Từ 1/10, chợ đầu mối và chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh sẽ dần mở cửa trở lại

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính quyền TP Hồ Chí Minh có chủ trương, từ ngày 1/10, sẽ cho phép chợ đầu mối và chợ truyền thống trên địa bàn mở cửa hoạt động trở lại thay vì chỉ là điểm trung chuyển như hiện nay.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, tình hình dịch bệnh tại TP hiện đã đạt được nhiều kết quả khả quan như: Số ca mắc mới và số ca tử vong do Covid-19 đều có xu hướng giảm; tỷ lệ tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% được tiêm mũi 1 và trên 30% được tiêm mũi 2; một số hoạt động kinh tế - xã hội thí điểm mở cửa trở lại tại các địa bàn cơ bản đảm bảo an toàn.
Vì vậy, nhằm tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19 và lộ trình từng bước phục hồi kinh tế TP trong thời gian vừa qua, từ 00 giờ 00, ngày 1/10/2021, TP thực hiện từng bước nới lỏng giãn cách xã hội trên cơ sở diễn biến tình hình dịch bệnh và đánh giá mức độ an toàn của ngành y tế đối với từng khu vực theo Hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch Covid-19” của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19.
 Tiểu thương tại chợ Hòa Hưng trên đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 10, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Báo Chính phủ
Trong đó, chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức và chợ truyền thống được phép hoạt động trở lại.
Đồng thời, các hoạt động thương mại điện tử (thông qua shipper, đơn vị vận tải, doanh nghiệp bưu chính và logistics); cửa hàng xăng dầu, gas, hóa chất… cũng dự kiến được hoạt động trở lại. Riêng các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang đi.
Liên quan đến việc mở cửa trở lại chợ truyền thống, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương khẳng định, chủ trương của TP là mở cửa theo lộ trình, an toàn đến đâu mở đến đó
Trước mắt, Sở Công Thương sẽ làm việc với từng quận, huyện để nắm kế hoạch cụ thể và điều chỉnh kịp thời. Khi điều kiện phù hợp sẽ cho các chợ mở cửa trở lại. Trong đó có quy định và kiểm soát chặt chẽ người vào chợ phải có kết quả xét nghiệm âm tính.
"Trên cơ sở hoạt động của mô hình điểm trung chuyển và tùy theo nhu cầu thực tế sau khi ở các quận, huyện mô hình chợ truyền thống mở lại và nhu cầu cần nguồn hàng hóa từ các chợ đầu mối tăng lên thì lúc đó Sở sẽ tham mưu cho TP phương án nâng dần quy mô cho tới lúc thấy cần thiết đưa các chợ này hoạt động trở lại thì sẽ tổ chức lại” - Phó Giám đốc Sở Công Thương nói.
Tương tự, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh cũng khẳng định, kế hoạch phục hồi kinh tế TP trong giai đoạn bình thường mới còn dưới dạng dự thảo. Tuy nhiên, với phương châm mới thích ứng an toàn với Covid-19, TP sẽ không thực hiện cứng Chỉ thị 15 hay 16 mà sẽ có những tiêu chí, hướng dẫn mới linh hoạt hơn sau ngày 1/10.
"Sức chịu đựng của TP đã đến hạn. TP là đô thị đặc biệt và cần những tiêu chí riêng, TP đã kiến nghị lên Thủ tướng. Đến giờ phút này, kế hoạch của các nhóm nghiên cứu mới ở dạng dự thảo. Chậm nhất ngày 27/9 sẽ phải công bố để người dân, doanh nghiệp biết được kế hoạch từ ngày 1/10 ra sao, nới lỏng thế nào" - PGS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Chiều ngày 26/9, chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị, bà Nguyễn Thị Mộng, chủ vựa mực Út Tài tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, TP Hồ Chí Minh) cho biết, nếu ngày 1/10, chợ Bình Điền được mở cửa hoạt động trở lại bình thường thay vì chỉ là điểm trung chuyển như hiện nay, sẽ là tin vui lớn với tất cả tiểu thương.
“Được hoạt động lại, tôi tin, tất cả tiểu thương sẽ tuân thủ giữ khoảng cách, mang khẩu trang khi làm việc” – bà Mộng nói.
Cũng trong tâm trạng phấn khởi, chị Lê Thị Nhi (tiểu thương chợ Bình Tiên, quận 6, TP Hồ Chí Minh) cũng cho biết, dù có chút lo lắng, nhưng vô cùng vui mừng khi biết tin TP đang từng bước mở cửa.
“Tôi buôn bán nhỏ, làm ngày nào chỉ đủ chi tiêu ngày đó. Từ khi bùng dịch đến giờ rất khổ, chỉ mong được mua bán trở lại, để có đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống” – chị Nhi bày tỏ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần