Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TS Cấn Văn Lực: Ghìm cương lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp

Thảo Nguyên (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo TS Cấn Văn Lực, dù có nhiều yếu tố đang gây áp lực nhưng trong ngắn hạn lãi suất cho vay cơ bản ổn định, nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam năm 2022 là hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, các chính sách phải hướng đến nhiệm vụ này, nên lãi suất không thể tăng...

Dù có nhiều yếu tố đang gây áp lực nhưng trong ngắn hạn lãi suất cho vay cơ bản ổn định. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia dự báo, mặt bằng lãi suất huy động năm nay nhích lên, nhưng lãi suất cho vay sẽ không tăng đột ngột.

Lãi suất cho vay sẽ không tăng đột ngột

Gần đây lãi suất huy động của các ngân hàng tăng liên tục. DN lo lãi suất cho vay sẽ tăng theo nhất là những khoản vay không cố định? Theo ông, lãi suất tăng có ảnh hưởng thế nào tới nền kinh tế và DN?

- Các ngân hàng cổ phần tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm với biên độ phổ biến 0,3 - 0,4% một năm, có ngân hàng tăng đến 0,8% một năm.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực

Lãi suất tăng do nhiều ngân hàng bị thiếu hụt thanh khoản để bổ sung khi tăng trưởng tín dụng đang rất tích cực. Tuy nhiên, nguyên nhân chính phải kể đến là lạm phát có xu hướng tăng. Lãi suất huy động đầu vào sẽ tiếp tục gia tăng ở một số thời điểm do áp lực lạm phát, do người dân vẫn muốn chuyển dịch kênh đầu tư, nhưng các ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất huy động để thu hút dòng vốn tiền gửi từ dân cư và kể cả DN.

Dù có nhiều yếu tố đang gây áp lực nhưng trong ngắn hạn lãi suất cho vay cơ bản ổn định, nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam năm 2022 là hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, các chính sách phải hướng đến nhiệm vụ này, nên lãi suất không thể tăng. Bởi, nếu lãi suất cho vay tăng sẽ đẩy chi phí đầu vào của DN tăng, trong khi giá nhiều nguyên vật liệu đầu vào đã tăng cao. DN không chịu nổi sẽ phải tăng giá bán, dẫn tới tổng cầu có thể bị tác động xấu, thậm chí sụt giảm.

Để giúp các DN giảm bớt áp lực tăng chi phí vốn, hay tăng giá thành sản phẩm, kéo theo đó là đẩy lạm phát lên cao và nhiệm vụ quan trọng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính là là làm sao để giữ lại suất cho vay.

Khả năng việc tăng lãi suất sắp tới của FED (Cục Dự trữ liên bang Mỹ) và động thái ngân hàng trung ương các nước sẽ gây áp lực gì lên chính sách tiền tệ, như lãi suất và tăng trưởng tín dụng?

- Trước áp lực lạm phát, FED và một số nước đã tăng lãi suất đồng nội tệ.  Dù vậy sẽ gây ra hệ quả như kéo tụt tăng trưởng, xóa sổ nhiều việc làm và DN ngại đi vay. Các chính phủ mắc nợ cũng sẽ phải chi nhiều hơn cho việc trả nợ, từ đó ảnh hưởng đến ngân sách cho những việc như chống dịch hay xóa đói giảm nghèo.

Chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ có những ảnh hưởng nhất định, khi NHNN cũng đã duy trì chính sách nới lỏng trong suốt 2 năm qua. Tuy nhiên, cũng có những đánh giá tin rằng nhà điều hành sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng ít nhất cho đến hết năm nay, nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế.

Thực tế, tuy có chịu nhiều áp lực nhưng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát hiện tại vẫn cách xa mục tiêu đặt ra, do đó NHNN có lẽ sẽ chưa cần vội vã trong việc nâng lãi suất điều hành để ứng phó với lạm phát. Ngoài ra, sức đẩy lạm phát hiện nay chủ yếu đến từ giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao và chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chứ không phải do yếu tố cung tiền.

Do đó, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với các kịch bản khi có sự thay đổi chính sách tiền tệ mạnh hơn của các Ngân hàng trung ương lớn trên thế giới; phối kết hợp tốt với chính sách tài khóa, đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá góp phần kiềm chế lạm phát. Cụ thể, điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối chủ động, linh hoạt nhằm ổn định tỷ giá, góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ DN.

Các chính sách cần tập trung hơn, hướng đến việc làm thế nào để phục hồi và phát triển nền kinh tế một cách bền vững; các chính sách cũng cần ưu tiên hướng đến khu vực DN, đặc biệt là những DN có tính lan tỏa lớn đến nền kinh tế.

Nhu cầu tín dụng đang tăng

Các ngân hàng đang đề xuất nới room (hạn mức) tín dụng, ông nhận định ra sao về tác động của việc nới tín dụng ở thời điểm này?

- Nhu cầu phục hồi nền kinh tế, cho vay đương nhiên nhu cầu về tín dụng đã và đang tăng lên. Ngân hàng và DN cũng có nhu cầu vốn cho các dự án dở dang, dự án hiệu quả và cho chương trình phục hồi, nên việc tăng hạn mức là nhu cầu chính đáng, tất nhiên phải kiểm soát được rủi ro. NHNN đang xem xét linh hoạt chỉ tiêu về tín dụng. Có nghĩa, nếu như những ngân hàng nào không sử dụng hết room tín dụng sẽ được chuyển sang cho ngân hàng khác. Như vậy, sẽ không làm tăng nhiều tín dụng chung toàn ngành, việc nới room tín dụng sẽ không có nhiều tác động đến lạm phát.

Theo ông, ngân hàng còn dư địa để giảm thêm lãi suất cho vay?

- Chúng ta đều mong đợi ngân hàng sẽ hạ lãi suất xuống mức thấp, điều đó có lợi cho DN, cho người tiêu dùng, cũng như sự phát triển kinh tế. Ngoài ra, gói cấp bù lãi suất có thể giúp giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian tới. Về phía các ngân hàng, việc gia tăng các tiện ích tiền gửi không kỳ hạn đã giúp ngân hàng thu hút vốn lãi suất thấp để giữ lãi suất cho vay không tăng mạnh.

Để giảm được lãi suất cho vay, ngân hàng phải cắt giảm chi phí đầu vào cũng như tiết giảm chi phí hoạt động, vận hành. Lãi suất cho vay hiện được các ngân hàng thương mại áp dụng theo cung - cầu thị trường và có sự cạnh tranh rất lớn giữa các ngân hàng trong nước và nước ngoài đang hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam. Vì vậy, đang có sự phân hóa rất lớn về lãi suất cho vay giữa các ngân hàng thương mại đối với DN. Đơn vị nào có dự án tốt, tài chính tốt sẽ có mức lãi suất vay thấp và ngược lại.

Các ngân hàng đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%. Theo ông việc này triển khai thế nào để chính sách nhanh chóng đi vào hiện thực và không bị sử dụng vốn sai mục đích?

- Chính phủ và NHNN đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ lãi suất cho DN nhằm góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi kinh tế. Đơn cử NHNN đang triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ. Một số ngân hàng tuyên bố bắt đầu giảm lãi suất theo chương trình trên.

Việc quy định các điều kiện cấp tín dụng là cần thiết để bảo đảm chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu phát sinh. Theo quy định, khoản vay không được hỗ trợ lãi suất chương trình này là có số dư nợ gốc, lãi quá hạn. Sau khi khách hàng đã trả hết số nợ quá hạn thì sẽ được hỗ trợ lãi suất đối với các kỳ trả nợ lãi tiếp theo. Còn với các khoản vay được gia hạn nợ thì sẽ được hỗ trợ trong thời gian gia hạn nợ. Hay nói cách khác, chính sách loại trừ hỗ trợ đối với những đối tượng có nợ cơ cấu, nợ quá hạn. Bản chất gói hỗ trợ này là giúp DN, hộ kinh doanh... có khả năng phục hồi. Chính vì khách hàng có hoạt động khả quan, trả nợ gốc và lãi nên ngân hàng mới cho vay.

Quan trọng nhất là hỗ trợ phải đúng đối tượng thuộc các nhóm ngành, lĩnh vực mà Chính phủ quy định trong Nghị định 31, không để trục lợi chính sách; đồng thời giám sát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn của khách hàng.

Ông nhìn nhận thế nào về khả năng tăng trưởng tín dụng những tháng còn lại của năm 2022? Chính sách tiền tệ cần phải thực hiện ra sao để vừa hỗ trợ tăng trưởng, vừa ổn định vĩ mô kiềm chế lạm phát?

- Dự đoán năm nay tín dụng có thể tăng 14 - 15%, tương đương mức NHNN đưa ra hồi đầu năm. Dòng vốn tín dụng sẽ được ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm nghiệp, thủy sản. Ngược lại, NHNN sẽ kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu DN và các dự án đầu cơ…

Xin cảm ơn ông!

 

"Để giảm được lãi suất cho vay, ngân hàng phải cắt giảm chi phí đầu vào cũng như tiết giảm chi phí hoạt động, vận hành. Lãi suất cho vay hiện được các ngân hàng thương mại áp dụng theo cung - cầu thị trường và có sự cạnh tranh rất lớn giữa các ngân hàng trong nước và nước ngoài đang hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam. Vì vậy, đang có sự phân hóa rất lớn về lãi suất cho vay giữa các ngân hàng thương mại đối với DN. Đơn vị nào có dự án tốt, tài chính tốt sẽ có mức lãi suất vay thấp và ngược lại." - TS Cấn Văn Lực