Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tu bổ, trùng tu di tích: Chậm tiến độ do thiếu nhân công

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, công tác kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng định kỳ và tu bổ, tôn tạo di tích của các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội bị ảnh hưởng. Một số di tích bị chậm tiến độ, tuy nhiên không có hiện tượng tự phát trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích.

Chậm tiến độ

Dịch Covid-19 với những đợt giãn cách xã hội để phòng chống dịch trên địa bàn toàn TP đã tác động đến các vấn đề đời sống, kinh tế, văn hoá, xã hội nói chung, trong đó có các hoạt động quản lý, phát huy giá trị di tích nói riêng. Đặc biệt trong các công tác kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng định kỳ và tu bổ tôn tạo di tích của các địa phương trên địa bàn Hà Nội.
 Dự án phục dựng tòa Phương đình và tôn tạo gò Kim Châu tại Hồ Văn (thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám) bị chậm tiến độ.

Do tình trạng giãn cách xã hội kéo dài, nhiều di tích đã bị đóng cửa, không có người trông coi hàng ngày nên trong đợt giãn cách xã hội đầu tiên (đầu năm 2020) một số di tích đã bị kẻ gian đột nhập trộm cắp tài sản, đồ thờ… cá biệt, một số cổ vật có giá trị nghệ thuật bị đánh cắp (tượng thờ, ngai thờ, sắc phong). Đơn cử như trong vòng chưa đầy 1 tháng (từ ngày 13/3 đến ngày 11/4/2020), trên địa bàn huyện Thanh Oai liên tiếp xảy ra các vụ trộm tại chùa Bối Khê (xã Tam Hưng), chùa Dư Dụ (xã Thanh Thùy) và chùa Từ Châu (xã Liên Châu). Tổng số có 26 cổ vật, đồ thờ tự tại nhiều di tích trên địa bàn huyện Thanh Oai bị kẻ gian lấy mất.

Bên cạnh đó, theo Ban Quản lý Di tích, danh thắng Hà Nội, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 công tác chuẩn bị đầu tư tu bổ di tích của các địa phương cũng đã bị ảnh hưởng do giãn cách xã hội. Các hoạt động xây dựng nói chung, tu bổ di tích nói riêng bị ngừng trệ, tiến độ thực hiện tu bổ tại một số di tích bị chậm gây khó khăn, ảnh hưởng đến công tác bảo quản các cấu kiện đã hạ giải, cùng với xâm thực của nước mưa, thời tiết nắng nóng… làm cho di tích, di vật cũng bị xuống cấp, hư hại nhiều, nhất là đối với các hiện vật bằng chất liệu gỗ, thổ. Trong đó có thể kể đến một số di tích như: Đình Vĩnh Phệ, đình Yên Bồ (huyện Ba Vì); Chùa Nành (huyện Gia Lâm); Đền Mậu Hòa, Đền Vật (huyện Hoài Đức); Chùa Bình Vọng (huyện Thường Tín).

Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, việc thực hiện tu bổ, sửa chữa một số hạng mục thuộc hồ Văn nằm trong dự án tổng thể bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và khai thác khu Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đang bị chậm tiến độ. Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: “Một số hạng mục tu bổ, sửa chữa trong Hồ Văn dự kiến sẽ hoàn thiện vào tháng 9/2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc sửa chữa, tu bổ bị chậm hơn tiến độ. Vì vậy, chúng tôi đang phải xin gia hạn thời gian. Nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ là do thiếu nhân công do giãn cách xã hội. Cùng với đó, một số thiết bị, đồ dùng được các xưởng sản xuất, nhà máy ngoài Hà Nội thực hiện. Nhưng do giãn cách xã hội, nhân công chưa thể làm ngay, gặp khó khăn trong việc vận chuyển trang thiết bị đến Hồ Văn để thực hiện tu bổ, sửa chữa”.

Bổ sung nguồn kinh phí

Nhằm hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn, kịp thời tu bổ các di tích, Ban Quản lý Di tích, danh thắng Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, rà soát để tham mưu, đề xuất danh mục các di tích trình UBND TP xem xét, chấp thuận đầu tư tu sửa cấp thiết các di tích xuống cấp nặng, có nguy cơ sập đổ. Việc này, đã được Thường trực HĐND TP có văn bản số 225/HĐND-KTNS ngày 27/8/2021 về việc bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp các di tích lịch sử - văn hóa sử dụng nguồn vốn ngân sách TPnăm 2021 - 2022 và các năm tiếp theo.

Trưởng ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho biết: “Ban Quản lý Di tích, danh thắng Hà Nội đã tăng cường phối hợp kiểm tra, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã chủ động triển khai kế hoạch đầu tư tu bổ tôn tạo di tích theo đề xuất của địa phương. Hướng dẫn chuyên môn, trực tiếp hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật chuyên ngành để giúp các địa phương triển khai công tác tu bổ di tích theo quy trình, quy định của Luật Di sản văn hóa và các quy định liên quan của pháp luật và TP”.

Đồng thời, tiếp tục tham mưu đề xuất UBND TP hỗ trợ các di tích lịch sử văn hóa qua các Chương trình, Kế hoạch như: Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa; Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về việc phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, Sở VH&TT Hà Nội đã chủ động ban hành các các văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã trong công tác: Đảm bảo an ninh, trật tự, phòng cháy chữa cháy, cắt tỉa cây, vệ sinh môi trường trong di tích trên địa bàn TP. Triển khai Thông tư số 15/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ VHTT&DL quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Tăng cường công tác quản lý bảo vệ nhằm ngăn chặn việc mất cắp di vật, hiện vật, xâm hại di tích.

Bên cạnh đó, UBND quận, huyện đã đã tích cực vào cuộc, triển khai đến các xã, phường trong công tác quản lý tại các di tích trên địa bàn. Đặc biệt, là sự phối kết hợp chặt chẽ của cán bộ, nhân dân tại các địa phương, do vậy, theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã trong thời gian qua công tác quản lý di tích đã tương đối ổn định, ngăn chặn và làm giảm hẳn tình trạng mất cắp di vật, hiện vật; không còn việc tự phát trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích.