Là một người có hàng chục năm lăn lộn trong hoạt động vệ sinh môi trường, tôi từ sự ngỡ ngàng ban đầu chuyển sang chìm đắm trong mô hình dự án của chị. Đúng là “hậu sinh khả úy”.Áp dụng ý tưởng vào thực tiễnChúng tôi hẹn gặp nhau trong một quán cà phê sinh thái phủ đầy màu xanh của cây cỏ trên đường Hoàng Cầu (Hà Nội). Vừa bước vào, TS Vương Thị Lan Anh đã nhận ra tôi và chạy ào ra đón. Một khuôn mặt trẻ trung, phúc hậu, tươi rói, tràn đầy năng lượng, khác với sự hình dung ban đầu của tôi là hình ảnh một tiến sĩ với cặp kính cận, nghiêm nghị của dáng dấp nhà khoa học.
Cái duyên để chúng tôi gặp được nhau là khi tôi đọc được bài viết ngắn của chị trên Zalo của nhóm Sức khỏe môi trường thuộc Ban Môi trường, Hội Giáo dục và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam. Tôi thật sự ấn tượng với ý tưởng của tiến sĩ môi trường trẻ trung này. Tôi tự đặt tên cho chị là “Tiến sĩ RALAVA” theo tên của chương trình mà chị đang say mê theo đuổi, để mong hiện thực hóa phát kiến của mình đóng góp cho công cuộc cải thiện môi trường nước nhà, đặc biệt là môi trường Thủ đô Hà Nội. RALAVA là tên gọi của chương trình chị đang thực hiện, là chữ viết tắt của câu Rác Là Vàng.Là một học sinh xuất sắc thời phổ thông, chị đã được gửi sang Liên bang Nga học tại một trường hàng đầu là Đại học Tổng hợp Công nghệ hóa Liên bang Nga mang tên Mendeleev D.I. Tại nơi này, chị đã dành cả thời tuổi đôi mươi cho quá trình học từ bậc đại học lên tiến sĩ. Chuyên ngành Sinh thái, Môi trường công nghiệp và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên đã lựa chọn chị và chị cũng đã say đắm chuyên ngành này. Trong thời gian ở Nga, ngoài hóa học môi trường, nghiên cứu sinh trẻ tuổi Vương Thị Lan Anh đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu xử lý rác đô thị. Từ những buổi chiều tranh thủ dạo chơi bên bờ sông thơ mộng của TP Moskva để nạp lại năng lượng thiên nhiên sau cả chuỗi ngày căng thẳng trong phòng thí nghiệm, ý tưởng của dự án RALAVA đã manh nha.Về Việt Nam làm công tác giảng dạy tại trường Đại học Công nghiệp, TS Vương Thị Lan Anh tiếp tục phát triển ý tưởng quản lý rác đô thị của mình. Những lần đi làm qua các khu dân cư chất đầy rác vệ đường, do bãi rác Sóc Sơn đang bị phong tỏa, chị càng mong muốn đưa ý tưởng của mình áp dụng vào thực tiễn. Việc quản lý rác trong thời đại 4.0 thì cũng phải khác với phương thức truyền thống để phù hợp với một Thủ đô đang ngày càng hiện đại hóa, văn minh.Lấy lại những gì quý báu từ rácTS Vương Thị Lan Anh tâm sự, thông điệp của dự án RALAVA mà chị muốn chuyển tải là Hà Nội muốn giải quyết vấn đề rác một cách thông thái, phải phân loại rác ngay từ nguồn và tái chế để lấy lại những gì quý báu từ rác. Nhóm của chị đặt những điểm thu gom tại các khu dân cư, chung cư, trường học, văn phòng, công viên… để người dùng có thể mang rác tái chế tới tích điểm (gọi tắt những địa điểm Wastebank – Ngân hàng rác). Dự án có nhiều biện pháp thu hút, khuyến khích người đến đưa rác, tích điểm.
Sau khi có một lượng điểm nhất định, người dùng có thể quy đổi ra những voucher, thẻ quà tặng, sản phẩm thân thiện môi trường, nhận tiền thưởng công cho hành động phân loại rác mọi nơi mọi lúc của mình. RALAVA tiếp cận các chung cư, trường học, tổ dân phố - nơi tập trung đông người sinh sống và làm việc, để đề nghị đặt Wastebank. Đối tượng quản lý Wastebank mà RALAVA hướng tới là bảo vệ, lao công, nhân viên cửa hàng dịch vụ, người dân yêu môi trường và có chính sách chi trả dựa theo số lượng rác bán được tại Wastebank.
Để nâng cao việc quản lý và kiểm soát sản phẩm – thị trường, RALAVA xây dựng ứng dụng di động (Mobile App) trên 2 nền tảng IOS, Android. Nhóm dự án thiết lập một ứng dụng cho cộng đồng và một ứng dụng cho cán bộ quản lý Wastebank. Tại ứng dụng cho người dùng, khi truy cập vào ứng dụng, người dùng có thể cập nhật được số điểm mình hiện có, tìm kiếm Wastebank gần nhất, cập nhật thông tin hữu ích về hướng dẫn phân loại tái chế, trao đổi thông tin qua lại giữa các thành viên, mua bán những sản phẩm thân thiện môi trường, cập nhật mã giảm giá của các đối tác trong hệ sinh thái RALAVA và đề nghị quy đổi nhận tiền từ điểm tích được.Việc tích điểm được thực hiện bằng cách Wastebank tiếp nhận rác tái chế, xác định số lượng rác và tích điểm cho người dùng. Người dùng được hướng dẫn cách phân loại – tái chế. Để gia tăng giá trị cho người dùng, RALAVA phát triển tính năng Blog và Diễn đàn trên App để người dùng được chia sẻ, lan tỏa và thể hiện bản thân.Khách hàng sau khi nhận được số điểm quy đổi, có thể mua các sản phẩm xanh, mã nhận quà, voucher… của các đối tác mà RALAVA hợp tác. Công đoạn cuối là RALAVA thu tiền lại từ các Wastebank mà RALAVA đã tích điểm tương ứng cho người dùng. RALAVA làm việc với các thương hiệu, nhãn hàng, cửa hàng dịch vụ ăn uống, cửa hàng bán sản phẩm thân thiện môi trường để tiếp nhận sản phẩm, voucher nhằm mục đích quảng cáo cho thương hiệu và đổi quà cho người dùng.Công ty Hoa Việt là đơn vị đứng ra thu gom và tiếp nhận toàn bộ rác thải nhựa của RALAVA, bao gồm cả nhựa dùng một lần, túi nilon… để sản xuất ra vật liệu xây dựng như gạch, ngói, tấm lợp, cung cấp ra ngoài thị trường. Thêm vào đó, RALAVA còn có các đối tác tái chế vỏ hộp sữa, tái chế vải bò, vải vụn và quần áo cũ, tái chế rác hữu cơ để làm nên những sản phẩm xanh, có giá trị sử dụng và kinh tế, đẩy mạnh hiện thực hóa chuỗi giá trị trong nền kinh tế tuần hoàn.TS Vương Thị Lan Anh cho biết, trên địa bàn Hà Nội, nhiều trường học đã tham ra tích cực cùng dự án RALAVA như: THCS Mỹ Đình 2, THCS Cầu Giấy, THCS Nguyễn Trường Tộ, THCS Nhân Chính, THCS Bế Văn Đàn, THCS Thanh Xuân Nam, THCS Khương Mai, THCS Thái Thịnh, THCS Khương Thượng, Tiểu học Ngọc Khánh. Điều đáng mừng là dự án đã truyền cảm hứng cho các học sinh và thu được hiệu quả hơn mong đợi.Chị chia sẻ, dự án RALAVA mới đây đã đoạt giải tại Chung kết cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp” của chuyển đổi số quốc gia 2020. Đây là niềm động viên lớn đối với chị và những người tham gia dự án. Chị tự tin, RALAVA sẽ phủ được 90% mạng lưới thu gom trên địa bàn TP Hà Nội. Rác tái chế thay vì rải rác tại nhiều nơi thì bây giờ sẽ được tập trung lại tại các Wastebank của RALAVA.Tôi tâm sự với TS Vương Thị Lan Anh rằng, dự án của chị đã đi tiên phong để đón luồng sinh khí mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó việc phân loại rác sẽ là bắt buộc đối với mọi hộ gia đình. Chia tay nhà khoa học trẻ, năng động, tôi thầm mong cho dự án RALAVA của chị thành công mỹ mãn, để góp phần giải quyết một điểm nóng trong bảo vệ môi trường Thủ đô Hà Nội.