Truyền hình thực tế Khai phá “lãnh địa” thời trang

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thế chân chương trình "Chúng tôi là chiến sĩ" (lúc 20 giờ trên VTV3) từ 19/10 là "Ngôi sao thiết kế Việt Nam 2013". Có vẻ như khi sân chơi âm nhạc đã bắt đầu nhàm và "loãng", các show truyền hình thực tế đang chuyển hướng sang lĩnh vực thời trang.

Chuyển hướng

 

Chen chân giữa các show truyền hình thực tế về âm nhạc mấy năm trước, chỉ có duy nhất "Vietnam,s next top model" - chương trình tìm kiếm siêu mẫu thời trang Việt Nam. Nhưng sang đến năm 2013, khi người xem đã "bội thực" đến độ không nhớ hết tên các show truyền hình ca nhạc, thì lại thấy sự "ra quân" của các show thời trang. Hồi tháng 4 là "Project Runway Vietnam - Nhà thiết kế thời trang Việt Nam" và giờ là "Fashion star - Ngôi sao thiết kế Việt Nam". 

 
Chương trình Project runway Vietnam 1.
Chương trình Project runway Vietnam 1.
 

Điều đáng nói, cùng một mục đích tìm kiếm và tạo cơ hội cho các tài năng, nhưng góc mà các show thời trang hướng tới không chỉ là giới chân dài. "Project Runway" và "Fashion star" không đi theo con đường của "Vietnam,s next top model", mà chuyển hướng sang góc của các nhà thiết kế với các mẫu trang phục mang tính ứng dụng cao - một sự hướng đến công chúng và nhu cầu cuộc sống đương đại. "Project Runway" chú trọng tính sáng tạo không giới hạn của các nhà thiết kế chuyên nghiệp, còn "Fashion star" lại chú trọng nhiều hơn đến khả năng ứng dụng của sáng tạo. Điển hình là trên sân chơi "Fashion star", các mẫu thiết kế của thí sinh được đấu giá ngay trên sân khấu dưới sự điều hành của 3 nhà đầu tư là đại diện của 3 thương hiệu thời trang uy tín. Ngay sau khi phát sóng, các bộ sưu tập được đánh giá cao sẽ được sản xuất ra thị trường, người xem vì thế cũng có cơ hội để mua những bộ trang phục mà họ yêu thích.

 

Hướng ngoại?

 

Cũng như hầu hết các chương trình truyền hình thực tế khác, các show thời trang đều được mua bản quyền từ các chương trình "ăn khách" trên thế giới và mời những tên tuổi "hot" vào vị trí "ghế nóng" của Ban giám khảo. "Project Runway" phát sóng lần đầu ở Mỹ năm 2004, sau lan rộng tới các quốc gia có ngành công nghiệp thời trang phát triển như Anh, Australia, Nga, Hàn Quốc, Philippines, Phần Lan, Brazil… Khi lên sóng VTV, chương trình đã được điểm danh ở hơn 100 quốc gia trên thế giới và vẫn đầy sức "nóng" trong giới thiết kế thời trang chuyên nghiệp. "Fashion star" cũng đình đám không kém nhờ tính ứng dụng và đòi hỏi chuyên môn sáng tạo.

 

Mỗi phiên bản một fomat với những "chiêu" hấp dẫn khán giả riêng, song chương trình nào cũng phải cậy nhờ đến những tên tuổi đang "hot" của làng thời trang trong nước. Thậm chí, nhà tổ chức còn đang lao vào cuộc chạy đua mời các tên tuổi ngoại vào thành phần Ban giám khảo để tôn lên "sức nặng" của chương trình. Nếu như giám khảo của "Vietnam,s next top model" chỉ là những siêu mẫu tên tuổi trong nước, thì đến "Project Runway" đã có mặt nhà thiết kế gốc Việt từng giành ngôi vị Quán quân "Project Runway" Mỹ năm 2005 Chloe Đào bên cạnh người mẫu Ngô Thanh Vân, nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường, Tùng Leo trong vai trò cố vấn thiết kế thời trang. Yếu tố ngoại còn được chú trọng hơn trong "Fashion star" với nhà thiết kế nổi tiếng người Pháp Francine Pairon cùng với 2 tên tuổi được đánh giá là chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế thời trang trong nước là Minh Hạnh và Công Trí. Sự hướng ngoại này là cần thiết để tăng tính hấp dẫn của các show truyền hình, đưa thời trang Việt tới gần hơn với xu hướng thời trang thế giới, đồng thời mở ra cơ hội hội nhập cho thời trang Việt. Nhưng như nhiều người nói, nếu không thận trọng và có giới hạn, sẽ vô tình làm mất đi bản sắc Việt của các fomat chương trình đã được Việt hóa.

 

"Fashion star" đã hết thời hạn chiêu mộ thí sinh, đang gấp rút hoàn thiện các show truyền hình cho kịp ngày lên sóng. Chưa biết sức hấp dẫn thực đến đâu, song ít nhiều công chúng đã thấy sự chuyển mình của các chương trình truyền hình thực tế sang góc thời trang thay cho những sân chơi ca nhạc na ná nhau đến độ tẻ nhạt.