Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ 1/1/2025, Cột cờ Hà Nội mở cửa đón khách

Thiên Tú - Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Từ ngày 1/1/2025, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội sẽ mở cửa cho khách tham quan Cột cờ Hà Nội. Đây là công trình mới được Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam bàn giao về cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội hôm 25/12.

Cột cờ Hà Nội (Kỳ đài) nằm trên đường Điện Biên Phủ, thuộc quận Ba Đình, Hà Nội, được xây dựng năm 1812, dưới thời Vua Gia Long triều Nguyễn trên phần đất phía Nam của Hoàng thành Thăng Long. Đây là điểm chuẩn, đánh dấu sự khởi nguyên ở đầu phía Nam trục chính tâm của tòa thành, từ đây theo đường “ngư đạo”, qua Đoan Môn rồi tới điểm quan trọng nhất, điểm trung tâm của Hoàng thành là điện Kính Thiên.

Cột cờ Hà Nội (Kỳ đài) nằm trên đường Điện Biên Phủ.
Cột cờ Hà Nội (Kỳ đài) nằm trên đường Điện Biên Phủ.

Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Cột cờ Hà Nội nay là công trình còn nguyên vẹn và hoành tráng nhất trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long. Cột cờ được xây dựng bao gồm ba tầng đế và một thân cột. Các tầng đế hình chóp vuông cụt, nhỏ dần, chồng lên nhau, xung quanh xây ốp gạch. Tầng một mỗi chiều dài 42,5m; cao 3,1m có hai thang gạch dẫn lên.

Tầng hai, mỗi chiều dài 27m; cao 3,7m có 4 cửa, cửa hướng Đông trên có đắp hai chữ “Nghênh Húc” (đón ánh sáng ban mai), cửa Tây với hai chữ “Hồi Quang” (ánh sáng phản chiếu), cửa Nam với hai chữ “Hướng Minh” (hướng về ánh sáng), cửa Bắc không có chữ đề.

Từ 1/1/2025, Cột cờ Hà Nội mở cửa đón khách - Ảnh 1

Tầng ba, mỗi chiều dài 12,8m; cao 5,1m có cửa lên cầu thanh trông về hướng Bắc. Trên tầng này là thân Cột cờ, cao 18,2m; hình trụ tám cạnh, thon dần lên trên, mỗi cạnh đáy chừng 2m. Trong thân có cầu thang 54 bậc xây xoáy trôn ốc lên tới đỉnh. Toàn thể được soi sáng và thông hơi bằng 39 lỗ hình dẻ quạt.

Đỉnh Cột cờ được cấu tạo thành một cái lầu hình bát giác, cao 3,3m có 8 cửa sổ tương ứng với tám cạnh. Giữa lầu là một hình trụ tròn, đường kính 40cm cao đến đỉnh lầu, là chỗ để cắm cán cờ (cán cờ cao 8m). Toàn bộ Cột cờ cao 33,4m, nếu kể cả cán cờ thì là 41,4m.

Ngày 10/10/1954, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng – cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội. Năm 1989, Cột cờ Hà Nội được công nhận là di tích lịch sử.

Cột cờ Hà Nội.
Cột cờ Hà Nội.

Hơn nửa thế kỷ qua, gắn trên đỉnh Cột cờ Hà Nội là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay lồng lộng trên nền trời của Thủ đô Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, mãi mãi là biểu tượng vinh quang, là niềm tự hào của dân tộc, đất nước Việt Nam độc lập, tự do.

Trước đó, ngày 25/12, Cột cờ Hà Nội được bàn giao từ Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng về cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

Trước đó, tại buổi làm việc với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội về chương trình công tác, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà lưu ý Trung tâm nhanh chóng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để mở cửa đón khách tham quan khu vực Cột cờ Hà Nội - di tích quan trọng của Thủ đô và đất nước.

"Về lâu dài, Trung tâm cần tiếp tục triển khai các nội dung nhằm nâng cao chất lượng điểm đến tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Đây là cơ hội để thực hiện tour tham quan theo đúng diện tích của Hoàng thành Thăng Long từ Cột cờ Hà Nội đến Đoan Môn, khu vực thềm rồng Điện Kính Thiên và các công trình kiến trúc, giá trị lịch sử của Hoàng thành Thăng Long" -Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà nhấn mạnh.