TT Nigeria bảo vệ hủy trợ cấp giá nhiên liệu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Động thái hủy bỏ trợ cấp giá nhiên liệu của Chính phủ Nigeria kể từ ngày 1/1 đang làm dấy lên phản đối ở nhiều thành phố tại quốc gia đông dân nhất lục địa đen này khi giá xăng dầu đã tăng hơn gấp đôi.

Tối 7/1, trong nỗ lực nhằm ngăn chặn nguy cơ một cuộc bãi công, đình công lan rộng khắp cả nước, đe dọa làm đình trệ ngành công nghiệp sản xuất dầu mỏ, Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan đã có bài phát biểu trên truyền hình quốc gia bảo vệ chính sách hủy bỏ trợ cấp giá nhiên liệu đang gây nhiều tranh cãi.

Theo ông Jonathan, khoản ngân sách từ việc hủy bỏ trợ cấp là rất cần thiết cho xóa giảm đói nghèo. Đồng thời, Tổng thống Nigeria cũng công bố thêm các biện pháp tiết kiệm ngân sách khác như cắt giảm 25% lương quan chức chính phủ, hạn chế các chuyến công cán nước ngoài tốn kém.

Ông Jonathan thừa nhận đây là quãng thời gian khó khăn nhưng cần có những lựa chọn cứng rắn, kiên quyết để bảo vệ nền kinh tế. Việc hủy bỏ trợ cấp giá nhiên liệu là cách tốt nhất để chống tham nhũng, giúp kinh tế tăng trưởng. Bên cạnh đó, Tổng thống Nigeria cũng cảnh báo dư luận không nên bị những đối tượng xúi giục gây rối lợi dụng.

Động thái hủy bỏ trợ cấp giá nhiên liệu của Chính phủ Nigeria kể từ ngày 1/1 đang làm dấy lên phản đối ở nhiều thành phố tại quốc gia đông dân nhất lục địa đen này khi giá xăng dầu đã tăng hơn gấp đôi. Các tổ chức công đoàn đã đe dọa sẽ tổ chức tổng bãi công, đình công và biểu tình rầm rộ trên khắp cả nước kể từ ngày 9/1 nếu chính phủ không rút lại quyết định trên.

Phản ứng sau bài phát biểu của Tổng thống Jonathan, các tổ chức công đoàn ra tuyên bố bài phát biểu "không làm thay đổi được gì" và các cuộc bãi công, đình công, biểu tình sẽ diễn ra "theo đúng kế hoạch."

Liên quan đến tình trạng bạo lực đẫm máu nhằm vào các tín đồ Thiên chúa giáo ở miền Bắc Nigeria, ngày 7/1, bang Adamawa đã bị đặt trong tình trạng giới nghiêm. Đây là quyết định của chính quyền bang sau khi xảy ra một loạt vụ việc làm hơn 30 người Thiên chúa giáo thiệt mạng mà tiêu biểu là trong tối 6/1, một nhà thờ ở thủ phủ bang Yola bị tấn công khiến 11 tín đồ thiệt mạng và 17 người Thiên chúa giáo khác bị bắn chết ở thị trấn Mubi, cũng thuộc bang Adamawa.

Đứng đằng sau các vụ tấn công nhằm vào tín đồ Thiên chúa giáo được cho là nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram. Ngày 1/1 vừa qua, nhóm này đã ra tối hậu thư yêu cầu trong vòng 3 ngày, tất cả những người theo đạo Thiên chúa ở miền Bắc phải chuyển đến miền Nam. Dư luận đang quan ngại về nguy cơ chiến tranh tôn giáo tại Nigeria, đào sâu chia rẽ giữa miền Bắc có đa số người Hồi giáo sinh sống và miền Nam có đa số là người theo đạo Thiên chúa.

Sau một cuộc họp khẩn cấp với những linh mục phụ trách các nhà thờ, người đứng đầu Hiệp hội Thiên chúa giáo Nigeria (CAN), Ayo Oritsejafor tuyên bố rằng các tín đồ Thiên chúa giáo sẽ "làm tất cả những gì có thể" để bảo vệ mình. Ông Oritsejafor cảnh báo tình hình hiện nay làm nhớ lại cuộc nội chiến đẫu máu làm hơn 1 triệu người thiệt mạng trong thập kỷ 60 của thế kỷ trước tại Nigeria. CAN cũng chỉ trích các chính quyền bang phải chịu phần trách nhiệm khi đã không nỗ lực ngăn chặn giết chóc tín đồ Thiên chúa giáo.