Từ 1/7/2021, Hà Nội thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị: Bước cải cách hành chính lớn

Linh Nguyễn (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đã có những bước chuyển lớn trong cải cách hành chính (CCHC), thể hiện rõ nhất là sự hài lòng của người dân và DN khi đến giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ở các cơ quan công quyền.

Đồng thời, Hà Nội đã chính thức thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị từ ngày 1/7/2021, đây là cơ hội lớn để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng CCHC. Đó là quan điểm được nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên báo Kinh t &Đô thị.

Công việc không còn bị “cắt khúc”

Từ thực tế, ông đánh giá thế nào về những chuyển biến trong công tác CCHC của TP Hà Nội thời gian qua. Với việc triển khai chính quyền đô thị, trong công tác này, Hà Nội sẽ đứng trước những cơ hội và thách thức mới ra sao, thưa ông?

- Thời gian qua, qua theo dõi thông tin về công tác CCHC tại Hà Nội tôi thấy, thực sự thành phố đã có những bước chuyển rất lớn. Điều này thể hiện ở việc số lượng TTHC được rút gọn lớn, ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào điều hành, các dịch vụ công trực tuyến. Người dân, DN khi đến giải quyết TTHC tại các cơ quan hành chính đã nhận được kết quả rất nhanh, những vướng mắc đều được giải quyết kịp thời, sự hài lòng tăng lên. Đó là điều rất đáng mừng.
 Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh.
Hà Nội đã chính thức thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại các phường của 12 quận và thị xã Sơn Tây, theo tôi, đây cũng chính là một bước CCHC lớn. Bản chất là Hà Nội thí điểm mô hình 2 cấp chính quyền (thành phố, quận) và một cấp đại diện (phường). Trước kia ở phường, mọi quyết sách đều phải được HĐND thông qua trước, thậm chí cấp ủy họp trước, nên có độ trễ lớn trong hoạt động hành chính. Trong khi với đô thị đòi hỏi phải liên thông, bởi ở 1 quận, 1 phường thì tất cả kết cấu hạ tầng, giao thông, ANTT… đều liên quan nhau. Do đó, sự thay đổi mô hình chính quyền này được kỳ vọng sẽ tạo ra thống nhất cao trong chỉ đạo, mọi công việc “trôi” nhanh, không còn bị cắt khúc như trước, bởi trên cơ sở quyết định của thành phố và quận, có phân cấp phân quyền mạnh hơn nên phường sẽ triển khai thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật nhanh, sát dân hơn, chắc chắn đáp ứng được yêu cầu của Nhân dân.

Tuy nhiên, bài toán đặt ra là chất lượng đội ngũ cán bộ công chức (CBCC) phường có đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới? Trước kia, vấn đề gì cũng phải thông qua HĐND phường quyết rồi mới triển khai, nay không còn chuyện “ỷ lại”, mà UBND phường hoàn toàn thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên. Triển khai ngay nên sẽ rất nhanh, kèm theo đó là chịu trách nhiệm và sẽ có phân cấp phân quyền nhiều hơn.
Cũng vì thực thi nhiệm vụ luôn theo chỉ đạo của quận và thành phố, với tư cách là cấp đại diện chính quyền của quận ở phường, nên cần kịp thời, thể hiện trách nhiệm rõ hơn. Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường do quận bổ nhiệm, cùng toàn bộ CBCC phường đã trở thành công chức quận (công chức hành chính), nên mấu chốt là cần nâng cao thái độ phục vụ, đạo đức công vụ, trách nhiệm và năng lực thực hiện; không thể tiếp tục rề rà, ỷ lại, lấy lý do khó khăn này khác để bao biện…

Vậy theo ông, cải cách TTHC nói riêng và CCHC nói chung cần có những giải pháp thế nào để ngày càng giải quyết công việc nhanh gọn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân?

- Cải cách TTHC là giảm bớt thủ tục do cấp trên quy định, song ở cấp phường cần xem xét đề xuất cấp trên giảm bớt thủ tục đáp ứng yêu cầu của người dân, đồng thời phải tuân thủ đúng và không sinh ra thủ tục khác, với thái độ làm việc tốt ở mọi bộ phận nhất là ở “một cửa”, thể hiện từ lãnh đạo đến CBCC thực hiện trên tinh thần lấy người dân là trung tâm phục vụ. Bởi thước đo cuối cùng đánh giá chất lượng chính quyền chính là sự hài lòng của người dân.

Trước những băn khoăn về việc định biên cán bộ công chức không nhiều, phải đáp ứng được khối lượng công việc rất lớn, nhất là với phường quy mô lớn, tôi cho rằng cần rà soát lại, những vị trí không thể tuyển dụng nữa thì cần nâng cao chất lượng, đánh giá và sàng lọc cho tốt, song song với tính toán chế độ chính sách. Đã nhỏ về lượng thì phải tinh về chất. Trước là công chức phường nhưng nay đã là công chức đại diện của cấp quận tại phường đó rồi, nên phải đủ đáp ứng về tinh thần thái độ, tiêu chuẩn chất lượng.

Dù tổ chức bộ máy gọn lại, chính quyền không còn phải qua cấp trung gian, không có độ trễ trong các quyết định hành chính nữa, nhưng vẫn không thực sự hiệu quả nếu con người không thay đổi để đạt chất lượng yêu cầu, bởi CBCC vừa là đối tượng thực thi vừa là người đề xuất quy định, chính sách. Muốn nâng chất lượng CBCC thì phải tăng rà soát đánh giá, có hỗ trợ, thưởng phạt kịp thời, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ, luân chuyển cán bộ quận về...

Nắm bắt cơ hội gia tăng sự hài lòng của người dân

Cũng liên quan đến CCHC, trong chính quyền đô thị có việc cán bộ tư pháp-hộ tịch được lãnh đạo UBND phường ủy quyền ký hồ sơ chứng thực. Để thực hiện đạt hiệu quả, ông cho rằng cần có quy định rõ ràng thế nào?

- Việc này thể hiện phân cấp phân quyền nhiều hơn, song nếu công chức được ủy quyền quyết định một vấn đề nhưng sử dụng quyền lực đó không tốt thì sẽ rất nguy hại. Quan điểm cần rõ ràng là trách nhiệm và quyền hạn đi đôi nhau, nhưng vấn đề còn là chất lượng của công chức đó. Trước kia chỉ là người tham mưu, còn có Chủ tịch hay Phó Chủ tịch UBND phường ký hồ sơ, tức là còn có người khác chịu trách nhiệm, rà soát lại; nhưng nay công chức được quyết định ngay, nên nếu không có trình độ, kỹ năng nghiệp vụ hoặc có thái độ trách nhiệm hay đạo đức công vụ không tốt thì hậu quả khôn lường.
Một quyết định hành chính có sai sót thì không dễ chỉnh sửa, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân; hơn nữa nếu giấy tờ giả mạo được mang đi giao dịch, hoặc công chức hời hợt nhìn liếc qua, không phát hiện văn bản là gốc hay không phải gốc, giả hay thật, đến lúc chứng thực xong, được phát hành thì rất nguy hại. Thực tế hiện nay nhờ công nghệ có thể chỉnh sửa dễ dàng..., nên công chức tư pháp cần có kỹ năng rất tốt và tinh thần trách nhiệm cao. Suy cho cùng, CCHC đến đâu thì vẫn là xoay quanh cải cách con người.

Như ông đã nói, thực hiện chính quyền đô thị chính là bước CCHC lớn, vậy Hà Nội cần làm gì để nắm bắt cơ hội này, góp phần gia tăng hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính?

- Tôi nhận thấy chính quyền đô thị hoàn toàn có thể tạo cơ sở để gia tăng sự hài lòng của người dân, quan trọng là thành phố thực hiện ra sao. Bộ máy đã tinh gọn hơn, không còn cấp trung gian, không còn độ trễ trong giải quyết công việc, nhất là cấp phường có trách nhiệm, quyền hạn rất cụ thể và công chức chuyên môn sẽ được phân cấp phân quyền nhiều hơn, nhưng nếu đội ngũ chưa chuyển biến, phục vụ vẫn cửa quyền, người dân vẫn chậm được giải quyết TTHC và CBCC lấy lý do nhiều việc quá (như trường hợp khai tử ở phường Văn Miếu trước đây)… thì không thể đạt được mục tiêu này.

Tôi muốn nhấn mạnh, cùng với cố gắng trong cả 6 lĩnh vực của công tác CCHC thì yếu tố có tính quyết định gia tăng sự hài lòng của người dân chính là chất lượng, tinh thần thái độ, trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ CBBC. Hà Nội có điều kiện lớn để nâng cao chỉ số SIPAS, phụ thuộc bộ máy chỉ đạo của thành phố, quận cho đến sự vận hành của phường, đội ngũ CBCC- nếu không đạt được những điều kiện này thì thậm chí chỉ số đó còn tụt lùi.

Năm 2020, Hà Nội đứng thứ 8/63 tỉnh, thành về kết quả Chỉ số CCHC, trong đó các chỉ số thành phần xếp thứ hạng cao là: "Tổ chức thực hiện văn bản QPPL tại tỉnh” đứng thứ nhất, với 92,33%; "cải cách tổ chức bộ máy hành chính” đứng thứ hai, đạt 10,64%; “xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC” đứng thứ sáu, đạt 91,14%... Cùng đó, “cải cách TTHC” cũng đạt cao, 98,65%, tăng hơn 5% so với năm trước.