Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 42/2023/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thực hiện từ 1/1 đến 31/12/2024.
Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng trừ etanol giảm còn 2.000 đồng/lít. Cùng với đó, đối với nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, và mỡ nhờn giảm còn 1.000 đồng/lít. Thuế bảo vệ môi trường của dầu hỏa giảm còn 600 đồng/lít.
Mức giảm này được áp dụng bằng mức giảm năm 2023, tức là giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn so với mức trần trong Biểu khung thuế. Đối với dầu hoả, mức thuế bảo vệ môi trường giảm 70% so với mức trần trong Biểu khung thuế. Riêng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay được áp dụng theo mức sàn trong Biểu khung thuế.
Nghị quyết nêu rõ, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/1/2025 được thực hiện theo quy định tại Mục I khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, trường hợp thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn tăng lên bằng mức trên của biểu khung thuế từ đầu năm 2024, sẽ làm Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng thêm 0,36 - 0,54 điểm phần trăm. Ngược lại, nếu tiếp tục giảm thuế này hết năm sau sẽ tránh được biến động tăng giá bán lẻ xăng, dầu và không làm tăng CPI.
Đánh giá về tác động thu ngân sách nhà nước, Chính phủ cho biết, với đề xuất nêu trên thì dự kiến tổng thu ngân sách Nhà nước giảm khoảng 42.452 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc kéo dài giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu tới hết năm sau sẽ giúp hạ giá bán lẻ trong nước, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân, chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.