Truyền thông quốc tế sục sôi dự đoán Thượng đỉnh Mỹ - Triều II

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hình ảnh thân thiện của hai nhà lãnh đạo Trump-Kim khi đặt chân tới Hà Nội mang đến những lạc quan thận trọng cho thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫy chào từ phi cơ tại Hà Nội.
Chuyến bay chở Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài tối ngày 26/2 - khoảng nửa ngày sau khi Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc hành trình dài từ Bình Nhưỡng tới Hà Nội, nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 trong 2 ngày 27 - 28/2.
Ông chủ Nhà Trắng nhanh chóng đăng tải những dòng thông báo thể hiện sự mong đợi về một tương lai trỗi dậy mạnh mẽ của Triều Tiên như Việt Nam nếu Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa. Sự nhiệt tình tích cực từ hai phía đã mở ra giai đoạn phi hạt nhân hóa Triều Tiên - niềm hy vọng của không chỉ người dân Nam - Bắc Hàn mà cả cộng đồng quốc tế nhằm hướng tới việc thiết lập một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Đáng tiếc khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên đầu tiên tại Singapore hồi 6 năm ngoái đã kết thúc bằng tuyên bố có phần mờ nhạt, bao gồm lời bảo đảm về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và phi hạt nhân hóa hoàn toàn, thay vì đạt được thỏa thuận cụ thể để xóa bỏ các mối đe dọa hạt nhân hiện tại và điều kiện nới lỏng các trừng phạt. Do đó, cuộc gặp gỡ của hai nhà lãnh đạo sau 260 ngày mang ý nghĩa lớn hơn khi họ phải đưa ra kế hoạch hành động chi tiết để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa cuối cùng trong thời gian này.
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dự báo, tình hình hiện tại cho thấy khả năng các cuộc họp thượng đỉnh chính thức dự kiến ​​vào thứ 5 (28/2) sẽ là những đối thoại sâu sắc hơn giữa hai nhà lãnh đạo, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau thông qua các buổi tiếp xúc thân mật vào tối ngày 27/2. Hai nhà lãnh đạo được cho là sẽ ký một thỏa thuận ở cấp độ xúc tiến hai bên nhằm tháo dỡ các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên tại Yongbyon, Tongchang-ri và Punggye-ri dưới sự thanh sát của chuyên gia quốc tế, đổi lại các đề xuất của Washington về việc thành lập văn phòng liên lạc ở mỗi quốc gia và tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-53.
Hình ảnh phái đoàn Triều Tiên thảo luận tại Hà Nội được truyền thông Triều Tiên tiết lộ hôm 27/2.
Mặc dù Nhà Trắng hôm nay đã đề cập đến mong muốn "mang lại hòa bình cho tất cả mọi người" của Tổng thống Donald Trump, nhưng theo nhận định của các chuyên gia nói với Reuter hay CNN, một tuyên bố hòa bình có thể vào lúc này cũng sẽ chỉ mang tính biểu tượng, khi thực tế nó còn phụ thuộc đến nhiều quốc gia từng tham chiến hay mang đến những lo ngại về vấn đề đồn trú của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc một khi hòa bình được lập lại trên bán đảo Triều Tiên.
Vượt qua những bế tắc hiện tại, AP hay báo chí Hàn Quốc tin tưởng thành công của Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội chủ yếu phụ thuộc vào Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Chuyến thăm Việt Nam của Nhà lãnh đạo Triều Tiên phản ánh quyết tâm của ông nhằm xây dựng lại nền kinh tế Triều Tiên mà mô hình cải cách của Việt Nam là một trong những ví dụ hoàn toàn có thể tham khảo.