Sau tám lứa ấp nở, mình có hơn bốn chục đứa con lớn bé cả thảy, nhưng đứa bị bẫy, đứa bị bắn, đứa lang bạt nơi nào, chẳng biết nữa, giờ chỉ mười đứa theo mình. Hẳn là có đứa đã có đôi có cặp, đẻ trứng rồi ấp nở. Như thế mình là cò bà rồi đấy. Một cò bà vẫn bay lả bay la yêu đời.
Đời con cò vất vả. Người ta vẫn ví những người phụ nữ tảo tần, vất vả trên cánh đồng như cò như vạc, dù Đông rét hay Xuân ấm. Loài cò vạc của mình là biểu tượng của cần mẫn, vất vả. Thế mà loài mình vẫn bị săn đuổi, bắt thịt, không thương tiếc. Con người có đủ cách để bẫy, bắt, bắn cò. Mình từng bị đạn bắn xuyên qua cánh, tứa máu, mất mấy ngày không bay lên được. Có lần đậu nhầm vào bẫy, suýt nữa thì mất mạng. Giờ mình đi đâu cũng có thêm một giác quan. Nó giúp mình thận trọng để tránh xa cạm bẫy, lừa gạt. Nhưng đồng loại của mình thì nhiều chẳng phải ai cũng biết điều đó. Họ vẫn ngờ nghệch cả tin trước chim mồi.
Người ta có nhiều cách bẫy. Khi thì dùng lưới, lúc làm cò giả bằng xốp đặt cạnh những con cò thật bị khâu mắt, đặt ở ngoài bãi, cánh đồng, đầm nước để dụ đàn cò thật xuống tìm mồi. Chiếc bẫy họ dùng để bắt cò được làm bằng sắt, có sức mạnh ghê gớm. Cò đậu vào sẽ bị kẹp gãy chân, không bay đi đâu được. Họ còn dùng cách dán keo lên thanh tre, cắm theo mật độ thích hợp xen giữa các con cò giả. Nó như lớp chông tàng hình tua tủa dựng đứng. Khi lũ cò bay trên trời thấy có nhiều "bạn" ở dưới mà chao xuống nhập đàn thì đôi cánh sẽ dính ngay vào lớp keo dẻo quẹo. Chờ thế con người đến túm thả vào lồng, mang đi. Có lần mình bay theo một gã săn. Thành quả của gã là đầy hai lồng cò vạc. Tất cả ngơ ngác đau đớn không biết vận mệnh mình sẽ ra sao. Gã mang đến nhà hàng. Vậy là chết thật rồi. Bám theo, đậu trên ngọn cây gần đó quan sát, mình thấy la liệt cò vạc bị giết thịt, chờ chế biến thành các món phục vụ “thượng đế”. Phía trong nhiều lồng cò được xếp gọn một chỗ.
Đau lòng không dám nhìn, mình bay về tổ, tim vẫn không ngừng đập quặn thắt. Bình tĩnh lại, mình dặn mấy đứa con:
- Các con đi kiếm mồi cẩn thận. Bẫy đặt khắp nơi. Hãy quan sát kỹ lưỡng nhé rồi hẵng sà xuống. Vừa dùng khả năng quan sát, vừa dùng cảm giác nữa.
Con Chíp hỏi:
- Như hôm nọ mẹ con mình nhìn thấy cả “trận địa” bẫy cò giả đúng không mẹ? Cò xốp làm bẫy thì vô hồn, không cử động được.
- Con nói đúng. Nhưng họ dùng cò thật, với chiêu khâu mắt lại, đứng ngơ ngác ở bờ ruộng, các con sẽ vẫn mắc lừa.
Con Xép thắc mắc:
- Vậy thì chúng con phải làm sao?
- Bằng nhiều giác quan con ạ. Các con hãy chịu khó theo và quan sát mẹ. Sơ sểnh là bị tóm đấy, sẽ chỉ có đường chết thôi.
Đàn con xin vâng, rất ngoan. Dẫu thế mình vẫn cảm giác lúc nào chúng cũng có thể gặp nguy hiểm. Bởi các con của mình còn quá non nớt. Mà người mẹ lúc nào chả rộn rạo thương con.
***
Mình và đàn con nhập đàn từ trên cao mây xanh. Hôm nay đàn lớn sẽ di chuyển về đồng Tuất kiếm mồi. Trời đẹp và cánh cò trắng. Làn mây vời vợi bình yên. Tất cả gợi cho mình cảm giác như cả bọn sẽ tạo nên một lễ hội kiếm mồi vào ngày xuân ấm đẹp trời này. Kìa, đồng Tuất kia rồi. Hoa dại đùa trong gió ấm. Đàn trâu đang bình lặng gặm cỏ. Chim cò vẫn coi trâu bò là loài lành hiền, nên vẫn thường đậu cả trên lưng trâu mà ngắm cảnh. Đó là một sự cộng sinh đẹp tuyệt và cho mỗi người cảm giác bình yên. Rập rờn. Nhè nhẹ. Cả đàn quan sát đàn trâu từ trên cao. Lưng trâu đen óng. Bụng trâu no nê. Đàn con thốt lên: “Mẹ ơi, tuyệt quá!”. Một đứa nói: “Chúng ta xuống đó thôi”. Mình vui sướng gật đầu. Cả đàn cò bắt đầu hạ cánh xuống cánh đồng Tuất, xuống lưng những con trâu to bè.
Rào rào. Úi úi. Chao ơi! Mắc lừa rồi. Dính lưới rồi. Những màn lưới cước bé nhỏ tàng hình trong không khí khiến không ai có thể nhận ra. Bọn trẻ nô đùa thích thú lao xuống liệng trước rồi vướng vào lưới, chân mắc vào mắt lưới và chới với. Càng chới với thì càng giãy giụa và lưới càng rối, không thể nào thoát thân được. Ba đứa con của mình dính lưới và hàng chục con cò khác đang bất lực treo mình trên những màn lưới. Mình bảo những đứa con còn lại theo đàn chưa mắc lưới hãy trốn đi, vào vạt đồi ở phía nam mà ẩn nấp. Mình xót xa lượn lên, rồi lượn xuống đỗ lên lưng con trâu. Mình cần phải tìm ra cách gì đó cứu ba đứa con. Không có cách nào. Mình xòe cánh, vừa nhấc mình ra khỏi lưng trâu thì một tiếng “vù” rất nhẹ xộc tới. Ngay tức khắc, lưới trùm lên mình. Mình cố vẫy cánh để thoát thân, nhưng chỉ trong nháy mắt đã bị đập xuống đất. Người ta xô đến, chộp lấy những con cò tội nghiệp kém may mắn. Bọn mình bị gỡ khỏi lưới rồi ném vào lồng sắt. Mình và ba đứa con giờ chung một lồng.
Cả bọn vô cùng lo lắng. Mấy đứa con hỏi mình, mẹ ơi sao trời đẹp, cảnh đẹp và bọn trâu gặm cỏ bình yên thế, mà lưới vẫn bao vây? Có phải đó là cảnh giả không mẹ?
Mình không biết trả lời mấy đứa con thế nào. Trời ơi! Chỉ còn nước đi hỏi mùa Xuân thôi. Vì sao cảnh trâu gặm cỏ thật đó, tiết trời ấm áp cũng thật đó lại khiến chúng mình mắc lừa? Mình nói với mấy đứa: “Tất cả là thật. Dã tâm của người ta cũng thật nốt”.
Bọn mình bị đưa vào nhà hàng. Một nhà hàng khác nhà hàng hôm trước mình đến theo dõi. Chỗ này nhộn nhạo, lớn hơn.
Lồng cò bị xếp vào một góc. Lúc bọn mình vừa được đưa đến đây, thì ở lồng bên kia, người ta vừa tóm một chục con cò mang đi hành quyết. Mắt những con cò rơm rớm, mặt mũi nhợt nhạt khổ đau. Mình lo cho bầy đàn của mình.
***
Chủ quán là người đàn ông ục ịch béo. Ông ta có con trai yêu bầu trời. Người yêu của chàng trai là cô gái đặc biệt nhạy cảm với tiết trời và dị ứng với những hành động tàn sát chim trời. Mình thấy cô cậu ấy nói chuyện với nhau. Cô gái bảo: “Con người chúng ta đừng nên ăn thịt chim cò”. Chàng trai nói: “Anh cũng nói chuyện với bố anh nhiều lần rồi. Nhưng bố anh bảo đây chỉ là chuyện kinh doanh. Mình không thịt cò thì người khác vẫn thịt. Cò vẫn bị bắt. Nói chung là… có lúc anh với bố gần như cãi nhau”. Cô gái ôn tồn: “Chúng ta học đại học sắp ra trường. Không chỉ vì em học về ngành môi trường mà em nghĩ nhiều đến chim cò đâu, nhưng em thực sự thấy rợn người khi thấy người ta vặt lông chim cò bán ngoài chợ. Rồi đến quán nhà anh, thấy những lồng chim trời bị nhốt, chờ làm thịt”. Chàng trai từ tốn: “Anh cũng nói với bố về những cơn ác mộng mà anh thấy. Những thảm họa thiên nhiên, những con cò kêu cứu bằng tiếng người. Rồi các đám cháy, sự tiệt chủng… Bố không nghe anh. Bố vẫn muốn làm việc mình thích”.
Vợ chủ quán là người đau ốm liên miên. Chị đồng ý kinh doanh nhà hàng nhưng không thích có món chim trời. Chị thấy ghê ghê làm sao ý. Nhưng chị không đủ sức để thuyết phục chồng thay đổi. Chị bị cuốn đi với việc tìm thầy tìm thuốc. Hai hôm nay khách vắng, chị nói với chồng: “Mình không cần mua chim cò của người ta nữa. Chẳng cần món đó nhà ta vẫn sống. Con trai và cả con dâu tương lai đều học về môi trường, thuyết phục anh mà anh không nghe”. Người chồng bực bõ quát: “Không có món đặc sản đó thì liệu có khách không? Nghe theo mẹ con em có mà ăn cám!”.
Vì vắng khách nên lồng cò mẹ con mình chưa bị giết thịt. Mình thấy vợ chủ quán tập tễnh đi ra đi vào. Hình như chân chị bị co rút. Nhìn chị xanh xao yếu. Cậu chủ hoạt bát hơn. Từ hôm qua tới giờ rất hay ra chỗ lồng nhốt cò nhìn với ánh mắt xót xa.
Hôm sau, lúc chưa có khách, chàng trai con chủ quán đứng bên cạnh lồng cồ suy nghĩ gì đó đăm chiêu lắm. Rồi mình thấy chàng thầm thì: “Mẹ lại ốm, chẳng hiểu có phải vì nhà mình sát sinh nhiều cò vạc không nữa. Mình sẽ phóng sinh cho lồng cò này”.
Dứt câu nói, chàng trai kéo lồng ra, đặt xuống sân. Chàng kéo chốt khóa rồi thận trọng để từng chú cò chui ra. Mình bất ngờ trước hành động của chàng trai. Phải thế chứ. Hãy hành động quyết liệt hơn. Mình chui ra cuối cùng và thầm cảm ơn chàng trai. Sau khi nhìn sâu vào đôi mắt chàng, mình thấy ông chủ quán đứng phía trong nhìn con trai. Hẳn là ông đã biết ngay từ đầu, nhưng đã không ngăn cản con trai tha cho đàn cò.
Mình sải cánh, lao vào không trung. Đàn cò chao liệng ở phía mây xanh đợi mình. Mình nhập đàn trong niềm vui vô bờ. Không có con cò nào bị thương nặng. Chỉ đơn thuần là đau nhức mỏi cánh. Phải sống tiếp thôi. Mình trân trọng ơn cứu mạng của chàng trai, dù chẳng biết ngày sau có còn may mắn như thế. Ba ngày bị bắt nhốt, mình thấm thía nỗi đau khổ khi bị giam cầm và lo lắng mỗi khi ông chủ quán tiến về phía lồng. Không biết con nào sẽ bị tóm cổ, nhúng nước sôi. Giờ thì cả đàn bay đây. Nắng ấm đang nhảy nhót trên đồng xanh, trên những tán cây. Thì Xuân ơi Xuân, có phải loài cò gặp nạn mà không chết trong mùa Xuân, thì sẽ được thiên nhiên cao xanh phù hộ? Mình nghe tiếng ca của gió dẫn đàn cò vào một miền êm ái xanh màu hy vọng.