Truyện ngắn "Đỏ trời hoa gạo"

Nhà văn Bùi Ngọc Phúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoa gạo vẫn nở đỏ rực cả ngõ, nhưng chủ nhân mới của ngôi nhà đó chính là hai mẹ con bà Miện. Khi được hỏi về lão Bình, bà Miện chỉ giải thích ngắn gọn với con gái: "Ông ấy đi tìm kiếm sự an yên trong tâm hồn của mình".

 

Chuyến xe khách từ Thanh Hóa về Hà Nội đúng khi trời xẩm tối, lão Bình lếch thếch đi bộ từ bến xe Kim Liên về nhà. Vừa đi lão gặm chiếc bánh mỳ mua lúc xuống xe, khi lão móc túi lấy tiền trả cho con bé bán bánh mỳ, có hai thằng lượn lờ ngay trước mặt. Nhìn thằng nhãi ranh phì phèo điếu thuốc tay cầm chiếc mũ cối đang tăm tia, lão khẽ nhếch mép nói:

- Bố mày vừa ở tù ra, có đếch gì mà định mõi, hay muốn xin tí tiết.

Biết gặp phải bậc tiền bối, hai thằng lưu manh vội lảng ngay ra đón chiếc xe khách mới về bến. Căn nhà nhỏ sau ga Trần Qu‎í Cáp là nơi gia đình lão Bình sinh sống, nói đúng hơn nó chỉ là nơi chui ra chui vào. Ngôi nhà rộng 12 mét vuông gồm cả bếp, sau này có làm thêm gác xép khi thằng cháu trai lấy vợ. Khi thấy lão Bình lù lù xuất hiện ngay cửa ra vào, cả gia đình người anh trai đều sững sờ. Về nhà đúng lúc bữa tối vừa dọn nên thằng cháu phải đi lấy thêm một chiếc bát cùng đôi đũa. Ngước lên bàn thờ, di ảnh mẹ lão đang nhìn xuống với nhiều nỗi muộn phiền. Trước khi ăn cơm, lão lặng lẽ thắp nén nhang cho mẹ mình với tâm trạng nặng trĩu. Đứng bên cạnh, anh trai lão nói nhỏ:

- Chú thụ án được hơn một năm thì mẹ mất, thôi ngồi ăn cơm cùng mọi người .

Chai rượu được đưa ra, lão và anh trai mình ăn ít nhưng uống nhiều. Ngày lão đi tù, thằng cháu trai vẫn bé, hôm nay nó đã có vợ và một đứa con trai bụ bẫm. Trong bữa ăn, đứa cháu dâu vô tư vạch áo cho con bú. Ngồi tù lâu ngay không có gần gũi đàn bà, giờ gặp cảnh khó xử khiến lão phải nhìn đi chỗ khác, nhằm chế ngự cơn thèm khát vô lối, lão đã nốc gần cạn chai rượu. Đêm hôm đó nằm ngủ dưới nền nhà ngay gần cửa, trên gác xép là vợ chồng đứa cháu, chiếc giường duy nhất dành cho anh trai và chị dâu lão. Sáng hôm sau lão dậy sớm ra quán nước chè đầu ngõ bắn thuốc lào và ngồi cho thoáng. Sau khi làm thủ tục trình diện và khai báo, cả ngày hôm đó lão Bình đi lang thang tìm gặp những chiến hữu xưa ở ga Hàng Cỏ. Chiều muộn vừa về đến đầu ngõ, lão Bình thấy anh trai mình ngồi hàng nước đợi mình. Khi lão Bình uống hết hai chai bia Vạn Lực và ăn gần chục chiếc nem chua Thanh Hóa, người anh trai phần trần; Không cần nói chắc chú cũng biết, ngôi nhà của cha mẹ để lại hiện giờ có ba thế hệ chung sống, quả thật anh nhiều lúc thấy vô cùng bí bách, hết ra đụng lại vào chạm, rồi vô số thứ khó xử khác. Bây giờ chú trở về khiến anh chị phải tính, nhà đó tuy bé nhưng chú cũng có phần. Thấy lão có vẻ hiểu ra câu chuyện, anh trai móc trong túi quần chiếc mùi xoa, khi mở ra có một chiếc nhẫn vàng và một sợi dây chuyền khá to. Người anh trai giải thích:

- Chiếc nhẫn hai đồng cân vàng là của anh chị dành dụm mãi mới được, sợi dây chuyền năm đồng cân là của hồi môn của đứa con dâu. Trưa nay nhà anh đã họp gia đình, mọi người cố hết sức chỉ gom được từng này, thôi chú cầm để mua cho mình một chỗ ở riêng cho thoải mái.

Ngửa cổ tu nốt chỗ bia còn sót lại dưới đáy chai, lão Bình về nhà lấy chiếc ba lô rồi đi khỏi nơi đó. Đến tận bây giờ, lão chưa một lần quay lại ngôi nhà một thời đã sinh ra và lớn lên với bao kỉ niệm.

Cầm trên tay 7 chỉ vàng, lão Bình được người bạn tù rủ xuống Hải Phòng để vượt biên, nhưng muốn lên được tàu cá để ra ngoài phao số không, mỗi người phải nộp hai cây vàng cho chủ tàu. Biết mình không thể kiếm đủ số vàng như yêu cầu, lão Bình liền quay về Hà Nội. Sau này lão được biết, con tàu chở gã bạn tù cùng ba mươi người khác đã nằm lại dưới lòng đại dương. Được người quen giới thiệu, lão mua được căn nhà cấp bốn ở Nghĩa Đô. Thật ra nó chỉ là chiếc chòi lợp giấy dầu lại nằm cuối ngõ nhỏ, ngay trước cửa nhà có cây gạo cổ thụ. Chính vì quan niệm “thần cây đa ma cây gạo”, nên chủ nhà rao mãi không ai mua. Sau khi mua được nhà lão Bình hành nghề đạp xích lô, khi ế khách lão lại đi nhặt gạch cũ chở về. Kì cạch như vậy mất vài năm, cuối cùng lão cũng tự xây lại căn nhà đó và lợp ngói cũ xin được, dù sao nhìn nó cũng bắt đầu giống nhà hơn trước. Trong những lần chở khách buôn chuyến, lão đã nên duyên với mụ Nguyệt. Vợ lão là người đàn bà sắc sảo có một đời chồng, dù về ở với lão nhưng mụ rất máu mê cờ bạc, tiếng là buôn đường dài kiếm được rất nhiều tiền, tất cả đều bị mụ nướng hết sạch vào những lần chơi xóc đĩa. Những trận đòn thừa sống thiếu chết mà lão trút lên mụ vợ, vẫn không khiến thị bỏ được máu đỏ đen ngấm sâu vào máu.

Nửa đêm dù trời mát lạnh, nhưng người lão Bình vã mồ hôi ướt đầm, mụ vợ lão dù buồn ngủ díp mắt nhưng vẫn cố đợi chồng. Oái ăm thay suốt cả tiếng trôi qua, lão Bình hết leo lên bụng vợ rồi lại tụt xuống. Chán nản và thất vọng, khi lão leo lên lần thứ ba, mụ vợ lão đã hất mạnh lão ngã lăn xuống nền nhà rồi rít lên; Có mỗi việc đó làm cũng không xong, liệu có đáng mặt đàn ông không. Tưởng lão xấu hổ nên im lặng, mụ vợ vốn một chữ bẻ đôi không biết nhưng hôm nay bất ngờ triết lý; Tôi nghe nói “người gầy là thầy của chuyện đó”, nhẽ nào năm xưa ông đi tù oan vì tội hiếp dâm cũng nên. Mẹ kiếp, đến nằm ngửa cho mà xơi cũng không làm được. Lão Bình bất chợt chồm lên, lão đưa tay bóp cổ mụ vợ rồi gằn giọng:

- Nếu mày còn nhắc lại chuyện đó, tao sẽ ném mày ra bãi rác ngay.

Mụ vợ biết tính lão nên kịp thời ngậm miệng, thị ấm ức kéo chiếc chăn mỏng đắp lên tấm thân béo núc lại đang vào độ hồi xuân. Thị biết đêm nay lại bốc hỏa và khó ngủ, tất cả cũng chỉ vì lão chồng già chết tiệt. Đêm hôm đó lão Bình ngồi hút thuốc trong bóng tối, lão cay đắng nhớ lại sự bồng bột của tuổi trẻ khiến mình phải trả giá đắt. Ngày đó khi lão còn trẻ, sau một lần nhậu với đám bạn bất hảo, trên đường về qua khu Văn Chương, lão bắt gặp một cô gái đang hỏi đường ra khu K9 để bắt xe về Lai Châu. Biết gặp phải “bò lạc” lão đã lừa cô gái đi ra bãi đất trống gần hồ rau muống. Mặc cho cô gái chống cự và kêu la, lão đã đánh đập và cưỡng hiếp cô gái quê một cách thô bạo. Ngay đêm đó lão bị bắt khẩn cấp khi còn đang ngon giấc tại nhà, vào tù lão đánh nhau gây thương tích cho bạn tù, án chồng án nên hơn mười năm sau, lão mới được trở lại cuộc sống đời thường. Mấy năm nay, ngoài máu cờ bạc, mụ lại bắt đầu mê trai vì thèm khát. Năm ngoái cũng dịp hoa gạo nở, mụ vợ lão thông báo sẽ đi lễ đền Bảo Hà vài ngày. Đợi nhiều ngày không thấy vợ quay về, tận cuối năm lão Bình mới nhận được tin nhắn từ mụ vợ. Hóa ra mụ đã theo một thằng trai trẻ mới quen vào Nam sinh sống. Lão Bình khi đó chỉ tặc lưỡi; Thôi vậy cũng tốt. mày biến đi cho nhẹ nợ. Có lẽ cuộc sống cô độc của lão vẫn sẽ trôi như vậy, nếu không có chuyện xảy ra mấy tháng trước.

Tiếng loa truyền thanh của phường vừa phát bài hát đầu tiên, bắt đầu cho buổi phát thanh hàng ngày, ở đây tiếng loa thay cho chiếc đồng hồ báo thức, bởi âm thanh của nó vọng vào từng nhà, khiến cho ai muốn ngủ nướng cũng không thể nằm thêm được. Cả xóm lao động nghèo đã bắt đầu rục rịch cho một ngày mưu sinh. Tiếng vợ chồng cãi nhau vì thiếu tiền nhà, tiếng trẻ con khóc vì không muốn đi học rộn ràng vang lên. Chỉ sau chừng 20 phút, cái xóm hoa gạo sẽ rơi vào sự tĩnh lặng do mọi người đã đổ hết ra đường. Ngồi trước cửa nhà với vẻ mặt điềm đạm, lão Bình uống rượu thay cho bữa sáng, bên cạnh chai rượu trắng có nhúm muối ớt và một quà xoài còn xanh thay cho đồ nhắm. Lão uống rượu rồi ngẩng lên ngắm cây gạo như suy ngẫm điều gì, mỗi khi hoa gạo nở đỏ rực, lão lại thấy cồn cào ở trong lòng. Ngày xưa khi lão mãn hạn tù, người giám thị trại giam chỉ nói với lão đúng một câu:

- Hy vọng tôi không phải gặp lại anh trong hoàn cảnh này.

 Lúc đi bộ từ trại giam ra đường tỉnh lộ để bắt xe về Hà Nội, hàng cây gạo trên con đường vào trại giam cũng nở hoa đỏ rực cả góc trời, màu của hoa gạo đã in đậm vào tâm trí của lão. Ngày mới nhập trại vài tháng để thi hành án, mẹ lão dù say xe vẫn cố vào thăm nuôi một lần, vậy nhưng khi mãn hạn tù, lão đã không còn được gặp lại mẹ mình thêm lần nào. Biết uống nữa cũng không thể say được, lão Bình khóa cửa rồi đi làm thủ tục sang tên đổi chủ cho ngôi nhà. Khi lão bước đi ra đường, sau lưng lão những bông hoa gạo rụng như trải một thảm đỏ trong con ngõ nhỏ.

Cạnh nhà lão có mấy cô bé sinh viên đến thuê trọ, hàng ngày bọn trẻ vẫn đi qua cửa cười nói ríu rít. Trong đám sinh viên đó, lão đặc biệt để ý đến một cô bé sinh viên năm thứ Nhất ở trên Lai Châu về trọ học. Dù mới gặp thoáng qua, nhưng lão nhìn cô bé có nhiều nét rất quen. Nhiều lúc thấy cô bé sinh viên đi về một mình, lão Bình cũng muốn bắt chuyện nhưng lại thôi vì ngại hiểu lầm.
Cô bé mỗi lần giáp mặt lão trong ngõ đều chào hỏi lễ phép, nhìn ánh mắt và nụ cười của cô bé, nhiều lúc lão như thấy lại hình ảnh của mẹ mình thời trẻ qua những bức ảnh cũ. Khi gặp được mẹ cô bé, lão cảm thấy choáng váng và hối hận. Người phụ nữ gày gò khắc khổ ngồi bất động dưới gốc cây gạo, bà nhìn lão Bình bằng đôi mắt ngỡ ngàng và chất chứa bao tủi hờn. Hóa ra linh cảm của lão đã đúng, cô bé đó là đứa con duy nhất của bà Miện.

Cách đây gần hai mươi năm, khi ra tòa với tư cách người bị hại. Bà Miện đã nhìn kẻ cướp đi đời con gái của mình bằng đôi mắt căm hờn, trước tòa bà không yêu cầu bồi thường dân sự. Bà chỉ bày tỏ mong muốn, kẻ đồi bại phải trả giá cho hành động thú tính của mình bằng bản án nghiêm khắc. Lão Bình rít điếu thuốc rồi chậm rãi nói với bà Miện việc lão trả xong bản án do tội lỗi của mình gây ra khi xưa, nhưng con bé lớn lên không có cha là một thiệt thòi. Biết bà Miện vẫn căm hận những gì lão đã gây ra nên không mong được tha thứ, lão muốn có cơ hội bù đắp lại những việc làm của mình khi xưa. Lão không quên nhắc việc bà Miện một tuần phải vào viện chạy thận ba lần, rồi tiền ăn, tiền học và tốn kém nhất là tiền thuê nhà. Lão Bình thuyết phục:

- Việc này không phải cho bà hay cho tôi, đó là vì con bé. Bà đừng cho nó biết sự thật, quá khứ đã qua, hãy đào sâu chôn chặt.

Bà Miện im lặng hồi lâu, thời gian trôi qua nhưng sự ám ảnh vẫn còn nguyên vẹn. Chính vì điều đó mà bao năm qua, bà đã dành hết thời gian và công sức để chăm sóc đứa con gái của mình, đứa bé là hậu quả từ vụ bà bị cưỡng bước. Sau khi cân nhắc mọi điều, bà đứng lên và chỉ nói một câu:
- Thôi tùy ông, hãy làm gì cho lương tâm mình thanh thản là được. Vậy ông sẽ đi đâu sau khi rời khỏi nơi này, chẳng nhẽ...
Lão Bình nói bằng giọng kiên quyết:
- Tôi sẽ trở về nơi tôi muốn thuộc về nơi đó.
Hoa gạo vẫn nở đỏ rực cả ngõ, nhưng chủ nhân mới của ngôi nhà chính là hai mẹ con bà Miện. Khi được hỏi về lão Bình, bà Miện chỉ giải thích ngắn gọn với con gái:
- Ông ý đi tìm kiếm sự an yên trong tâm hồn của mình.