Từ Bách hóa Hà Nội đến thương hiệu Hapromart

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, người dân Thủ đô và một số tỉnh phía Bắc khi có nhu cầu mua sắm hàng tiêu dùng thiết yếu thường nhắc đến hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích mang thương hiệu Hapromart.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết, hệ thống siêu thị mang thương hiệu Hapromart là sự tiếp nối truyền thống hơn 60 năm của ngành thương mại Hà Nội.

Một thời cửa hàng mậu dịch quốc doanh

Những người dân Thủ đô nhiều tuổi khi nhắc đến hệ thống cửa hàng bán lẻ thường nhớ đến hệ thống cửa hàng bách hóa tổng hợp, hay còn được gọi là cửa hàng mậu dịch quốc doanh đặt ở các quận, huyện Hà Nội. Thời đó, kinh tế bao cấp, hệ thống bán lẻ (như cách nói hiện nay) chủ yếu chỉ là các cửa hàng bách hóa bày bán những mặt hàng thông dụng như vải vóc, quần áo, phụ tùng xe đạp, giường tủ, một vài thứ đồ điện... Những mặt hàng này đều bán theo tem phiếu.
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Hapro Đông Anh. 	Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Hapro Đông Anh. Ảnh: Hoài Nam
Mỗi độ Tết đến, Xuân về, mỗi gia đình CBCNV được mua một túi hàng Tết theo tiêu chuẩn phân phối. Trong túi hàng đó có đầy đủ bánh mứt kẹo, thuốc lá, mì chính, hạt tiêu, bóng bì… Còn với người dân các tỉnh, thành khác mỗi khi về Hà Nội, đặc biệt là những dịp Tết, những ngày kỷ niệm lớn đều truyền tai “Về Hà Nội nhất định phải thăm Lăng Bác, hồ Hoàn Kiếm và Bách hóa Tổng hợp Bờ Hồ… Chưa đi những điểm đó thì coi như chưa đến Hà Nội”. Bách hóa Tổng hợp Bờ Hồ đã trở thành một trong 3 điểm “du lịch” không thể bỏ qua khi đến Thủ đô. Và những quầy trưng bày, giới thiệu hàng hóa tại đây khiến không ít người choáng ngợp trước đủ các chủng loại hàng hóa, những tủ kính đèn trang trí sáng trưng…

Lịch sử hình thành phát triển hệ thống bán lẻ Hà Nội ghi nhận, ngay sau ngày tiếp quản Thủ đô, Công ty Mậu dịch Bách hóa Hà Nội đã ra đời để tiếp quản ngành thương nghiệp TP. Ngày 26/3/1960, UBND TP quyết định thành lập Công ty Bách hóa Hà Nội (Bách hóa Hà Nội), từ giai đoạn này, bên cạnh nhiệm vụ phát triển thương nghiệp, Công ty còn phải vận động các nhà tư sản tham gia các công ty hợp doanh.

Tính đến năm 1965, Công ty đã vận động được 118 nhà tư sản thương nghiệp lớn tại Hà Nội tham gia vào công ty hợp doanh. Nhờ đó, Bách hóa Hà Nội lớn mạnh, đáp ứng được nhu cầu cơ bản của Nhân dân Thủ đô.

Bắt đầu từ năm 1966, Mỹ liên tục ném bom miền Bắc, Nhân dân Thủ đô phải đi sơ tán về nông thôn. Để kịp thời phục vụ Nhân dân Thủ đô tại các vùng sơ tán, ngày 1/12/1967, Công ty được đổi tên thành Công ty Bách hóa Bán lẻ Hà Nội. Ngày ấy, người Hà Nội khi phải đi sơ tán tránh bom Mỹ luôn ngóng chờ xe bán hàng lưu động của Bách hóa Bán lẻ Hà Nội đến phục vụ nhu yếu phẩm thiết yếu cho đời sống. Đây có thể nói là thời kỳ khó khăn, gian khổ nhưng hào hùng nhất của Công ty Bách hóa Bán lẻ Hà Nội.

Từ năm 1965 - 1975, với sự đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, Công ty Bách hóa Hà Nội được tặng thưởng 2 Huân chương Lao động.

Cùng Thủ đô trên con đường hội nhập

Từ 1975 đến thời kỳ đầu thực hiện công cuộc đổi mới, nguồn cung hàng thiếu thốn trầm trọng trong khi nhu cầu người dân ngày càng cao đã khiến Công ty luôn phải cố gắng trong việc đảm bảo nguồn hàng cung ứng. Ngoài ra, Công ty cũng được giao tiếp nhận thêm một số cửa hàng kinh doanh không hiệu quả tại các khu tập thể Giảng Võ, Thanh Xuân, Thành Công…, qua đó mở rộng mạng lưới cửa hàng.

Cùng với công cuộc đổi mới nền kinh tế Thủ đô và đất nước, Công ty đã bắt tay ngay vào việc sắp xếp lại bộ máy quản lý, nhân sự tinh giản, gọn nhẹ, linh hoạt, giao quyền chủ động kinh doanh cho từng đơn vị. Đặc biệt, Công ty đã tiến hành cải tạo, nâng cấp hàng loạt cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ tại số 12 phố Bờ Hồ, 15 Tràng Tiền, 11 B Cát Linh… trở thành các điểm kinh doanh khang trang, hiện đại, qua đó thu hút khách hàng.
Cửa hàng mậu dịch thời bao cấp.
Cửa hàng mậu dịch thời bao cấp.
Cuối năm 1989, Công ty Bách hóa Hà Nội là một trong những đơn vị đầu tiên của ngành thương nghiệp Hà Nội chuyển sang quản lý kinh doanh theo cơ chế thị trường.

Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 11/1995, người dân Hà Nội lần đầu tiên có cơ hội tiếp cận thương mại hiện đại sau khi Công ty đưa vào hoạt động trung tâm thương mại tại số 7 phố Đinh Tiên Hoàng. “Có thể nói việc đầu tư cải tạo từ cửa hàng mậu dịch quốc doanh thành trung tâm thương mại hiện đại là công trình mang tính đột phá của Bách hóa Hà Nội, góp phần tạo ra chuỗi siêu thị mang thương hiệu Hapromart sau này” - ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội (nguyên Bí thư Đảng ủy Công ty Bách hóa Hà Nội) khẳng định. Tiếp nối thành công bước đầu, những năm tiếp theo, Công ty liên tục khai trương thêm các siêu thị và cửa hàng tiện ích mới tại các vị trí quan trọng ở Thủ đô: Siêu thị Khâm Thiên, siêu thị Giảng Võ, cửa hàng tiện ích 376 Khâm Thiên…

Với việc đẩy mạnh đầu tư, phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ hiện đại, Công ty Bách hóa Hà Nội đã được nhiều DN sản xuất trong nước và quốc tế lựa chọn làm đối tác tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2004, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) được UBND TP Hà Nội ra quyết định thành lập, Công ty Bách hóa Hà Nội trở thành một DN thành viên. Đây cũng là thời điểm các DN bán lẻ trong nước đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ phía DN bán lẻ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Để giữ vững thị phần trong nước trước sự cạnh tranh này, đòi hỏi Hapro phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại.

Ngày 11/11/2006, Tổng Công ty đã công bố nhận diện chuỗi Siêu thị và cửa hàng tiện ích mang thương hiệu Hapromart.

Theo ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Hapro: Trong những ngày đầu xây dựng hệ thống siêu thị hiện đại mang thương hiệu Hapromart, Tổng Công ty lấy chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện ích của Công ty Bách hóa Hà Nội làm nòng cốt phát triển.

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc liên kết giữa các DN từ đó tạo thành sức mạnh, đương đầu với DN bán lẻ lớn của nước ngoài là xu thế chung của DN Việt Nam. Chính vì vậy, tháng 2/2009, Công ty Bách hóa Hà Nội sáp nhập vào Công ty Siêu thị thuộc Hapro. Từ đó cái tên Bách hóa Hà Nội gắn liền lịch sử phát triển của Thủ đô, khoác lên mình một cái tên mới hiện đại, phù hợp với xu thế mới: Hapro Mart. Sau gần 10 năm hoạt động, đến nay, Hapromart đã được mở rộng chuỗi lên trên 40 siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart và có mặt tại gần 10 tỉnh, TP phía Bắc.

Từ Công ty Bách hóa Hà Nội đến thương hiệu Hapromart là một chặng đường dài gắn với mỗi giai đoạn phát triển của Thủ đô. Và trong xu thế hội nhập ngày một sâu rộng hiện nay, trong chiến lược của mình, Hapromart không chỉ đặt mục tiêu là thương hiệu phân phối, bán lẻ lớn, tin cậy mà còn vươn tới những thị trường mới, tạo sức lan tỏa cho ngành thương mại Thủ đô.
Không chỉ đảm bảo tốt công tác kinh doanh, Công ty Bách hóa Hà Nội luôn là đơn vị chủ lực trong Tổng Công ty Thương mại Hà Nội tham gia công tác đảm bảo an sinh xã hội của TP: Bình ổn giá, đưa hàng Việt về vùng khó khăn như khu công nghiệp, khu chế xuất, địa bàn nông thôn, miền núi của Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần