Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ 1/4, Nghị định 10/2020/NĐ-CP có hiệu lực: Hồi kết cho cuộc tranh cãi giữa taxi truyền thống và công nghệ

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau rất nhiều chờ đợi, cuối cùng Nghị định 10/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định 86/2014) quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đã được ký và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2020. Những tranh cãi trong công tác quản lý và nhận diện xe công nghệ cũng đi đến hồi kết.

Người dân đi taxi trên phố Cổ Tân. Ảnh: Thanh Hải
“Quyền lựa chọn” trong quy định về nhận diện
Taxi công nghệ nói riêng và xe công nghệ nói chung có lẽ là đối tượng được nhắc đến nhiều nhất trong suốt 12 lần dự thảo Nghị định vừa qua. Với sự ra đời của Nghị định 10/2020, cuộc tranh cãi về quy định quản lý taxi truyền thống và taxi công nghệ đã đi đến hồi kết.
Nghị định 10/2020 cũng quy định rõ trách nhiệm của lái xe kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử cũng như người thuê vận tải, hành khách tham gia giao kết hợp đồng điện tử. Trong đó, lái xe có trách nhiệm cung cấp các thông tin của hợp đồng điện tử cho lực lượng chức năng khi có yêu cầu. Người thuê hoặc hành khách sử dụng thiết bị để truy cập được giao diện phần mềm có thể hiện toàn bộ nội dung của hợp đồng điện tử; khi ký kết hợp đồng điện tử với đơn vị kinh doanh vận tải phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Một trong những điểm đáng chú ý ở Nghị định mới chính là tại điểm b, khoản 1, Điều 6, cho phép taxi truyền thống và taxi công nghệ được lựa chọn gắn hộp đèn với chữ TAXI, hoặc dán logo phản quang, thay vì quy định cứng bắt buộc gắn hộp đèn trên nóc xe. Theo đó, hộp đèn với kính thước tối thiểu là 12 x 30cm còn logo có cụm từ "XE TAXI" làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe, với kích thước tối thiểu của cụm từ "XE TAXI" là 6 x 20cm. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ "XE TAXI".
Không chỉ với xe taxi, Nghị định cũng không bắt buộc xe hợp đồng điện tử phải gắn hộp đèn trên nóc xe mà chỉ yêu cầu dán phù hiệu phản quang bên trong xe. Cụ thể, tại điểm a Điều 7, xe hợp đồng phải có phù hiệu "XE HỢP ĐỒNG" và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết các thông tin khác trên xe.
Nhiều quy định vẫn còn mang tính “an toàn”
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đánh giá, Nghị định 10/2020 đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về quy định pháp lý trong kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô hiện nay. “Nói chung, với những yêu của một nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, Nghị định 10/2020 đã cơ bản đáp ứng được dù vẫn còn nhiều điểm chưa thật sự hài lòng. Tuy nhiên, việc ban hành nghị định vào lúc này là cần thiết bởi công tác soạn thảo cũng đã kéo dài tới hơn 2 năm nay rồi trong khi bối cảnh hiện nay rất cần có một nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014 đã không còn phù hợp” – ông Thanh nói.
Phân tích về một trong những quy định được chờ đợi nhất trong Nghị định 10 là quy định cho phép taxi truyền thống và taxi công nghệ được lựa chọn gắn hộp đèn với chữ TAXI, hoặc dán logo phản quang, thay vì quy định cứng bắt buộc gắn hộp đèn trên nóc xe, ông Thanh cho rằng, đây thực ra chỉ là giải pháp mang tính chất tình thế của đơn vị soạn thảo Nghị định. “Trên thế giới các xe taxi đều có hộp đèn hết. Bởi vì đây không phải chỉ là phục vụ nhận dạng ban ngày mà quan trọng hơn cả đây là dấu hiệu nhận dạng vào ban đêm. Khi không có khách phải bật sáng để nhìn được rõ và khi có khách thì phải tắt đèn. Đây là quy định nhận dạng mang tính chất phổ thông và phổ cập trên toàn thế giới đối với xe taxi” – Chuyên gia giao thông phân tích.
Nhận định thêm về quy định trên, ông Nguyễn Văn Thanh sử dụng cụm từ “lưỡng tính” để nói về “quyền lựa chọn” gắn hộp đèn hoặc dán logo cho xe taxi trong Nghị định 10/2020. Nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, đây là lựa chọn an toàn của Bộ GTVT bởi chủ đề này đã gây tranh cãi nảy lửa giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống trong suốt thời gian qua. Đến khi Nghị định 10 ra đời, cuộc tranh cãi này vẫn còn âm ỉ nên với giải pháp “lưỡng tính” như trên, Bộ GTVT đã tạm thời giải chấm dứt được cuộc tranh cãi này. “Hai bên cứ tranh luận mãi mà không thể ngã ngũ thì cũng cần phải có những giải pháp tình thế để giải quyết như thế này” – ông Thanh nói.
Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay đối với công tác quản lý kinh doanh vận tải bằng ô tô chính là cách quản lý ra làm sao, đặc biệt là nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước. Điều này đương nhiên một mình Nghị định 10 không thể giải quyết hết mà còn phải chờ sự ra đời của nhiều Nghị định, văn bản pháp luật khác. “Hiện nay, chúng ta vẫn đang thực sự lúng túng trong việc quản lý xe công nghệ. Đây là điều không thể phủ nhận được. Đương nhiên, xe công nghệ là loại hình mới, hiện đại thì không thể không công nhận và cho nó hoạt động nhưng cái chính phải làm sao có giải pháp hợp lý để quản lý tốt nhất, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng nhất giữa hai loại hình taxi. Đó là điều chúng ta vẫn phải tiếp tục cải tiến trong thời gian tới chứ không thể chỉ trong chờ vào Nghị định 10 được” – ông Nguyễn Văn Thanh khẳng định.