp nhận hồ sơ thanh toán trển Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 948/1.191 dịch vụ công.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu TP Hà Nội. 
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu TP Hà Nội. 

“TP đã tổ chức ban hành Nghị quyết số 07/2023/NQ-HĐND với mức thu phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến bằng “0” kể từ khi Nghị quyết được ban hành đến hết năm 2025. Dự kiến ngân sách không thu khoảng 37 tỷ/năm khi thực hiện” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.

Thời gian tới, TP Hà Nội cũng tập trung duy trì 21 nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung, sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu khi cần. Đồng thời tập trung hoàn thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phục vụ chia sẻ, kết nối và khai thác sử dụng.

TP cũng thực hiện 28 "mô hình điểm" trên địa bàn để triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 phục vụ 5 nhóm tiện ích; Thí điểm việc quản lý Hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố, từ đó thực hiện đánh giá kết quả thí điểm, báo cáo Chính phủ để nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của Đề án đến mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô, truyền cảm hứng tạo động lực cho người dân vào quá trình chuyển đổi số.

Về kiến nghị, đề xuất, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải kiến nghị, cho phép UBND TP được thí điểm phương án xác định đơn giá, định mức cho nội dung thuê dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận, hướng dẫn, số hóa, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa trên địa bàn cũng như các cơ chế đặc thù cần thiết. Cho phép UBND TP triển khai thí điểm việc xây dựng khung kiến trúc, tiêu chuẩn, quy chuẩn hệ thống camera giám sát trên địa bàn TP Hà Nội.

TP Hà Nội cũng đề nghị các Bộ, ngành sớm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, các trường thông tin dữ liệu chuẩn hóa trong cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đặc biệt có tiêu chí trường thông tin dữ liệu để làm cơ sở xác định cho nhiệm vụ số hóa dữ liệu là kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực theo quy định.