TT Pháp tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp khôi phục trật tự

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ nhiều tháng qua, người lao động Pháp đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình và nhiều "Ngày hành động toàn quốc" phản đối kế hoạch cải cách hưu trí, nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động.

KTĐT - Từ nhiều tháng qua, người lao động Pháp đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình và nhiều "Ngày hành động toàn quốc" phản đối kế hoạch cải cách hưu trí, nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Chiều 19/10, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp chống tình trạng người biểu tình phong tỏa các nhà máy lọc dầu và khôi phục trật tự.

Ông Sarkozy đưa ra tuyên bố trên khi tình hình Pháp đang có xu hướng ngày càng căng thẳng do người lao động trong cả nước bước sang "Ngày hành động toàn quốc" thứ 6 khi có khoảng gần 500.000 người tham gia các cuộc biểu tình phản đối trong cả nước.

Từ nhiều tháng qua, người lao động Pháp đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình và nhiều "Ngày hành động toàn quốc" phản đối kế hoạch cải cách hưu trí, nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Hàng trăm cuộc bãi công đã diễn ra trong nhiều ngành kinh tế và dịch vụ xã hội. Hàng triệu người đã biểu tình tại nhiều thành phố, thị trấn trong cả nước, làm tê liệt nhiều hoạt động kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và đời sống. Đặc biệt, cuộc bãi công tại các nhà máy lọc dầu và việc người biểu tình phong tỏa một số kho nhiên liệu đã gây khó khăn lớn cho hoạt động giao thông vận tải và các hoạt động khác ở Pháp trong nhiều ngày qua. Đợt đình công, biểu tình gần đây nhất bắt đầu từ ngày 12/10 và kéo dài cho đến nay.

Làn sóng bãi công và biểu tình đang có chiều hướng biến thành bạo loạn. Nhiều vụ xung đột đã xảy ra giữa thanh niên và cảnh sát chống bạo động, khi một số học sinh, sinh viên phong tỏa các trường học, đốt phá xe ôtô trên đường và ném gạch đá vào cảnh sát, buộc nhà chức trách phải sử dụng vũ lực. Nhiều phần tử quá khích đã bị bắt giữ.

Cải cách chế độ hưu trí là một trong số những ưu tiên cải cách mà Chính phủ Pháp đang quyết tâm thực hiện, coi đó là một trong những biện pháp quan trọng để đối phó với tình trạng thâm hụt ngân sách quốc gia ngày càng tăng đang đe dọa nền kinh tế và để tránh nguy cơ hệ thống trợ cấp hưu trí bị sụp đổ. Song kế hoạch không được người lao động Pháp ủng hộ vì lo ngại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của họ.

Kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu tối thiểu từ 60 lên 62 tuổi đã được hai viện Quốc hội Pháp thông qua.

Ngày 11/10, Thượng viện Pháp cũng đã thông qua một điều khoản quan trọng khác trong dự luật cải cách chế độ hưu trí. Đó là nâng độ tuổi người lao động có thể nghỉ hưu và được hưởng trọn vẹn lương hưu từ 65 tuổi lên 67 tuổi. Điều này đồng nghĩa với việc dự luật cải cách hưu trí gây tranh cãi đang tiến gần tới việc được chính thức thông qua thành luật.