Phòng ông không phải là ngoại lệ. Cô Thương - hội trưởng hội phụ nữ phường mê ông tôi biết. Cô Thương chỉ còn một chân, nghe đâu chiếc kia đã để lại trong rừng tràm U Minh Hạ.
Lỡ thì nhưng cô còn nhuận sắc lắm. Ngày ở bưng hai người có quen nhau, nhưng cũng chỉ là quen biết vậy thôi. Hết chiến tranh còn được gặp nhau, họ mến nhau là lẽ thường tình. Nhiều ngày nghỉ cô Thương lên chơi cả buổi, có khi còn ngoáy nạng đi giặt đồ cho ông Tuỳnh.
Minh họa: An Chi |
Hạnh - bạn gái Len đến chơi bồng theo đứa con trai bụ bẫm bắt đầu tập nói bi bô. Len bồng nó riết cứng vào ngực mình. Không biết ai chỉ cho, đứa bé hôn tình cảm vào môi Len, Len cười mà hình như trong mắt có nước. Hạnh vô tình:
- Len còn nhớ đã hứa gì với mình không? Đừng nuốt lời đấy nhé! - Len ngậm ngùi:
- Chỉ sợ con cậu không chờ được con mình.
- Thì cũng đẻ được rồi còn gì, đã bốn năm.
- Ừ, cũng muốn vậy, nhưng còn bao nhiêu thứ. Anh Phong vẫn đi luôn.
- Biết chờ đến bao giờ? Thời bình mà cứ như...
- Biết làm sao được.
Tôi ngồi nghe như người thừa. Thấy họ bàn đến chuyện gia đình, bỗng muốn về thăm Sim hết biết.
Sim trố mắt nhìn tôi như một vật thể lạ. Mới tối hôm qua còn nỉ non: “Tiêu chuẩn phép năm nay của anh đã hết. Nhớ em nhưng chắc qua Tết anh mới về được”. Qua phút ngỡ ngàng, Sim làm mặt giận: “Nỏ nhởi với anh nữa! Rứa mà lừa em".
"Nỏ phải lừa, nhớ quá không chịu được, anh chỉ về có một ngày rồi đi liền, đừng giận nữa, tranh thủ đi". Tôi cầm tay Sim, hai đứa líu ríu chạy lên đồi. Sau nụ hôn dài tưởng như bất tận, quanh quẩn rồi Sim cũng kể chuyện nhà. Chị Thu - chị của Sim và là bạn thời phổ thông với tôi - giờ khổ lắm, lấy phải người chồng vũ phu, bị đánh tối ngày nhưng cũng đành cắn răng mà chịu.
Bởi trước đây Thu đã có một mối tình thời phổ thông và họ đã dám sống hết mình cho mối tình đầu. Thương chị Sim khóc, tôi không biết an ủi gì, chỉ ôm em vào lòng, người em nóng dần trong vòng tay tôi. Sim hổn hển: “Em nỏ tiếc mô”. Tôi nghe như thoang thoảng giọng Len: “Anh Phong vẫn đi luôn”. Rồi lại nhớ câu nói của Sim: “Chị ấy nói đó là cái giá phải trả khi đã dám sống hết mình với mối tình đầu”.
Tôi nhắm mắt lại ém cảm xúc xuống tận đáy lòng rồi đẩy Sim ra và cài lại áo cho em. Ngạc nhiên đến sững sờ, Sim ôm mặt khóc tấm tức: “Anh không thích em răng...?”. “Đừng hỏi anh, anh sợ sự bất trắc...”. “Không có sự bất trắc mô cả, em chịu được hết, em chờ...”.
Tôi riết em vào người tưởng chừng như nghẹt thở. Không đơn giản vậy đâu Sim ơi, còn bao nhiêu điều trong cuộc sống mà chỉ tình yêu thôi chưa đủ, chưa thể vượt qua. Anh yêu em nhiều lắm, yêu em hơn bao giờ hết, nhưng sẽ là độc ác khi bắt em phải đợi chờ. Đời thì dài mà tuổi xuân quá ngắn, biết đợi chờ đến khi nào hả em.
Và tự bao giờ nước mắt tôi cũng sẻn ra hai dòng thấm nóng. Không dám bàn đến chuyện tương lai của hai đứa, bởi trước mặt chúng tôi mọi con đường dẫn em đến với tôi đều đang mù mịt. Chúng tôi ngồi bên nhau cho đến khi phía Đông ửng hồng báo hiệu một bình minh. Chia tay, tôi nhảy vội lên một chiếc xe tốc hành, lẫn trong gió bụi vẫn thấy Sim đứng bên đường trông theo.
Mấy tháng sau có chuyện thầm thì về ông Tuỳnh. Bán tính bán nghi, tôi hỏi Len:
- Chuyện đó có thật không bà?
- Làm sao tui biết được, lâu rồi có thấy bà Thương lên đâu.
- Không chỗ này thì chỗ khác, năm phút chứ mấy. Nếu có tôi ủng hộ ông Tuỳnh.
- Rành dữ. Đúng là đàn ông luôn biết trước mọi điều.
Tôi ngắc ngứ không nói được điều gì. Len không bình luận gì thêm.
Tôi ở lại khu độc thân thêm một năm nữa, sau đó chuyển xuống đơn vị huấn luyện chiến sỹ mới. Chồng Len sau thời gian dài làm trinh sát, được chuyển về phòng làm trợ lý. Mấy tháng sau gặp lại, thấy Len xõa tóc như thời con gái, bụng đã phưỡn lên, đi qua tôi Len còn nghếch mặt lên như người chiến thắng.
Biết tôi vẫn chưa lập gia đình, Len đùa: “Hay chờ làm... con rể mình vậy!”. “Tầm bậy, hay đợi đấy, tới đây tôi cho vợ đẻ toàn con trai quậy con bà chơi”.
Bẵng đi một thời gian dài tôi không có điều kiện trở lại khu độc thân. Đến một chiều Chủ nhật, chú lính quân bưu chuyển lời nhắn của Len: “Vợ chồng chú Tuỳnh mời xuống nhà chơi”. Chẳng còn biết mô tê gì cả, sao lại vợ chồng chú Tuỳnh? Thắc mắc cành hông tôi mượn xe phóng xuống nhà Len.
Ngoằn ngoèo một lúc, gửi xe, bò qua hai cầu khỉ. Tôi và Len mới đến trước ngôi nhà nhỏ lợp tôn, quây quanh vách bằng lá dừa nước. Ông Tuỳnh đang lụi hụi phía sau, nghe tiếng chó sủa óc ách vội chạy ra, thấy tôi và Len ông đứng sững một lúc rồi khóc (Nữa! Người già sao hay khóc vậy không biết). Vừa quệt nước mắt ông vừa rối rít: “Vào đây, vào đây. Mái xề ơi! Hùng, Len nó đến này”. Cô Thương cõng thằng nhỏ về, trông nó cứ vuông chằn chặn giống y ông Tuỳnh.
Cơm gần dọn ra thấy Len cứ đi ra đi vào, chẳng biết có chuyện gì tôi không tiện hỏi. Khi trời gần nhá nhem tối thì Phong lù lù xuất hiện. Tôi à lên một tiếng vỡ lẽ. Hóa ra là họ có hẹn nhau. Vừa trút giày ngồi vào chiếu, Phong phân bua: “Em mắc trực, về mở lồng bàn thấy tờ giấy: Em và con ở nhà chú Tuỳnh, anh trực xong xuống luôn nhé. Thế là đành ém bụng xuống đây.
“Chú Tuỳnh cười khì khì khệ nệ bưng ra hũ rượu ngân tắc kè, nước xanh lè. Cô Thương khó nhọc đứng dậy vào nhà trong lấy ra chai rượu trắng đưa cho tôi: “Cháu uống rượu này thôi, mặc kệ chú Phong và ông ấy”. Len lại đỏ mặt và tủm tỉm cười, nụ cười sao giống Sim đến lạ. Không biết có mối quan hệ gì mà Len và Sim có thật nhiều điểm giống nhau.
Nhìn Len tôi thấy nhớ Sim cồn cào. Chẳng lẽ lại về đột xuất một lần nữa. Mà về cũng có để làm gì đâu, đâm khó xử. Mấy lần Sim và gia đình giữ ý không nói chứ kỳ thực tôi biết, không thể kéo dài sự chờ đợi của Sim thêm được nữa. Nhìn cảnh sum họp tôi không thể vui, mồi ngon nhưng chỉ gắp cầm chừng mấy miếng bạc hà nổi trong bát canh chua.
Ông Tuỳnh nhắp rượu tắc kè rồi lại dùng tay nhón giá sống nhai rau ráu. Len liên tục nhúng hành tái gắp cho chồng. Cô Thương tẻ khúc cá dồ đưa vào bát tôi, mỡ cá vàng hươm, thơm nhức mũi.
Nửa buổi ăn, nhìn ông Tuỳnh ngồi bệt xoay trở với cái bụng phệ thật thương. Tôi nghĩ, nếu bây giờ mà báo động diễn tập không biết ông chạy hay vần. Xoay trở hết tư thế, ông chộp lấy chân cô Thương kéo vào làm ghế ngồi. Tôi bụm miệng không dám cười. Khi rượu đã ngà ngà, không ai khảo, tự dưng ông Tuỳnh khai:
- Tại bả! Cưa mãi không đổ mình, bả nghĩ ra chuyến về thăm chiến trường xưa, bả cũng quân hàm, quân hiệu y như thời ở bưng.
- Thế là chú đổ?
- Chưa, tối đó còn bày đặt mắc võng gần nhau ôn chuyện xưa. Mẹ họ! Ai mà chịu được!
Len đỏ mặt đấm thùm thụp vào lưng chồng cười nắc nẻ:
- Trách gì cháu thấy thằng cu nó đi cứ... lắc lư như người trên... võng.
Len lại đáo để, mọi người cười ngả nghiêng. Ông Tuỳnh ép tôi uống một ly rượu tắc kè với ông, không nỡ từ chối, tôi nốc cạn, nghe hơi nóng chạy rần rật trong người. Tôi hỏi cô Thương một câu lạc lõng:
- Cô còn làm ở phường không ạ?
- Cô mất hết, được thằng này với ông ấy là quá lời rồi.
Ông Tuỳnh lại cười khơ khớ, tóc thì bạc mà trông ông thật trẻ trung. Đột nhiên Len vỗ lưng chồng đánh bộp một cái làm mọi người đều giật mình:
- Anh không nhắc em quên, lữ pháo vừa thành lập thêm tiểu đoàn, đang xin tăng cường cấp dưỡng. Phong vặc yêu:
- Lãng nhách, để chi vậy?
- Sim tốt nghiệp đại học ngành gì?
- Sư phạm Văn!
- Hùng điện hỏi có chịu làm cấp dưỡng không. Bàn chịu đại đi, tính sau.
Ông Tuỳnh nâng ly rượu cao ngang mày uống ực một cái rồi chúc ngược ly xuống:
- Rồi! Xong! Có lối thoát, cứ đưa vào. Đó, mảnh xeo xéo đó - ông chỉ ra miếng đất bên góc vườn - Dựng nhà mà ở, thoải mái chán. Nào zdô một trăm phần trăm nè, rượu tắc kè nè. Tắc kè muôn năm nè.
Ông Tuỳnh say ngả nghiêng, dùng đôi đũa gõ vào chân cô Thương kêu bong bong rồi hát: “...Mãi mãi lòng chúng ta, ca bài ca người lính... mãi mãi lòng chúng ta, hát mãi khúc quân hành ca”. Gần đến chín giờ đêm thì ông Tuỳnh say thực sự. Ông lảm nhảm: “Đời có thằng thù thế mà hay... Đời có thằng lắm chuyện thế mà hay...”.
Rồi ông ngã lăn kềnh đè cả lên chiếc chân gỗ của cô Thương, buộc cô phải vén ống quần lên tháo chiếc chân ra. Vừa tháo cô vừa nói: “Tội ổng lắm, hưu rồi, gặp lại bạn cũ cứ như con nít”.
Khuya, hai đứa nhỏ đã lên giường ngủ từ lúc nào. Đúng là con lính, cứ cung cúc tự giác.
Chúng tôi xin phép cô Thương ra về. Ra khỏi ngõ, tôi hỏi Len:
- Thế vợ con ông ấy ngoài đó? Chả lẽ đen đầu thì bỏ, đỏ đầu thì theo?
- Ông Tuỳnh bất hạnh hơn bọn mình tưởng, cả hai đứa ngoài đó đều không phải con ông.
- Thế sao trước đây... Ông vẫn gửi lương về thường xuyên cơ mà.
- Bây giờ vẫn gửi, mồng mười hàng tháng vẫn đều đều. Ông ấy tha thứ được cho vợ hai lần, nhưng vợ thì không tha thứ được cho ông một lần, dù một lần ngoài ý muốn.
- Nhưng sao bà ấy biết?
- Lãng nhách, cậu tưởng ai cũng tốt cả sao. Một năm thiếu gì người về ngoài đó.
- Như vậy hóa hay, trông ông Tuỳnh trẻ hẳn.
Đế đến nơi gửi xe hồi chiều, Phong chở vợ con về, tôi ghé vào bưu điện làm một cuộc gọi đường dài cho Sim.