Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ 16/4, TP Hồ Chí Minh tiêm vaccine cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh cho biết, dự kiến TP sẽ tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi bắt đầu từ sáng thứ 7, ngày 16/4.

Theo Sở GD&ĐT, tính đến ngày 7/4 đã có 77,58% phụ huynh đồng ý tiêm vaccine phòng Covid-19 cho con từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trong đó, tỷ lệ đồng thuận cao nhất ở nhóm phụ huynh có con học lớp 6.

Cụ thể, số phụ huynh đồng ý tiêm cho con 5 tuổi đạt 60,76%; Phụ huynh đồng ý cho con học tiểu học tiêm đạt 74,18% và phụ huynh đồng ý cho con học lớp 6 tiêm đạt 88,32%.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Dương Trí Dũng cho hay, đến thời điểm này cơ bản các công tác nhập liệu trước tiêm, thẩm định điểm tiêm, chuẩn bị cơ sở vật chất điểm tiêm đã được ngành giáo dục hoàn tất. Các cơ sở giáo dục có học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng trong đợt này cũng đã sắp xếp, bố trí đội ngũ để hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng cho trẻ được diễn ra an toàn, nhịp nhàng nhất. Trong quá trình tiêm hạn chế thấp nhất việc thay đổi kế hoạch. 

TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng cho công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC).
TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng cho công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC).

“Do chiến dịch tiêm chủng lần này diễn ra với trẻ nhỏ nên mọi công tác chuẩn bị đều phải được tổ chức sát sao, kỹ càng nhất, đặt an toàn cho trẻ và sự thuận lợi cho phụ huynh lên trên hết” – ông Dương Trí Dũng nói và nhấn mạnh, hiện nay, các cơ sở giáo dục vẫn tiếp tục tuyên truyền để gia tăng hơn nữa sự đồng thuận tiêm chủng trong phụ huynh.

Theo kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được UBND TP Hồ Chí Minh công bố, dự kiến số lượng trẻ cần tiêm là 898.537 trẻ, trong đó có 885.730 trẻ đi học, 12.807 trẻ đang nuôi dưỡng ở cơ sở bảo trợ xã hội và trẻ chưa đi học.

Đối với trẻ đi học: Tiêm tại trường học hoặc tại điểm tiêm được cơ sở giáo dục và y tế địa phương phối hợp quyết định, đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng, chống dịch bệnh.

Đối với trẻ không đi học: Tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động trên địa bàn do UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện quyết định. 

Đối với trẻ đang điều trị nội trú tại các bệnh viện: Tổ chức tiêm vaccine ngay tại bệnh viện, kể cả trẻ cư trú tại tỉnh, thành khác.

UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu khi tổ chức tiêm chủng, đảm bảo yêu cầu giãn cách, bố trí khu vực chờ cho phụ huynh… Bố trí số lượng trẻ được tiêm trong ngày phù hợp; Bảo đảm thông tin và kết quả tiêm của trẻ phải được cập nhật đầy đủ lên "Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19" và cuối mỗi ngày cần rà soát, thống kê số lượng trẻ chưa đến tiêm để lên lịch tổ chức tiêm kịp thời.

Cùng với việc ban hành kế hoạch tiêm chủng, UBND TP cũng giao trách nhiệm cho các sở, ngành liên quan. Trong đó, Sở GD&ĐT có trách nhiệm rà soát, lập danh sách học sinh trong độ tuổi quy định, thống kê số liệu đồng thuận theo trường học tại mỗi phường/xã/thị trấn…

Hiện có hai loại vaccine Covid-19 được tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là vaccine Pfizer và vaccine Moderna. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 4 tuần. Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi cùng loại vaccine, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào.

Về phản ứng sau tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, với trẻ từ 5 đến 12 tuổi tương tự như đối với nhóm từ 12 đến dưới 18 tuổi.

Cụ thể, người tiêm có thể gặp tình trạng đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm, kiệt sức, đau đầu tấy đỏ và sưng tại vị trí tiêm, đau cơ và ớn lạnh.

Các phản ứng rất thường gặp nhất ở nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi là: Buồn nôn, tấy đỏ tại vị trí tiêm; Phản ứng ít gặp là nổi hạch, các phản ứng quá mẫn (phát ban, ngứa, mề đay, phù mạch), giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi đêm, đau chi, suy nhược, khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm; phản ứng rất hiếm gặp là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim (ít hơn 1/10.000).