Đây là bài học quý không chỉ của riêng lĩnh vực hàng không. Trào lưu các địa phương ồ ạt muốn xây sân bay sau một thời gian tạm lắng đang bất ngờ “nóng” trở lại khiến dư luận đặc biệt quan tâm. TS Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia giao thông đã có buổi trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về vấn đề này.
Chỉ thấy cái lợi trước mắt?
Sau một thời gian tạm lắng, gần đây trào lưu xin được xây sân bay tại các địa phương lại rộ lên, ông đánh giá gì về vấn đề này?
- Trước hết, xoay quanh vấn đề này đã có nhiều bài học thực tế. Điển hình như sân bay Vân Đồn ở Quảng Ninh. Như chúng ta đều thấy, sau khi sân bay này hoàn thành và đưa vào khai thác, không chỉ tỉnh Quảng Ninh mà cả khu vực lân cận đều được hưởng lợi. Lợi ích mà sân bay Vân Đồn mang lại trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch là rất lớn.
Ngoài sân bay Vân Đồn, những sân bay lớn như Nội Bài ở Hà Nội và Tân Sơn Nhất ở TP Hồ Chí Minh cũng đều mang tới động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương đều rất rõ ràng. Chính từ những lợi ích nhãn tiền mà những sân bay này mang lại nên nhiều địa phương khác cũng muốn có sân bay. Họ cho rằng nếu địa phương mình có một sân bay, chắc chắn sẽ được hưởng nhiều lợi ích tương tự mà sân bay mang lại.
Tuy nhiên, đấy là khi các địa phương mới chỉ đứng trên quan điểm của họ, và lợi ích nhìn thấy mới chỉ là lợi ích trước mắt. Còn trên thực tế, để có thể xây dựng một sân bay đòi hỏi phải đứng trên một cái nhìn toàn diện và có tính lâu dài.
Chúng ta cần phải thấy rằng, sân bay chỉ là một bộ phận trong hệ thống hạ tầng giao thông vận tải. Nếu chỉ có mỗi sân bay không thì không thể nào vận hành được mà còn phải có hệ thống hạ tầng kết nối như đường bộ, đường sắt... Ngoài ra, sân bay cần phải có những điều kiện nhất định như về diện tích, về khoảng không và cả các yếu tố liên quan đến quốc phòng, an ninh.
Thế nhưng, những yếu tố này phần lớn lại là đặc thù, đòi hỏi phải được nghiên cứu sâu, đánh giá kỹ bởi đội ngũ chuyên gia đầu ngành chứ bản thân các địa phương khó có thể làm được. Bởi vậy, những địa phương muốn xây dựng sân bay trong thời gian gần đây ngày một nhiều nhưng việc quyết định lựa chọn xây thêm sân bay ở đâu phải do Bộ GTVT quyết định. Đây là cơ quản lý đầu ngành, việc xác định nên xây sân bay ở đâu, chỗ nào cần thiết có sân bay, chỗ nào không phải do họ nghiên cứu và quyết định.
Những năm gần đây, mạng lưới giao thông đường bộ ngày càng phát triển, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc; ngoài ra ngành đường sắt đang có kế hoạch đổi mới và nâng cấp với “siêu dự án” đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Việc xây thêm nhiều sân bay vào lúc này có cần thiết không?
- Để trả lời câu hỏi này, có lẽ chúng ta phải làm rõ cả hai khía cạnh. Thứ nhất, nhu cầu đi lại bằng máy bay trong những năm gần đây rõ ràng đã tăng trưởng rất ngoạn mục. Điều này giúp cho tốc độ phát triển của hàng không thuộc diện hàng đầu trong các loại hình giao thông vận tải hiện có, vượt trên cả đường bộ. Ngoài ra, công nghệ sản xuất máy bay cũng ngày một tiên tiến giúp cho những chiếc máy bay làm ra ngày một tốt hơn và rẻ hơn. Đây là những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy hàng không phát triển một cách chóng mặt.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, hàng không dẫu sao vẫn là một loại hình vận tải đặc thù với yêu cầu về yếu tố an toàn rất cao cũng như nhiều đòi hỏi phức tạp khác không giống những loại hình vận tải còn lại. Chính bởi thế, dù có phát triển nhanh đến mấy, hàng không vẫn không thể thay thế được cho đường bộ, đường sắt hay hàng hải.
Nói một cách chính xác, dù hàng không đang ngày một đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải ở nước ta song không thể vượt qua được đường bộ. Đường bộ vẫn là loại hình đóng vai trò quan trọng nhất. Một ví dụ điển hình cho thấy điều này là về khoảng cách hành trình.
Hàng không dù là phương tiện di chuyển nhanh nhất nhưng chỉ phát huy hiệu quả cao nhất với những chặng di chuyển xa. Còn với những chặng di chuyển gần, hàng không gần như không hiệu quả, thậm chí nếu cố khai thác chặng ngắn thì chắc chắn hàng không sẽ lỗ.
Với những chặng có khoảng cách gần, đường bộ mới là loại hình vận tải phát huy được hiệu quả cao nhất. Vai trò của đường bộ không thể thay thế, nhất là trong tình hình thực tế nước ta hiện nay. Đường bộ vẫn đang trong quá trình phát triển chứ chưa đạt đến mức bão hòa, tức là vẫn còn rất nhiều dư địa để đầu tư, phát triển.
Thứ hai, như tôi đã nói, hàng không là một lĩnh vực đặc thù. Vì thế, việc phát triển mạng lưới cảng hàng không ra sao, lựa chọn xây dựng sân bay ở địa phương nào... đòi hỏi phải được nghiên cứu, đánh giá tỉ mỉ, kỹ càng bởi đội ngũ chuyên gia đầu ngành.
Phải tránh tư duy “thời vụ”
Có ý kiến so sánh rằng việc các địa phương ồ ạt muốn xây sân bay giống như việc trồng cây theo phong trào trong lĩnh vực nông nghiệp. Cứ thấy cây gì có giá là trồng mà không quan tâm đến “đầu ra” cho nông sản của mình như thế nào. Ông nghĩ sao về nhận định này?
- Rõ ràng là như vậy, quy hoạch giao thông nói chung và quy hoạch hàng không nói riêng cần phải có tầm nhìn chiến lược. Chính ví dụ về vấn đề xảy ra trong nông nghiệp thời gian qua đã thể hiện rõ điều này. Trong mấy năm gần đây, cụm từ “giải cứu” liên tục xuất hiện đi cùng với nhiều mặt hàng nông sản. Qua câu chuyện này để thấy rằng vai trò điều tiết của cơ quan quản lý Nhà nước quan trọng như thế nào.
Lên quy hoạch là một chuyện nhưng khi thực hiện quy hoạch lại là việc khác. Chính lúc này, Nhà nước mới cần phát huy vai trò trong việc chỉ đạo quy hoạch. Khi đã có chỉ đạo quy hoạch rồi, các cơ quan thực hiện phải làm đúng theo quy hoạch đã được phê duyệt. Trong lĩnh vực hàng không cũng vậy, phải có tầm nhìn chiến lược, tránh tư duy thời vụ.
Xoay quanh câu chuyện các địa phương ồ ạt xin xây sân bay, có ý kiến cho rằng nhiều nơi muốn có sân bay không phải vì nhu cầu thực tế mà chỉ giống như một món đồ trang sức, thi thoảng mang ra sử dụng để đón các đoàn khách quan trọng đến thăm và làm việc. Ông nghĩ gì về điều này?
- Để xây dựng một sân bay cần vốn đầu tư rất lớn, chưa kể để vận hành sân bay cần một đội ngũ nhân viên lớn, chi phí cho việc này cũng không nhỏ. Nếu sân bay xây xong mà số lượng máy bay hoạt động hàng ngày quá ít sẽ rất lãng phí.
Như tôi đã nói ở trên, hiện nay, hầu hết cảng hàng không nhỏ ở nước ta đều đang bị lỗ. Trong khi các cảng hàng không lớn lại khai thác gần như hết công suất. Đầu tư xây dựng sân bay mới, vì thế mà phải đủ lớn để đảm bảo có nhiều máy bay hoạt động, từ đó khai thác mới hiệu quả. Còn xây sân bay mà chỉ để như một món đồ trang sức cho địa phương thì chỉ cần nghe qua thôi cũng đã đủ thấy không cần thiết rồi.
Xin cảm ơn ông!
"Ở các nước phát triển như Nhật Bản, Đức..., tiêu chí để lựa chọn nơi xây dựng sân bay cũng giống nhau, không có gì đặc biệt. Tức là địa phương nào muốn xây sân bay cần phải đảm bảo được các tiêu chí như yêu cầu đi lại, điều kiện thực tế của địa phương. Nói chung là làm sao đảm bảo sân bay xây lên phải khai thác hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thực tế chứ không phải xây xong để đó không có người đi." - TS Nguyễn Hữu Đức