Từ 1/10, tai nạn lao động trên công trường được bồi thường đến 100 triệu đồng

Ngọc Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là một trong những quy định tại Thông tư 50/2022/TT-BTC về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng nhằm hướng dẫn thực hiện Nghị định số 119/2015/NĐ-CP quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng và Nghị định số 20/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 119/2015/NĐ-CP.

Thông tư 50/2022/TT-BTC quy định rõ về bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng.
Thông tư 50/2022/TT-BTC quy định rõ về bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng.

Thông tư này hướng dẫn quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm và chế độ tài chính, chế độ báo cáo đối với bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng bao gồm: Bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng; bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng; bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường; bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba.

Bên cạnh đó, đối tượng bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng là công trình, hạng mục công trình quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng và Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 20/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP .

Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm bắt buộc công trình trong thời gian xây dựng theo quy định là giá trị đầy đủ của công trình khi hoàn thành, bao gồm toàn bộ vật liệu, chi phí nhân công, thiết bị lắp đặt vào công trình, cước phí vận chuyển, các loại thuế, phí khác và các hạng mục khác do chủ đầu tư hoặc nhà thầu cung cấp.

Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với công trình trong thời gian xây dựng không được thấp hơn tổng giá trị hợp đồng xây dựng, kể cả giá trị điều chỉnh, bổ sung (nếu có).

Đối với công trình xây dựng được bảo hiểm có giá trị dưới 1.000 tỷ đồng, không bao gồm phần công việc lắp đặt hoặc có bao gồm phần công việc lắp đặt nhưng chi phí thực hiện phần công việc lắp đặt thấp hơn 50% tổng giá trị hạng mục công trình xây dựng được bảo hiểm: Phí bảo hiểm được xác định theo điểm a khoản 1 Mục I Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Đối với công trình xây dựng được bảo hiểm có giá trị dưới 1.000 tỷ đồng, có bao gồm công việc lắp đặt và chi phí thực hiện phần công việc lắp đặt chiếm từ 50% trở lên tổng giá trị hạng mục công trình xây dựng được bảo hiểm: Phí bảo hiểm được xác định theo điểm a khoản 1 Mục II Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Đáng chú ý, Thông tư cũng quy định, đối tượng bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường là trách nhiệm dân sự của nhà thầu thi công xây dựng đối với người lao động thi công trên công trường theo quy định pháp luật. Số tiền bảo hiểm tối thiểu trong trường hợp bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường là một trăm (100) triệu đồng/người/vụ.

Về phạm vi bồi thường, Điều 22 quy định doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà nhà thầu thi công xây dựng bồi thường cho người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh do thực hiện công việc thi công trên công trường, trừ một số trường hợp nhất định.

Bên cạnh đó, tại Điều 24 quy định căn cứ vào mức độ rủi ro của đối tượng được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm được điều chỉnh tăng hoặc giảm phí bảo hiểm tối đa hai mươi lăm phần trăm (25%) tính trên phí bảo hiểm quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

Còn theo Điều 26, khi người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh do thực hiện công việc thi công trên công trường thuộc trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả các khoản sau:

Phụ cấp nghỉ việc trong thời gian điều trị theo chỉ định của bác sĩ nhưng không vượt quá 06 tháng lương trong mỗi sự kiện bảo hiểm.

Chi phí cấp cứu, điều trị nội, ngoại trú cần thiết nhưng không vượt quá 100 triệu đồng/người/vụ.

Trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%, mức bồi thường xác định theo Bảng tỷ lệ trả tiền bồi thường tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

Trường hợp người lao động bị chết/suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả 100 triệu đồng/người/vụ.

Tổng số tiền bồi thường không vượt quá tổng số tiền bảo hiểm quy định trong hợp đồng bảo hiểm.

Cuối cùng, theo Điều 12, khi xảy ra sự cố công trình xây dựng, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm phải phối hợp giải quyết bồi thường bảo hiểm như sau:

Đối với bên mua bảo hiểm, lập tức thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm bằng các phương tiện thông tin liên lạc, sau đó trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày xảy ra sự cố công trình xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Cung cấp các tài liệu trong hồ sơ bồi thường theo quy định và tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình xác minh các tài liệu đó...

Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, thực hiện giám định tổn thất theo quy định pháp luật và lập biên bản giám định nguyên nhân và mức độ thiệt hại; hướng dẫn, phối hợp với bên mua bảo hiểm và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thu thập đầy đủ các tài liệu để lập hồ sơ bồi thường.

Trường hợp chấp nhận bồi thường bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải có văn bản thông báo bồi thường bảo hiểm. Trường hợp từ chối bồi thường bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải có văn bản giải thích lý do.

Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ bồi thường bảo hiểm các khoản thiệt hại vật chất mà người được bảo hiểm thực tế phải gánh chịu và khi các khoản đó đã được tính vào số tiền bảo hiểm.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/10/2022.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần